Mỹ: Sáng kiến giáo dục được đầu tư 1 tỷ USD thất bại

GD&TĐ - Sáng kiến giáo dục kéo dài 7 năm, trị giá gần 1 tỷ USD tập trung vào việc cải thiện chất lượng giảng dạy tại các trường học ở khu vực kinh tế kém phát triển tại Mỹ đã thất bại. Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu phi lợi nhuận RAND, sáng kiến do Quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates tài trợ một phần này đã không hiệu quả.

Mỹ: Sáng kiến giáo dục được đầu tư 1 tỷ USD thất bại

Tốn kém nhưng không hiệu quả

Năm 2009, Tổ chức Gates Foundation đã cùng với các đối tác địa phương, chọn 7 trường học để thí điểm Chương trình Intensive Parnership của sáng kiến giảng dạy hiệu quả, nhằm cải thiện sự hiệu quả của giáo viên bằng cách thay đổi cách thức tuyển chọn, giữ chân và thưởng cho giáo viên của các trường. Sáng kiến này hy vọng bằng cách giám sát và tăng hiệu quả giảng dạy của giáo viên, học sinh sẽ nhận được kết quả học tập cao hơn, và do đó sẽ cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp, tăng tỷ lệ vào đại học của học sinh từ các gia đình thiểu số và có thu nhập thấp.

Sau 7 năm, RAND đã được Tổ chức Gates Foundation lựa chọn để đánh giá liệu dự án có cải thiện được kết quả học tập cho học sinh hay không.

Kết quả là, các trường tham gia vào chương trình trên không thể giữ chân được thêm các giáo viên hiệu quả. Học sinh tại các trường này không thể hiện sự tiến bộ nào trong kết quả các bài thi và tỷ lệ tốt nghiệp. Nghiên cứu của RAND kết luận rằng, sáng kiến hiệu quả kém vì các trường ngày càng làm tốt việc đánh giá sự hiệu quả của giáo viên hơn là dùng những biện pháp này để cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Theo Giáo sư ngành Giáo dục, Jay Greene của Đại học Arkansas, sáng kiến của Gates Foundation “dường như lợi bất cập hại” vì “nó tốn một khoản tiền khổng lồ, gây ra rắc rối chính trị và khiến người ta mất tập trung vào những nỗ lực khác nhiều hứa hẹn hơn”.

Vẫn còn một số yếu tố tích cực?

Trước thông tin trên, Tổ chức Gates không cảm thấy nuối tiếc. “Chúng tôi tin rằng công việc này sẽ dẫn đến những cuộc bàn luận quan trọng, tạo ra những thay đổi, hình thành những sự kết hợp trên khắp cả nước” - ông Allan Golston - người quản lý các sáng kiến giáo dục Mỹ của Tổ chức Gates Foundation nói và cho biết thêm rằng tổ chức của ông sẽ hỗ trợ nỗ lực của mạng lưới các trường để xác định những giải pháp thúc đẩy từ địa phương, bắt nguồn từ một cam kết sử dụng bằng chứng và dữ liệu để cải thiện kết quả học tập của học sinh ở trường THCS và THPT.

Một phát ngôn viên của Tổ chức Gates Foundation nói rằng, một số trường tham gia nhất định đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong điểm đọc của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh trung học da đen ở Pittsburgh, đồng thời “hầu hết giáo viên nghĩ rằng hệ thống đánh giá đã giúp họ cải thiện việc giảng dạy”.

Bản thân tỉ phú Bill Gates đã lưu ý kết quả nghèo nàn của sáng kiến giáo dục này trong một bài nói: “Chúng tôi sẽ không trực tiếp đầu tư vào việc đánh giá giáo viên, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp dữ liệu về tác động của những hệ thống này và khuyến khích sử dụng tất cả các công cụ giúp giáo viên cải thiện công việc của họ”.

Bản tổng kết báo cáo của RAND cho rằng “về tổng thể, sáng kiến trên không đạt được mục đích của mình về nâng cao thành tích của học sinh hoặc kết quả tốt nghiệp, đặc biệt là đối với học sinh từ gia đình thiểu số có thu nhập thấp”. Tính đến năm 2015, khi sáng kiến đã hoạt động được 6 năm, “thành tích học tập của học sinh, việc tiếp cận với giảng dạy hiệu quả, tỷ lệ bỏ học không tốt hơn đáng kể” so với các trường không tham gia vào chương trình trên - RAND cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.