Chống bệnh lãng phí và học vẹt
Vị giáo sư (GS) của Đại học George Mason này cho rằng các trường ở Mỹ rất khó hoạt động vì họ không dạy đủ các kỹ năng làm việc hữu ích, và đa số sinh viên đều không đọng lại nhiều kiến thức mà họ đã học được trên giảng đường. Từ những điểm này, có thể thấy nhiều thỏa thuận trong thế giới học thuật. Và ở đây còn có một cú hích: CEO Caplan cho rằng nếu chúng ta bắt đầu áp dụng giáo dục hướng nghiệp cho trẻ em từ năm 12 tuổi thì 15 tuổi là chúng đủ điều kiện để điền tên mình vào thị trường việc làm. Hướng đi này không chỉ tiết kiệm tiền cho người nộp thuế mà còn thúc đẩy nền kinh tế, cho phép trẻ em toàn quyền theo đuổi mục tiêu mà chúng đặt ra thay vì mài đũng quần để học những bài học chán ngắt, vô nghĩa.
Lớn lên với biệt danh “con mọt sách lúng túng” tại vùng ngoại ô thành phố Los Angeles, ngày nay ở tuổi 47, ông Bryan Caplan nói rằng ông đã học hành tốt ở trường, nhưng nó lại không đem lại cho ông sự hạnh phúc. GS Caplan giải thích: “Tôi đã có cảm giác bất mãn ngay từ hồi đi học mẫu giáo”. Và lên các cấp, bậc học cao hơn, Caplan vẫn luôn giữ lập trường của mình. Lúc vào học ở trường trung học cơ sở, Caplan kết luận rằng phần lớn giáo viên đều giáo điều, các bài học đều tẻ nhạt.
Rồi thì Caplan cũng vào học ở Đại học California tại Berkeley (UCB) và ở đây anh khám phá ra rằng có những kinh tế gia đoạt giải Nobel như Michael Spence và Ken Arrow có cùng “suy nghĩ bất mãn” như mình. Sau khi trở thành GS và nhà nghiên cứu chuyên sâu, GS Caplan đã đưa ra một lý thuyết giáo dục khá khiêu khích và theo một cách đơn giản nhất: “Tôi nhận ra rằng hệ thống giáo dục hiện thời đã lãng phí kinh khủng nguồn lực thời gian và tiền bạc. Lãng phí như vậy thì quá tệ hại, thay vào đó nên làm gì đó để chống sự lãng phí đó”.
Trong cuốn sách gần đây mang tựa đề Việc chống lại giáo dục, GS Bryan Caplan viết về cách mà thị trường lao động thường áp dụng trả lương bèo cho sinh viên mới hoàn thành 1, 2 hay 3 năm đại học, còn những người học tới năm thứ 4 đại học thường sẽ hưởng lương cao hơn một chút. Theo cách giải thích của GS Caplan thì các đại học hiện tại chỉ mới đang ở ngưỡng “báo hiệu” - mà nói theo kiểu kinh tế là “khoe mẽ thành tích”.
Người sử dụng lao động thường chỉ chăm chăm tìm kiếm các ứng viên từng đi học ở Harvard hay Yale vì các trường này được xem là “danh giá” để có thể nở mày nở mặt với thiên hạ về bằng cấp học từ nhân viên của mình. Trong cuốn sách của mình, GS Caplan cũng chỉ ra cách làm thế nào mà thị trường lao động bắt kịp với các khóa học đại học. Đối với những khóa học phổ biến nhất như ngoại ngữ và lịch sử, thì chỉ có một ít việc làm phù hợp cho 2 lĩnh vực này.
Nhưng ngay cả trong các lớp học thực tế nhất thì lại có rất ít các bài kiểm tra cho thấy khả năng thẩm thấu kiến thức của học sinh / sinh viên về môn mà họ đang học - theo một dữ liệu được công bố vào năm 2012 của Vụ nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) và một nghiên cứu hồi năm 1991 đăng trên thời báo Tâm lý học thực nghiệm - đồng thời trong một số trường hợp còn không có sự cải thiện về tư duy phản biện, hậu đại học; kiến thức không tăng mà nợ học phí lại ngập đầu.
Tập trung hướng nghiệp ở tuổi 12
Theo GS Caplan thì các vấn đề chỉ thực sự bắt đầu ở cấp độ tiểu học, khi mà các thầy cô trao cho bọn trẻ quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp, kiểu như vận động viên, thi sĩ hay sử gia mà thường là “những giấc mơ viễn vông”. Giải pháp của GS Caplan là gì? Cần tập trung hướng trẻ em với một lựa chọn nghề nghiệp cụ thể hơn ở tuổi 12 bao gồm nhiều lựa chọn thực tế hơn và các triển vọng nghề nghiệp.
Dự báo về một làn sóng lao động trẻ hơn, GS Caplan nhấn mạnh: “Con người sẽ học thành người lớn khi còn trẻ”. Dù có những quan điểm giáo dục mang tính tranh cãi, nhưng GS Caplan lại là người điềm tĩnh, khá ôn hòa, không tỏ vẻ kiêu ngạo hay nhiệt thành thái quá. Tyler Cowen, GS kinh tế của Đại học George Mason (tiểu bang Virginia, Mỹ), người đã biết về GS Caplan trong suốt hơn 20 năm qua đã nhìn nhận đồng nghiệp là “một cá nhân rất chỉnh chu” và can đảm. Trong khi Cowen vẫn không đồng tình với quan điểm của Caplan (hay những người khác cũng khó mà chấp nhận) về hướng nghiệp giáo dục cho học sinh ở tuổi 12, nhưng vẫn khẳng định rằng “những quan điểm đó là một tiếng gọi cần thiết để tiến tới một sự tác động thật sự”.
Bìa cuốn sách gây tranh cãi của GS Bryan Caplan mang tựa đề: “Việc chống lại giáo dục - Vì sao hệ thống giáo dục lãng phí thời gian và tiền bạc”.
Trong số những người phê phán nhiều nhất tới quan điểm giáo dục “khác thường” của GS Bryan Caplan có thể kể đến Eric Hanushek, một kinh tế gia tại Viện nghiên cứu Hoover (Đại học Stanford). Ông nhấn mạnh: “Có bằng chứng không thể chối cãi là những người được dạy dỗ đàng hoàng ở trường thì thường sẽ nhận lại “đền đáp khổng lồ” cho cá nhân đó nói riêng và quốc gia nói chung”. Kinh tế gia Hanushek nhất trí rằng giáo dục Mỹ có thiếu sót, nhưng ông cũng tin rằng khả năng dạy ở trường học mới là nguyên do bị đổ lỗi, và giải pháp là tăng ngân sách. Hai học giả Bryan Caplan và Eric Hanushek đã cùng gặp mặt để thảo luận hồi đầu năm 2018 này tại cuộc tranh luận nóng bỏng do Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) đăng cai tổ chức - đây là một “đầu não” tư tưởng bảo thủ. Được số đông ủng hộ vì chính sách giáo dục ít học phí, GS Caplan đã chiến thắng ngay sau buổi tranh luận. Nhưng liệu quan điểm giáo dục mới của GS Caplan có làm đau lòng cả một hệ thống dạy học ăn lương không? GS Caplan khẳng định: “Tôi là người thổi còi, và tôi có đủ uy tín để thực hiện nghiêm túc”. GS Caplan quả quyết: “Hệ thống giáo dục hướng nghiệp mới của tôi không hề phá bỉnh các GS”. Cụ thể hơn, các GS được thuê giảng chỉ ở trong lớp học khoảng 150 giờ dự giảng/năm (tương đương 2,88 giờ/ tuần).
Nói về gia đình riêng tư của mình, GS Caplan cho biết, ông có 4 con thì 2 con đang học ở nhà. Ông lưu ý rằng các trường đại học thường hay chỉ trích sinh viên phi truyền thống. GS Caplan tự tin nói: “Tôi viết một cuốn sách không có nghĩa là thay đổi sạch trơn cả hệ thống giáo dục hiện hành”.
Dù ý tưởng giáo dục “khác thường” của GS Caplan đang nhận lấy sự hoài nghi từ đại chúng, nhưng vị GS khả kính vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Ông nhấn mạnh: “Sinh viên của tôi vui vẻ vì họ tự trang trải cho mình những kinh nghiệm không phải ai cũng có”. GS Caplan đang có kế hoạch viết một cuốn sách đồ họa về tình trạng nhập cư vào năm tới 2019, có lẽ là liên quan đến các sinh viên ở khu vực Washington, những người mà vào một ngày nào đó có thể thúc đẩy chính sách giáo dục “khác thường” của GS Caplan thành hiện thực. Các sinh viên sẽ làm việc thật tốt và nhớ tốt những gì đã được học tại trường.