Mẹ của em ở trường
Với hầu hết những người thầy gắn bó với học sinh thông qua công tác chủ nhiệm đều cho rằng: Chìa khóa để tri thức đến với học sinh chính là sự kiên nhẫn, cảm thông của người thầy cùng những phương pháp giáo dục linh động phù hợp, hiểu học sinh để có sự tư vấn, động viên tâm lý kịp thời.
Trường THPT A Túc - Hướng Hóa - Quảng Trị nằm ở khu vực mà học sinh chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Với học sinh dân tộc, việc sống theo những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc mình là điều không tránh khỏi. Những năm trước đây, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường khá “đau đầu” trong việc giữ gìn sĩ số bởi không ít học sinh dù mới chỉ học lớp 10, 11 nhưng bỏ học để kết hôn. Hoặc tình trạng cứ vào ngày mùa, lễ hội là tự động nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình, đi sim (nam nữ tìm hiểu), tham gia vui chơi hội hè.
Để hạn chế tình trạng này, các giáo viên làm công tác chủ nhiệm đều phải thấy được đặc tính để từ đó có phương pháp giáo dục học sinh phù hợp. Ban đầu, hầu hết các giáo viên chủ nhiệm đều xác định, học sinh dân tộc về cơ bản ngoan ngoãn, hiền lành nhưng thiếu tự tin, tiếp thu chậm và giao tiếp kém…
Từ đó đề xuất cùng BGH nhà trường cần tăng cường giáo dục về kĩ năng sống, kiến thức xã hội giúp các em tự tin hơn và sống văn minh hơn. Có như vậy các em mới tích cực và chủ động loại bỏ những hủ tục truyền thống, đồng thời biết giữ gìn và phát huy những bản sắc dân tộc tốt đẹp. Từ cách làm hiệu quả này, đến nay về cơ bản, hủ tục bỏ học để xây dựng gia đình sớm gần như không xảy ra. Học sinh tiếp thu và học hỏi được lối sống văn minh nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc vốn có.
Đổi mới GD đòi hỏi mỗi người thầy gần gũi, nắm bắt được tâm lý của học trò |
Chìa khóa mở cửa tri thức
Mỗi giáo viên làm công tác chủ nhiệm thành công cần có sự tận tâm, niềm tin với học trò, vì chỉ như vậy mới có thể tạo ra những hiệu ứng giáo dục. Khi đó từ sự tin tưởng vào thầy cô, sẽ dẫn đến học trò tin tưởng vào năng lực của mình. Những lời uốn nắn của giáo viên chủ nhiệm có sức mạnh thuyết phục và sự chuyển hóa nhanh chóng theo chiều hướng tích cực với người học. Học sinh sẽ hợp tác, chia sẻ và đồng hành cùng người giáo viên.
Con thuyền được chèo và lái sẽ vững vàng hơn khi có sự đồng điệu giữa thầy và trò. Dạy cũng là cách học. Học trò có niềm tin thì sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết sẽ mạnh mẽ và dễ bộc lộ hơn. Khi đó những ý tưởng của thầy với gia vị mà học trò nêm vào sẽ thúc đẩy người giáo viên học hỏi không ngừng, sáng tạo không ngừng để đáp ứng sự tin.
Nếu không có niềm tin giữa thầy và trò khó có được sự hợp tác. Nguyên tắc của làm việc hiệu quả cùng nhau khi biết chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, hợp tác. Nếu không có niềm tin thì giáo viên chủ nhiệm không chỉ khó khăn trong việc trao truyền kiến thức mà hơn thế khó lay động, thuyết phục, tư vấn đến tâm hồn của mỗi học trò.
Trong quá trình dạy kiến thức, nắm bắt tâm tư nguyện vọng… mỗi người giáo viên chủ nhiệm sẽ tự biết mình phải làm cách gì để có thể truyền tải tới học trò điều hay lẽ phải, uốn nắn các em từ những suy nghĩ trong tâm hồn. Là người gắn bó gần gũi, thân thiết có thể kịp thời chỉ cho các em những phương hướng, cách giải quyết vấn đề đúng đắn, tránh cho các em những suy nghĩ tiêu cực, những tâm tự không thể bày tỏ thấu hiểu…
Nghệ thuật của giáo viên chủ nhiệm là ở sự thích ứng, sự uyển chuyển và linh hoạt. Không thể áp đặt một phong cách hay một hình ảnh cho tất cả học sinh mình giảng dạy mà với mỗi đặc điểm tâm lý học sinh, với những trường hợp cá biệt người giáo viên phải linh hoạt thay đổi để tìm được sự kết nối và đồng điệu với người học.