Không thể quan niệm Lịch sử là môn học thuộc bài

GD&TĐ - Đề thi môn Lịch sử những năm gần đây cho thấy, với những câu hỏi vận dụng cao, nếu chỉ đơn thuần viết lại kiến thức mà không biết cách trình bày, lập luận và chọn dẫn chứng thì sẽ không bao giờ đạt điểm cao.

Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) học ngoại khóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa
Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) học ngoại khóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Không “học gạo”

Em Tăng Thị Thùy Dang, cựu học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ, thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Đà Nẵng khẳng định: “Thực ra, cũng như các môn Toán, Lý, Hóa, môn Sử, Địa cũng thiên về tư duy lôgic. Chẳng hạn như mỗi sự kiện lịch sử, ngoài diễn biến còn có nguyên nhân, hiệu quả… thế nên nếu học theo kiểu “tụng bài” thì chưa vào phòng thi đã rơi rụng hết kiến thức”.

Theo Dang, mỗi sự kiện, ngoài những con số, bao giờ cũng phải chú ý đến bản chất và đặc điểm của nó. Lúc học, có thể chia thành từng giai đoạn, nhưng giữa các giai đoạn lịch sử bao giờ cũng có sự liên kết, gắn bó với nhau. Chính vì vậy, người học cần phải biết xâu chuỗi, hệ thống lại để nắm được cả tiến trình. Dang cho rằng, để làm tốt bài thi môn Lịch sử như cách ra đề của những năm gần đây, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích đề, nếu không sẽ rất dễ bị lạc đề. Ngoài ra, trong quá trình làm bài, thí sinh cũng phải biết vận dụng kiến thức, chọn lọc dẫn chứng, có cách lập luận chặt chẽ mới mong đạt được điểm cao.

Tăng Thị Thùy Dang chia sẻ, với môn Lịch sử, ngoài giải các đề tham khảo thì cần phải tập trung học sâu vào kiến thức cần nhớ.
Tăng Thị Thùy Dang chia sẻ, với môn Lịch sử, ngoài giải các đề tham khảo thì cần phải tập trung học sâu vào kiến thức cần nhớ.

Chia sẻ kinh nghiệm cho những học sinh khóa sau chọn tổ hợp môn xét tuyển đại học theo khối C, Tăng Thị Thùy Dang cho rằng, bên cạnh việc tập giải các đề tham khảo thì cần phải tập trung học sâu vào kiến thức cần nhớ. “Với cả môn Lịch sử và Địa lý, tránh suy nghĩ sai lầm chỉ cần “học thuộc lòng” là làm bài được mà phải tập trung đầu tư học chắc, học hiểu”.

Xem thời sự để học Lịch sử

Lê Thị Thanh Phương Thảo, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam), khóa tốt nghiệp năm 2016 đạt điểm 10 môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, cụm thi ĐH Đà Nẵng chủ trì. Phương Thảo chia sẻ: “Suốt cả năm lớp 10 và 11, em rất sợ môn Lịch sử; càng học thì em càng rối. Em cứ nhớ được sự kiện này thì quên sự kiện khác và rất lúng túng với việc sử dụng các dữ liệu”.

Môn Lịch sử sẽ còn là nỗi “ám ảnh” của Lê Thị Thanh Phương Thảo nếu năm lớp 12, Thảo không được học với thầy Lê Văn Tri – giáo viên dạy môn Lịch Sử. “Ngoài việc truyền cảm hứng giúp em yêu thích bộ môn, thầy còn hướng dẫn phương pháp học sao cho có hiệu quả. Thay vì trước đây em cứ bắt buộc mình trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày là phải thuộc từng đó kiến thức, thầy hướng dẫn cho em cách chia nhỏ ra từng giai đoạn, và đừng chỉ chăm chăm học thuộc mà còn phải nắm bắt cho được nội dung của sự kiện. Với cách học như thế, môn Sử với em trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực bởi những con số, dữ liệu khô khan”.

Khi cảm nhận được cô học trò nhỏ vốn có tư duy và cảm nhận tốt môn Lịch sử bắt đầu chớm yêu thích học bộ môn, thầy Tri tìm cách bồi đắp thêm để rồi môn Sử trở thành niềm đam mê với Phương Thảo. “Thầy giáo khuyến khích em thường xuyên nghe thời sự để cập nhật thông tin”.

Học sinh Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) trải nghiệm giờ học lịch sử địa phương tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Học sinh Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) trải nghiệm giờ học lịch sử địa phương tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Nghe lời khuyên của thầy, Thảo bắt đầu chú tâm xem chương trình thời sự. “Nhưng lúc đầu, em thấy rất nặng nề, có nhiều khái niệm mới mà em chưa biết. Rồi dần dần thì thấy thích vì nhận ra chương trình thời sự hàng ngày giúp mình rất nhiều thứ, biết nhiều dữ kiện để liên hệ với bài học, không chỉ môn Sử mà còn ở các môn học khác”.

Phương Thảo chia sẻ rằng em thường ghi nhớ những chi tiết thời sự trong nước và thế giới, có gì chưa hiểu thì lên mạng tra cứu thêm hoặc hỏi thêm thầy giáo. Với cách học như vậy, theo như Thảo, giúp em khắc sâu thêm kiến thức, biết rằng lịch sử vẫn gắn liền với dòng chảy của hiện tại để áp dụng trong những bài học lịch sử của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.