Kết hợp phương pháp dạy học hiện đại để Lịch sử trở nên hấp dẫn

GD&TĐ - Phát huy tính tích cực, chủ động, khơi dậy niềm đam mê của học sinh trong học tập là phần quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử đã được các nhà trường thực hiện thời gian vừa qua.

Những bài giảng hấp dẫn sẽ cuốn hút học sinh đến với môn Lịch sử
Những bài giảng hấp dẫn sẽ cuốn hút học sinh đến với môn Lịch sử

Kết hợp các phương pháp dạy học hiện đại

Cô Nguyễn Trà My, tổ trường khối 4 Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Với đặc thù của môn học Lịch sử, để hoạt động học tập của học sinh ngày càng tích cực hơn cần có phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, kiến thức, với đặc điểm lứa tuổi tâm sinh lý của các em.

Một trong những đổi mới tích cực nhất của giáo dục tiểu học nói chung và dạy học Lịch sử lớp 4 nói riêng trong một vài năm gần đây là đặt trọng tâm đổi mới vào các phương pháp dạy học, nghĩa là phải thay đổi hình thức dạy học để tăng cường tính chủ động nhận thức của người học.

Thay đổi hình thức dạy học này, giáo viên kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại và đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức học tập theo cá nhân, nhóm, lớp; học tập thông qua các thiết bị dạy học như bản đồ, lược đồ hoặc tranh ảnh để học sinh tự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức đồng thời phát triển kỹ năng của học sinh.

Mỗi phương pháp, mỗi hình thức dạy học đều có những ưu điểm riêng nên giáo viên phải lựa chọn hình thực tổ chức dạy học cho phù hợp và có hiệu quả nhất thì mới phát huy được tính tích cực của học sinh ở mỗi bài học cụ thể.

Việc vận dụng một cách hợp lý kiến thức Văn học vào dạy Lịch sử sẽ làm cho giờ Lịch sử hay hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, cuốn hút học sinh hơn và cuối cùng là làm cho tiết Lịch sử mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, để giúp học sinh ham thích, tìm tòi, chủ động, tích cực hơn trong học tập, giáo viên phải hướng dẫn, định hướng học sinh chuẩn bị tài liệu, tư liệu phù hợp, gợi ý một số nguồn thông tin để phục vụ cho bài học.

Cùng với đó, qua hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức hàng năm, giáo viên lên kế hoạch, định hướng học tập cho các em thông qua các hoạt động như chụp ảnh, ghi chép lại lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, phỏng vấn những người hiểu biết về địa danh đó. Sau khi kết buổi hoạt động ngoại khóa, giáo viên yêu cầu học sinh chia sẻ thông tin với lớp hoặc gắn sản phẩm của mình lên bảng tin của lớp.

Cô My cho biết, nhờ những giải pháp đổi mới giảng dạy được thực hiện những năm qua, học sinh đều rất hứng thú khi học môn Lịch sử. Thậm chí, có học sinh còn mong ngóng từng ngày đến tiết học Lịch sử. Nhiều gia đình cũng có những phản hồi tốt như nói rằng các con ham tìm hiểu hơn, hào hứng kể cho bố mẹ nghe những kiến thức lịch sử đã khám phá được.

Các giáo viênchia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình mới
Các giáo viênchia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình mới

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Làm thế nào để học sinh có phương pháp học đúng, yêu thích môn học, nắm kiến thức cơ bản, được hoạt động nhiều, làm thế nào để không còn phương pháp dạy học truyền đạt kiến thức một chiều, để có thể phát huy hết được năng lực của học sinh là trăn trở của các thầy giáo nói chung và các thầy cô dạy Lịch sử nói riêng.

Cô Trần Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Năm học đầu tiên triển khai chương trình lớp 6 mới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến trong suốt thời gian dài đã khiến các giáo viên dạy môn học Lịch sử - Địa lý gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn Kế hoạch thực hiện chuyên đề với các khối lớp đặc biệt là với học sinh 6. Thông qua các giờ chuyên đề, giáo viên sẽ chia sẻ các phương pháp mới, giải đáp những khó khăn để các giờ dạy online thực sự có hiệu quả.

Là một giáo viên có nhiều trăn trở trong việc đổi mới phương pháp dạy học, chịu khó tìm tòi, áp dụng, cô Nguyễn Khánh Phượng được lựa chọn để thực hiện tiết chuyên đề: “Khai thác các ứng dụng, tiện ích của CNTT trong tổ chức, quản lý dạy học trực tuyến môn Lịch sử và Địa lý cho học sinh lớp 6”.

Phân môn Lịch sử là một môn học luôn được đánh giá là khó vì lượng kiến thức rất nhiều, nhất là với học sinh lớp 6. Để học sinh hiểu và nắm chắc kiến thức nếu chỉ cung cấp kiến thức thì học sinh sẽ dễ nhàm chán, thậm chí có thể không tham gia vào buổi học. Để khắc phục, giáo viên khi soạn bài phải áp dụng CNTT, tạo ra những slide đẹp, những trò chơi để lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.

Trong những bài giảng, cô giáo đã áp dụng nhiều phần mềm hỗ trợ: Phần mềm Google Meet với ứng dụng điểm danh tự động vừa có tác dụng quản lý học sinh, nắm được chính xác thời gian các em tham gia học. Google Meet còn có các ứng dụng giơ tay, tương tác trong cửa sổ chat, giúp học sinh tham gia tích cực vào giờ học.

Cùng với đó là phần mềm Wordwall.net để tạo trò chơi khởi động hoặc củng cố bài học; phần mềm Padlet.com để tạo hoạt động thảo luận nhóm; phần mềm Quizizz.com để kiểm tra hoặc giao bài tập trắc nghiệm  trực tuyến; phần mềm Azota.vn để kiểm tra vở ghi, giao bài tập hoặc kiểm tra trực tuyến dạng bài trắc nghiệm hoặc tự luận. Phần mềm Canva.com để thiết kế phiếu học tập đẹp mắt, chuyên nghiệp.

Trong một tiết chuyên đề với nhiều nội dung của bài học, lượng kiến thức nhiều, những phần mềm mà cô Phượng sử dụng thực sự có hiệu quả, khiến giờ học diễn ra sôi nổi. Không còn là khoảng cách địa lý, không còn bị giới hạn bởi học trực tuyến, chỉ thấy những khuôn mặt háo hức, những nụ cười của học sinh.

Trong giờ học lịch sử, học sinh rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động, được trao đổi trong nhóm, được tương tác với giáo viên, được chơi với các bạn. Và hơn thế, cô Phượng đã gieo cho học trò niềm say mê với môn học. Các em tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu, có tinh thần học tập tốt. Các em có học lực trung bình cũng tích cực tham gia học tập và phát biểu xây dựng bài. Đó cũng là nền tảng để các em bước vào bậc học của các lớp cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ