PGS.TS Ngô Tứ Thành - nguyên giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ giải pháp tận dụng lợi thế từ AI Chatbot và giáo viên ảo giúp giáo viên nâng cao trình độ.
Phân biệt AI Chatbot và giáo viên ảo
- AI Chatbot và giáo viên ảo khác nhau như thế nào, thưa PGS?
- AI Chatbot là công cụ có thể giao tiếp, tương tác với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua AI đã lập trình sẵn trên hệ thống máy tính. Với nhiều mục đích khác nhau, Chatbot được sử dụng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tiếp thị, dịch vụ khách hàng, y tế, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như giáo dục - đào tạo. Là một hệ thống tương tác tự động được thiết kế để trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin, hỗ trợ học sinh trong các nhiệm vụ cụ thể, Chatbot tập trung vào giải đáp tức thì và cá nhân hóa việc học tập.
Các tính năng nổi bật của Chatbot gồm: Cá nhân hóa việc học, đáp ứng nhu cầu riêng từng học sinh, phù hợp với tốc độ tiếp thu; trả lời ngay lập tức, hỗ trợ 24/7, giúp học sinh nhận giải đáp nhanh chóng; nâng cao hiệu quả dạy học, bổ sung kiến thức chuyên môn, khắc phục điểm yếu trong khả năng truyền đạt của giáo viên.
Giáo viên ảo là một hệ thống phức tạp hơn, kết hợp AI và công nghệ giáo dục để mô phỏng vai trò của giáo viên thực thụ. Giáo viên ảo không chỉ trả lời câu hỏi mà còn lập kế hoạch giảng dạy (thiết kế bài giảng cá nhân hóa theo nhu cầu lớp học); tích hợp dữ liệu (phân tích hiệu suất học sinh, cung cấp phản hồi để cải thiện phương pháp giảng dạy). Giáo viên ảo có thể mô phỏng giảng dạy qua thực hiện các bài giảng mẫu hoặc thí nghiệm ảo; đưa ra bài kiểm tra, đánh giá học sinh, điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên phản hồi.
AI Chatbot được coi là “giáo viên ảo” khi tích hợp thêm các tính năng như quản lý lớp học, thiết kế bài giảng và phản hồi cá nhân hóa sâu rộng.
![PGS.TS Ngô Tứ Thành. Ảnh: NVCC giao-vien-ao-va-co-hoi-nang-cao-chat-luong-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb36453974a9f81ff4acc99fc3ab6aa39d367ac18932593fce72ebbaf962afe2c60522afbcee4496f0b4610f3ed5c4c17a0d8d8da622a3c74f3cacfc26a0e6631e4cd45796/giao-vien-ao-va-co-hoi-nang-cao-chat-luong-1.jpg)
Sử dụng hiệu quả giáo viên ảo
- Giáo viên cần có những kỹ năng gì để có thể tận dụng sự hỗ trợ của giáo viên ảo, giúp làm tốt hơn công việc của mình?
- Thời nào cũng phải học và thời của AI học càng khó nếu không có nền tảng kiến thức cơ bản. Muốn sử dụng được giáo viên ảo, người giáo viên phải có kỹ năng đặt câu hỏi để điều khiển và ra lệnh. Nếu giáo viên thiếu kỹ năng này, không biết áp dụng AI thì dù có siêu máy tính và giáo viên ảo bên cạnh… cũng chỉ là vật trang trí.
Giáo viên thật phải đủ trình độ tối thiểu, có năng lực làm chủ AI. Khi có máy tính, người dùng phải biết điều khiển, tương tự khi có giáo viên ảo thì giáo viên thật phải biết cách hỏi. Trong thập kỷ tới, “sự học mới” là học cách hỏi AI chứ không phải học sử dụng máy tính một cách thụ động như vài thập kỷ trước.
“Tư duy” của giáo viên ảo suy cho cùng được hình thành từ việc tập hợp cập nhật dữ liệu và lập trình xử lý truy xuất nguồn dữ liệu đó. Quan trọng nhất là phải có tâm, tầm để nhìn đúng vấn đề cần xử lý và vận dụng đúng nơi, đúng chỗ nguồn dữ liệu để giải quyết vấn đề. Năng lực của giáo viên ảo do tư duy của giáo viên thật mà có
Giáo viên ảo không cần ăn uống, lương, bảo hiểm, nhà cửa; nhưng cần thông tin được số hóa, phải có kho dữ liệu khổng lồ để tìm kiếm, chắp nối thông tin. Giáo viên muốn tìm thông tin qua giáo viên ảo thì thông tin phải được số hóa, kết nối toàn quốc, liên kết toàn cầu.
Cải thiện chuyên môn với giáo viên ảo
- PGS có thể chia sẻ một số vấn đề cụ thể mà giáo viên ảo, ChatGPT, AI Chatbot có thể hỗ trợ giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn?
- Giáo viên ảo đóng vai trò như một “huấn luyện viên”, hỗ trợ toàn diện từ thiết kế bài giảng đến quản lý lớp học. ChatGPT là công cụ linh hoạt, tập trung vào nội dung và gợi ý phương pháp giảng dạy. AI Chatbot là “trợ lý” quản lý các công việc thường nhật và hỗ trợ học sinh ngay lập tức.
Khi kết hợp cả ba công cụ, với kiến thức về công nghệ số, biết đặt câu hỏi cho giáo viên ảo, giáo viên có thể cải thiện kiến thức chuyên môn (học hỏi từ giáo viên ảo và ChatGPT); kỹ năng giảng dạy (áp dụng bài giảng mẫu từ giáo viên ảo hoặc ChatGPT); hiệu quả quản lý lớp học (tận dụng AI Chatbot để tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại).
Ví dụ với môn Toán, giáo viên ảo có thể hướng dẫn từng bước giải các bài toán khó như hệ phương trình bậc hai, tích phân, hoặc bài toán hình học không gian…; hiển thị trực quan các hình khối không gian, giải thích cách tính thể tích hoặc diện tích bằng mô hình động. Với các bài toán chứng minh hoặc lập luận logic, giáo viên ảo có thể đưa ra các gợi ý từng bước, giúp học sinh, giáo viên trung bình hiểu được tư duy giải bài hiệu quả. Dựa trên hiệu suất học tập của học sinh, giáo viên ảo có thể gợi ý các bài tập bổ sung hoặc đề xuất phương pháp học khác để cải thiện điểm yếu. Giáo viên ảo có thể tự động sinh các bộ đề kiểm tra đa dạng cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian.
Hay với môn Vật lý, giáo viên ảo có thể mô phỏng các thí nghiệm phức tạp như hiện tượng giao thoa ánh sáng, định luật Faraday về cảm ứng điện từ, giúp học sinh hình dung rõ hơn thay vì chỉ đọc lý thuyết. Khi học sinh gặp khó khăn trong việc giải bài tập liên quan đến động lực học hay điện học, giáo viên ảo có thể cung cấp từng bước giải chi tiết và giải thích lý do.
Giáo viên ảo cũng có thể đề xuất video, hình ảnh hoặc tài liệu minh họa để giải thích các khái niệm khó như cơ học lượng tử hoặc nhiệt động lực học. Dựa trên dữ liệu về hiệu suất học tập, giáo viên ảo có thể gợi ý bài tập bổ sung hoặc cách học phù hợp với từng học sinh, giúp cải thiện khả năng hiểu bài của các em.
Ở môn Hóa học, giáo viên ảo có thể tái hiện các phản ứng như: Nhiệt phân, oxi hóa - khử, hóa học trong phòng thí nghiệm, giúp học sinh thấy rõ hiện tượng xảy ra; có thể hỗ trợ từng bước cân bằng phương trình hóa học, tính toán khối lượng hoặc thể tích chất tham gia và sản phẩm trong các bài tập về định luật bảo toàn khối lượng.
Giáo viên ảo cũng có thể đề xuất các video hoặc mô hình 3D về cấu trúc phân tử, bảng tuần hoàn hoặc cách hoạt động của các chất hóa học; đưa ra câu hỏi trắc nghiệm hoặc bài tập thực hành để học sinh ôn tập các chủ đề như tính chất của axit, bazơ, muối, hoặc nhận biết các chất hóa học.
Có thể nói, sự kết hợp giữa giáo viên ảo và AI Chatbot mang đến nhiều cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, AI chỉ mang tính hỗ trợ, vai trò đạo đức của giáo viên vẫn là yếu tố quyết định. Việc xác định ranh giới và tận dụng tối đa sức mạnh của AI Chatbot trong vai trò giáo viên ảo sẽ là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới giáo dục hiệu quả.