Giáo viên dạy liên trường đòi hỏi nỗ lực nhân đôi

GD&TĐ - Trong bối cảnh thiếu giáo viên, nhiều thầy cô ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tự nguyện, xung phong thỉnh giảng, dạy tăng cường cho trường bạn.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Bình Phú (Tân Hồng, Đồng Tháp). Ảnh: Phước Thành
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Bình Phú (Tân Hồng, Đồng Tháp). Ảnh: Phước Thành

Sự nỗ lực của giáo viên dạy liên trường, liên cấp không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho ngành Giáo dục trong bối cảnh thiếu nhân lực, mà còn thể hiện lòng đam mê, trách nhiệm cao của thầy cô với sự phát triển của học trò.

San sẻ gánh nặng

Trong bối cảnh thiếu giáo viên, nhiều thầy cô ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tự nguyện, xung phong thỉnh giảng, dạy tăng cường cho trường bạn. Chấp nhận dạy liên trường đồng nghĩa nhiệm vụ, trách nhiệm và nỗ lực phải nhân đôi, vừa bố trí thời gian cho công việc chuyên môn ở trường, cho gia đình vừa phải học tập, nghiên cứu thêm để đảm bảo tốt nhất về chuyên môn. Thế nhưng với ý thức “chia lửa” cho trường bạn, các thầy, cô giáo đã nỗ lực vượt mọi khó khăn của bản thân và hoàn cảnh dạy học.

Thầy Châu Hoàng Anh là giáo viên giảng dạy Tin học tại Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Năm thứ 2 bước vào nghề, còn thiếu nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nhưng khi biết ngành Giáo dục địa phương đang thiếu giáo viên đứng lớp bộ môn này, thầy Hoàng Anh đã tình nguyện thỉnh giảng để hỗ trợ trường bạn.

Mới vào nghề, thầy đối mặt với nhiều khó khăn trong chuyên môn và thu nhập, nhưng tâm huyết, lòng yêu nghề là động lực lớn để thầy vượt qua mọi rào cản. Lúc đầu, thầy cũng có những băn khoăn khi vừa giảng dạy tại trường vừa thỉnh giảng thêm điểm chính và điểm lẻ của trường bạn. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ, sắp xếp thời khóa biểu của nhà trường, thầy Hoàng Anh có thể bố trí thời gian hợp lý, thuận lợi trong việc di chuyển giữa hai trường.

Thầy Hoàng Anh cho biết: “Dù dạy liên trường vất vả hơn, nhưng vì nhiệm vụ, trách nhiệm nghề nghiệp và học sinh, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao”.

Ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cô Đinh Thị Thùy Trang cũng làm nhiệm vụ thỉnh giảng môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Bình Phú. Giảng dạy tại 2 trường với khá nhiều áp lực cũng như khó khăn khi thay đổi môi trường, khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các điểm trường nhưng với tâm huyết và niềm đam mê nghề nghiệp, cùng tình yêu thương học trò, cô Trang vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Học sinh tiểu học TP Cần Thơ trong giờ học Tin học. Ảnh: Trường Tiến

Học sinh tiểu học TP Cần Thơ trong giờ học Tin học. Ảnh: Trường Tiến

Hỗ trợ vật chất và tinh thần

Trước những khó khăn của giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tăng cường ở điểm trường, ngành Giáo dục các địa phương đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ thầy cô cả về vật chất và tinh thần để an tâm công tác.

Năm học 2023 - 2024, thầy Đồng Minh Triển - giáo viên Tin học Trường THCS Lê Hữu Thanh, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) tham gia tăng cường giảng dạy Tin học cho Trường THCS Nguyễn Việt Hùng trên cùng địa bàn với gần 10 lớp ở cả ba khối.

Dù việc dạy học tại hai trường khá vất vả, nhưng thầy Triển cho biết: “Được sự hỗ trợ, chia sẻ từ lãnh đạo 2 trường nên bản thân không quá nhiều áp lực. Giảng dạy tại hai điểm trường, khoảng cách xa, số lượng bài vở tăng lên đáng kể, việc chấm bài cũng nhiều hơn, nhưng tôi vẫn cố gắng vì học trò. Nhà trường đã quan tâm san sẻ, hỗ trợ tôi cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Theo thầy Triển, vấn đề khó nhất là sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy. Đây không chỉ là thách thức với bản thân thầy, mà còn là áp lực cho lãnh đạo hai trường. Nhà trường có hàng chục giáo viên khác, do đó, việc sắp xếp phải làm sao đảm bảo thuận lợi cho giáo viên giảng dạy tăng cường cũng như các môn học khác tại trường.

Năm học này, cô Võ Thị Hưởng - Trường THCS Nguyễn Du (Tân Hồng, Đồng Tháp) đảm nhận nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm, đồng thời đứng lớp bộ môn Tiếng Anh, cùng đó tham gia thỉnh giảng tại Trường Tiểu học Bình Phú.

“Những năm trước, tôi từng tham gia thỉnh giảng ở cấp mầm non, nên cũng có kinh nghiệm dạy liên trường. Với mong muốn hỗ trợ và chia sẻ với các đồng nghiệp, nhà trường trong giai đoạn khó khăn này, tôi phải cố gắng, chủ động sắp xếp thời gian”, cô Hưởng chia sẻ

Bên cạnh đó, cô Hưởng cho biết thêm: Nhà trường luôn đồng hành, quan tâm và hỗ trợ. Nhờ được tạo điều kiện thuận lợi như sắp xếp thời gian hợp lý, hỗ trợ mức kinh phí phù hợp và hướng dẫn chia sẻ kiến thức liên quan từ hai trường, cô Hưởng và đồng nghiệp yên tâm hơn trong quá trình giảng dạy liên trường.

Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng GD&ĐT Tân Hồng cho hay: Hiện nay trên địa bàn huyện Tân Hồng thiếu 59 giáo viên theo định mức, trong đó giáo viên Tiếng Anh, Tin học là 8 giáo viên. Thực trạng thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, nhiều giáo viên trên địa bàn huyện đã đồng hành, chung tay hỗ trợ ngành. “Vừa phải thực hiện nhiệm vụ tại nơi công tác vừa phải hỗ trợ chuyên môn trường bạn. Phòng cũng chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện thuận lợi từ vật chất đến tinh thần để thầy cô an tâm công tác giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ