Giáo viên chuyển nghề, trường học “gắng gượng” chờ dịch qua

GD&TĐ - Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giáo viên (GV) trường tư phải tìm hướng đi mới. Một số trường tư thục, ngoài công lập đang cố gắng duy trì đội ngũ GV của mình, mong dịch sớm qua để trở lại hoạt động.

Nhiều GV trường tư đã tìm hướng đi mới để lo cho gia đình. Ảnh minh họa chụp trước khi dịch bùng phát: Lê Hùng.
Nhiều GV trường tư đã tìm hướng đi mới để lo cho gia đình. Ảnh minh họa chụp trước khi dịch bùng phát: Lê Hùng.

GV trường tư tìm việc mới

Chị Nguyễn Thanh Hương (Mê Linh – Hà Nội) cho biết, mình vốn là GV tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn. Từ năm ngoái, ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc không được đều đặn. Chị Hương tìm hướng mới để có tiền lo cho gia đình.

“Ban đầu, tôi nộp hồ sơ vào một công ty tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xin làm thời vụ. Hết hợp đồng, công ty cho nghỉ vì không bán được hàng. Quay trở về, tôi tìm đủ thứ nghề: bán hàng online, trông trẻ riêng… nhưng thu nhập cũng không đáng là bao.

Tháng 4, người bác họ trên Điện Biên có gọi điện, cho biết trang trại chăn nuôi của gia đình đang thiếu người, nên tôi quyết định lên đó để làm thuê”- chị Hương chia sẻ.

Nhiều trường học đang phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Lê Hùng.
Nhiều trường học đang phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Lê Hùng.

Cô Đỗ Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Công (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Trường có 17 GV và chưa tính đến chuyện cắt giảm hợp đồng đối với GV nào. Để ứng biến trước dịch bệnh kéo dài, một số GV của trường phải tìm tạm các công việc như: bán hàng trên mạng, làm thời vụ ở các công ty, trông trẻ thuê…

“Chính phủ có chính sách hỗ trợ GV lúc này là rất ý nghĩa. Đợt dịch năm ngoái, chúng tôi cũng đã lập danh sách để các GV của trường được hưởng quyền lợi, trang trải thêm cho gia đình”- cô Yến cho hay.

Cô Đào Thị Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho biết, trường cũng đang duy trì giữ nguyên lương thực lĩnh và đóng bảo hiểm cho GV trong thời giam tạm nghỉ do dịch bệnh.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy, những trường hợp lương thấp, ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh mới đề nghị xin hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nhà trường vẫn tự lo được, nên chưa cần xin hỗ trợ”- cô Thủy cho hay.

Theo cô Trần Thị Mai Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen (Nam Từ Liêm – Hà Nội): Hiện tại, trường cho GV tạm nghỉ không lương, nhưng vẫn duy trì đóng bảo hiểm.

“Nhà trường cũng đang khó khăn, hàng tháng phải mất tiền thuê mặt bằng. Đợt dịch lần trước, trường cũng lập danh sách gửi lên trên và được hỗ trợ mỗi người 5 kg gạo. Đợt này, nhà trường chưa nhận được thông báo. Nếu thông báo chính thức từ Phòng GD&ĐT, trường sẽ làm để bảo đảm quyền lợi cho GV”- cô Hương cho hay.

Trông chờ hỗ trợ

Hàng tháng, Trường Mầm non Mùa Xuân (Hà Nội) vẫn hỗ trợ cho 60 giáo viên của nhà trường mỗi người 2,5 triệu đồng. Cô Triệu Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ảnh hưởng của dịch, trường đã tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 5 đến giờ. Tuy nhiên, trường vẫn đang hỗ trợ cho mỗi GV. Hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi để mở cửa trở lại”.

Cô Vũ Thị Hải Bình – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Anh Đào (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: Trường mới nhận được thông tin về việc Chính phủ sẽ hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Không biết dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ, hiện trường đã cho nghỉ không lương đối với nhiều GV, có cô giáo đang rất khó khăn. Khi nào có thông tin chính thức, trường sẽ lập danh sách xin hỗ trợ” - cô Bình nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), địa phương đã triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ cho cán bộ, GV.

Hiện nhiều trường đang cố gắng duy trì đội ngũ giáo viên. Ảnh chụp trước khi dịch bùng phát: Lê Hùng.
Hiện nhiều trường đang cố gắng duy trì đội ngũ giáo viên. Ảnh chụp trước khi dịch bùng phát: Lê Hùng.

“Quận cũng tổ chức quyên góp đưa vào quỹ phòng chống dịch, trong đó có các nội dung hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, chưa nhận được thông tin, báo cáo của các cơ sở về việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải đóng cửa hay giải thể… “- bà Hương thông tin.

Ông Đỗ Văn Nam – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch, công đoàn ngành đã có văn bản hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cán bộ, GV, HS bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 274 triệu đồng. Ngoài ra, việc kêu gọi ủng hộ quỹ vacxin, đến ngày 16/7 có 60/183 đơn vị triển khai, với tổng số tiền ủng hộ hơn 1 tỷ đồng.

Tại Điều 13, thuộc Chương IV của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDNN phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 - được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.