Giáo viên dạy chương trình mới: Nỗ lực bù lấp "khoảng trống"

GD&TĐ - Những “khoảng trống” do “thiếu hụt” giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh tạo ra nhiều thách thức đối với giáo dục vùng khó ở Điện Biên.

Ngành GD-ĐT Điện Biên đang thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tiếng Anh so với nhu cầu.
Ngành GD-ĐT Điện Biên đang thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tiếng Anh so với nhu cầu.

Để đáp ứng yêu cầu chương trình mới trước thềm năm học 2022 – 2023 đòi hỏi địa phương này phải nỗ lực, linh hoạt với nhiều giải pháp.

Bộn bề mối lo

Theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12, với mục tiêu giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì nhiều trường học đang đứng trước bộn bề mối lo.

Mặc dù liên cấp, song tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Lập, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) mới chỉ có 1 giáo viên dạy Tiếng Anh. Đối với bậc tiểu học, đây hiện là bộ môn tự chọn. Nhưng theo cô Trần Thị Vân Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị chưa thể triển khai do chưa được bổ sung biên chế.

Cô Vân Anh cho biết: Trước kia trường có 2 giáo viên dạy Tiếng Anh. Tuy nhiên, một người đã chuyển về xã Pú Nhi (gần thành phố hơn). Giáo viên còn lại được bố trí giảng dạy cấp THCS do là chương trình bắt buộc.

“Chúng tôi rất muốn học sinh tiểu học được làm quen với bộ môn này, để có những trải nghiệm thực tế, lấy tiền đề triển khai áp dụng bắt buộc đối với học sinh lớp 3 vào năm tới. Tuy nhiên, lịch giảng dạy của giáo viên hiện tại đối với cấp THCS đã quá tải nên không thể bố trí tăng tiết. Trường rất lo lắng trước thềm năm học tới do không thể tự cân đối”, cô Vân Anh cho hay.

Theo thống kê, năm học 2020 – 2021 toàn tỉnh Điện Biên có gần 570 giáo viên môn Tiếng Anh của 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT. So với nhu cầu thực tế, địa phương này còn khoảng 12% học sinh khối lớp 3, 4 và 5 chưa được học Tiếng Anh tự chọn và thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020.

Theo tính toán, rà soát từ ngành Giáo dục địa phương, Điện Biên hiện còn thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tiếng Anh mới đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn nhưng chất lượng hạn chế.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan khác, đó là khó khăn mang tính đặc thù, như: Chế độ đãi ngộ, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, giao thông, điều kiện giảng dạy… nên giáo dục miền núi khó có thể thu hút và “giữ chân” được nhân lực.

Theo cô Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu Học – THCS Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), việc được bố trí và duy trì ổn định một giáo viên Tiếng Anh trong bối cảnh hiện tại là may mắn. Nói vậy bởi đây cũng là ngôi trường vùng khó.

“Nếu tuyển dụng mà giữ được thì không quá thiếu. Nhưng thực tế rất khó, vì đây là bộ môn đặc thù, nhiều nơi thiếu, trong đó có cả vùng thuận lợi. Nhiều giáo viên vào biên chế rồi vẫn chuyển vùng, thậm chí có người lên vùng khó đủ 3 năm là chuyển”, cô Thơm nói.

Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm 2 lớp ở 2 cấp trong cùng một xã.
Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm 2 lớp ở 2 cấp trong cùng một xã.

Lớp nhỏ dồn thành lớn

Tận dụng khu vực nhà ăn làm lớp học để ghép 2 lớp Tiếng Anh hoặc bố trí giáo viên bậc THCS đảm nhiệm cả tiểu học theo cụm xã là thực tế triển khai tại nhiều trường học ở huyện vùng cao Tủa Chùa. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, hiện tỷ lệ giáo viên Tiếng Anh tại địa phương rất thấp so với nhu cầu.

“Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học tới, ngành đã tăng ca đối với giáo viên và dồn ghép lớp trong cùng một khối. Cùng một địa bàn, giáo viên có thể di chuyển từ cấp tiểu học sang THCS và ngược lại. Rồi các mô hình từ lớp nhỏ dồn thành lớp lớn để triển khai các hoạt động giảng dạy cũng được áp dụng”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, ngành chỉ đạo bộ phận chuyên môn đảm bảo chế độ, chính sách, kịp thời động viên đối với giáo viên tăng giờ. Qua đó, khích lệ tinh thần để thầy cô chia sẻ với khó khăn hiện tại, hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ.

Triển khai giải pháp tạm thời này, theo cô Lò Thị Tình, Trường PTDTBT THCS Mường Đun (huyện Tủa Chùa), thầy cô gặp không ít khó khăn do nội dung chương trình và phương pháp dạy học khác nhau. Tuy nhiên, xác định đây là khó khăn chung của toàn ngành nên mỗi giáo viên đều nỗ lực, linh hoạt tìm giải pháp tháo gỡ.

“Mặc dù giảng dạy chính ở cấp THCS, nhưng khi được giao tăng cường cho bậc tiểu học tôi vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. May mắn là do ở cùng địa bàn nên tôi không phải di chuyển xa. Trước năm học hay mỗi tiết học, tôi đều cố gắng tìm tòi phương pháp lên lớp, cách soạn giáo án của đồng nghiệp để tìm phương án phù hợp nhất đối với học sinh tiểu học”, cô Tình bộc bạch.

Cùng chung bối cảnh, tại huyện Điện Biên, theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT, ngành cũng chủ động xây dựng kịch bản. Đến thời điểm này cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong đó, về nhân lực giảng dạy môn Tiếng Anh, ngành chủ động rà soát từ các trường để tăng cường giáo viên đang thừa số tiết sang kiêm nhiệm tại những trường thiếu tiết.

Để đảm bảo bù lấp những “khoảng trống” này, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh đặt hàng các trường đại học trong toàn quốc để đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn tuyển. Bên cạnh đó, sở cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nhất là đội ngũ giáo viên Tiếng Anh các cấp về năng lực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin...

“Để chuẩn bị tốt nội dung chương trình thì không thể tồn tại tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, ngành đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT chủ động  rà soát lại đội ngũ giáo viên Tiếng Anh. Không chỉ với khối lớp 3 theo Chương trình GDPT mới mà cả giáo viên cấp THCS, lấy đó làm cơ sở cân đối, thực hiện dạy tăng cường từ cấp THCS xuống tiểu học. Đặc biệt là việc động viên các thầy cô trong bối cảnh hiện tại, để yên tâm giảng dạy, hoặc 1 giáo viên có thể dạy 2 - 3 trường”, ông Hoàn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ