Giao lưu trực tuyến 'Nâng bước trò nghèo'

GD&TĐ - 'Nâng bước trò nghèo' là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Sáu ngày 28/4/2023.

Giao lưu trực tuyến 'Nâng bước trò nghèo'

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Cô Từ Thị Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An);

- Thầy Lê Văn Sức - Giáo viên điểm trường Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân (Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa).

Giáo dục ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm bằng nhiều chế độ, chính sách đặc thù. Việc triển khai các chế độ đến học sinh được địa phương, ngành Giáo dục thực hiện đầy đủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ tới trường. Nhờ đó, không có học sinh nào vì khó khăn mà không được đi học; đồng thời tạo niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh, người dân.

Tuy nhiên, từ chính sách đi vào thực tế giáo dục, dạy học, chăm sóc, quản lý học sinh còn nhiều vất vả, vướng mắc đòi hỏi sự linh hoạt của từng nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên… Bên cạnh đó, hiện nhiều xã, thôn bản đạt nông thôn mới, ra khỏi khu vực 3 vùng đặc biệt khó khăn. Việc các địa phương “thoát nghèo” kéo theo nhiều chính sách, chế độ trợ cấp cho học sinh, giáo viên, trường học cũng bị cắt giảm. Trong khi đó thực tế đời sống kinh tế của phụ huynh, người dân chỉ mới cải thiện được phần nào; việc xã hội hóa giáo dục ở vùng cao, dân tộc thiểu số là khó khả thi… Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Để “nâng bước trò nghèo”, ngành Giáo dục các địa phương đã xây dựng kế hoạch, mô hình cụ thể tham mưu cho các cấp chính quyền đề xuất đưa vào Nghị quyết. Về phía nhà trường, thầy cô giáo bằng tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương để tạo môi trường giáo dục tốt đẹp, phù hợp cho học sinh. Không chỉ “nâng bước” các em về vật chất, trong công tác dạy học, cung cấp kiến thức môn văn hóa mà còn nhiều giá trị tinh thần khác.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời sẽ chia sẻ, giải đáp cùng bạn đọc những câu chuyện về đặc thù giáo dục vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số. Nỗ lực của các thầy cô giáo, nhà trường trong đảm bảo chế độ chính sách cho học trò. Đặc biệt là công tác tổ chức bán trú theo mô hình nội trú ở trường vùng sâu, vùng xa… Và những trăn trở, mong mỏi của người thầy, người cô để học trò vùng khó khăn vơi bớt thiệt thòi, vươn lên, vươn xa trong tương lai.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bạn đọc

Bạn Quỳnh Anh – Hà Tĩnh:

Phong trào Phòng giúp phòng, Trường giúp trường được ngành Giáo dục Nghệ An triển khai khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Về phía nhà trường có được hỗ trợ nhiều từ phong trào này hay không và qua đó tác động đến công tác dạy học và học sinh như thế nào?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Sở Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An tổ chức triển khai phong trào “Phòng giúp phòng, Trường giúp Trường” và hiện nay mở rộng thêm "tổ chuyên môn giúp tổ chuyên môn" đã tạo sức lan tỏa, gắn kết lớn trong các cơ sở giáo dục.

Phong trào "Trường giúp trường" đã có những hỗ trợ, trao đổi chuyên môn tích cực cho giáo viên nhà trường để thêm kinh nghiệm dạy học, ôn thi cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Phong trào "Trường giúp trường" đã có những hỗ trợ, trao đổi chuyên môn tích cực cho giáo viên nhà trường để thêm kinh nghiệm dạy học, ôn thi cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Là một đơn vị giáo dục vùng khó khăn, chúng tôi rất phấn khởi đón nhận chủ trương này. Bởi vì, để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của giáo dục thì chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, và đặc biệt trong đó chúng ta phải khai thác sức mạnh trong ngành để giúp đỡ nhau, đó chính là sức mạnh của vùng giáo dục phát triển giúp đỡ những vị giáo dục vùng khó khăn. Bởi vậy, đây là một trong những cách xã hội hóa hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

Là một trong những đơn vị được thụ hưởng phong trào này, trường chúng tôi được trường THPT Quỳnh Lưu 1 trực tiếp quan tâm hỗ trợ một số vật chất và hoạt động thiết thực như: thiết bị dạy học, SGK cho học sinh, sim điện thoại 3G, cùng trao đổi chia sẻ về công tác chuyên môn, văn hóa thể thao vùng miền,v.v

Bạn đọc

Bạn Phương Ngọc - THanh Hóa:

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu cả nước hướng tới, thầy có mong muốn gì cho học trò của mình cũng như đề xuất giải pháp để tạo sinh kế cho người dân?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đang hướng tới. Tuy nhiên, thực tế mà nói, thì hiện tại ở huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) nói chung và xã Phú Xuân cũng như bản Tân Sơn nói riêng vẫn đang còn rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, người dân ở đây đang có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao, chưa thể ngày một, ngày hai mà thoát nghèo được. Do đó, học sinh ở đây cũng đang phải chịu cảnh nghèo khó do điều kiện kinh tế của gia đình.

Vì vậy, theo tôi giải pháp để tạo sinh kế cho người dân nơi đây giảm nghèo bền vững, thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho bà con đồng bào về phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nhưng, để phát triển được kinh tế hộ gia đình, thì phải được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, được hỗ trợ đào tạo nghề, tức là tạo cho họ “cần câu”, chứ không phải giúp cho họ “con cá”.

Học sinh ở bản Giá trong giờ đọc sách ở Thư viện xanh của điểm trường.

Học sinh ở bản Giá trong giờ đọc sách ở Thư viện xanh của điểm trường.

Và, khi họ có “cần câu” rồi thì phải có nơi để “câu cá”, tức là địa phương sở tại phải có nhà máy, khu công nghiệp, ngành nghề chế biến... phù hợp để giúp họ vào làm việc, có thu nhập ổn định hàng tháng. Bởi lẽ, dù bà con ở rừng, nhưng lại thiếu đất sản xuất, không có nghề phụ và đặc biệt không có đất rừng (tư liệu sản xuất) để có thể tạo ra giá trị kinh tế... giúp họ tự vươn lên thoát nghèo.

Bạn đọc

Bạn hoaithuong@...:

Được biết, nhiều năm nay, Trường THPT Quế Phong thường xuyên có chương trình hỗ trợ, tiếp sức học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… Năm nay nhà trường đã có kế hoạch gì đối với các chương trình này hay chưa? Lực lượng xã hội muốn cùng nhà trường chung tay lo cho các em liên lạc theo hình thức?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Các chương trình hỗ trợ, tiếp sức học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT của nhà trường luôn được Sở GD&ĐT và Ban ngành địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả của hoạt động này.

Trường THPT Quế Phong huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ học sinh trong 2 đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Tốt nghiệp THPT.

Trường THPT Quế Phong huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ học sinh trong 2 đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Tốt nghiệp THPT.

Hằng năm Chi bộ, BGH nhà trường luôn có sự chỉ đạo sát sao từ đầu năm học trong việc xây dựng kế hoạch tình nguyện của công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường.

Nhà trường có nhiều hình thức để kêu gọi các lực lượng xã hội cùng nhà trường chung tay lo cho các em như: Trực tiếp vận động từ các tổ chức cá nhân trên địa bàn và thông qua đăng tải trên các trang mạng xã hội Face book, Zalo để kêu gọi.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thắng – Nghệ An:

Nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình Trường Phổ thông DTBT hay chưa, dự kiến đến khi nào đón học sinh vào ở bán trú và những trường hợp nào sẽ được ưu tiên?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Từ năm 2013, sau khi không còn mô hình trường THPT Dân tộc nội trú, nhà trường vẫn còn cơ sở vật chất là khu nhà ở học sinh, được chúng tôi duy trì việc tổ chức cho học sinh ăn ở tại trường.

Học sinh ở "bán trú" trong trường trồng rau tăng gia sản xuất. Ảnh: NTCC.

Học sinh ở "bán trú" trong trường trồng rau tăng gia sản xuất. Ảnh: NTCC.

Hàng năm số em này từ 100-150 học sinh thuộc diện bán trú, đăng ký vào trường ở trên tinh thần tự nguyện. Về chế độ ăn được lấy từ nguồn hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú của Nghị định 116. Các em được ở trong trường, có giáo viên quản lý, và tham gia lao động tăng gia sản xuất tại khu vườn trường. Việc duy trì này thể hiện hiệu quả tích cực trong chăm sóc, giáo dục học sinh, linh hoạt trong điều kiện không còn mô hình trường dân tộc nội trú.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có mô hình trường THPT Bán trú, trường đã đề xuất và Sở GD&ĐT đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình trường PTDTBT kiểu mới để trình HĐND Tỉnh, khi được HĐND Tỉnh thông qua trường sẽ triển khai thực hiện. Nhà trường tin tưởng và mong muốn mô hình này sớm được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cả nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện.

Bạn đọc

Bạn Tam Nguyen - Nông Cống:

Trẻ vùng khó vốn thiệt thòi, tôi băn khoăn không rõ thầy cô có giải pháp gì để hỗ trợ trò mua bảo hiểm y tế, sách vở đầu năm học cũng như tạo sân chơi bổ ích cho các em?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Việc hỗ trợ cho học trò mua bảo hiểm y tế thực sự là rất khó khăn. Bởi lẽ, vấn đề này liên quan đến chế độ, chính sách mà chỉ có Nhà nước hỗ trợ.

Trước kia (giai đoạn 2016-2021), khi xã Phú Xuân chưa bị điều chỉnh ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh và người dân ở đây được Nhà nước hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, từ ngày 4/6/2021, khi bản Tân Sơn không thuộc vùng III nữa, học sinh không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế vì thế, giáo viên cũng như nhà trường không có giải pháp gì để hỗ trợ các em.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường và học sinh ở Thư viện xanh của trường.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường và học sinh ở Thư viện xanh của trường.

Đối với sách vở đầu năm học cũng như tạo sân chơi bổ ích cho các em, ngoài việc Nhà nước cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập theo Chương trình GDPT mới, nhà trường và giáo viên cũng vận động, quyên góp từ các nguồn xã hội hóa, để xây dựng thư viện xanh.

Hiện nay, trường Tiểu học Thanh Xuân có 4 điểm trường (trong đó có 3 điểm lẻ, 1 điểm chính), đều đã có thư viện xanh, giúp học trò có nơi vui chơi, đọc sách vào những giờ ra chơi, hoặc giờ ngoại khóa. Có được thành quả đó, chính là nhờ vào sự tâm huyết, quyết tâm của thầy Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng nhà trường và toàn thể đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Bạn đọc

Bạn Trần Hạnh – Hòa Bình:

Học sinh cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn rất cần sự hỗ trợ về đồ dùng học tập, sách vở, bảo hiểm y tế… Ngoài chế độ của nhà nước, nhà trường có kết nối với tổ chức, cá nhân để hỗ trợ học trò ?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Ngoài các chế độ của Nhà nước, nhà trường cũng đã thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ nhiều kênh để hỗ trợ một phần cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: sách giáo khoa, vở, điện thoại, sim điện thoại, máy tính bảng (thời điểm cao điểm dịch Covid -19).

Trao học bổng chương trình mẹ đỡ đầu của Công đoàn Trường THPT Quế Phong cho học sinh mồ côi, khó khăn của trường. Ảnh: NTCC.

Trao học bổng chương trình mẹ đỡ đầu của Công đoàn Trường THPT Quế Phong cho học sinh mồ côi, khó khăn của trường. Ảnh: NTCC.

Hiện nhiều học sinh của trường được tặng điện thoại, máy tính bảng vẫn đang hỗ trợ rất tốt cho học bài, ôn tập chuẩn bị các kỳ thi quan trọng, đặc biệt là thi Tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường đều huy động, kết nối các nguồn lực để tặng các suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, học sinh đạt thành tích tốt tại các kỳ thi…

Trong điều kiện phụ huynh hầu hết là bà con dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, việc vận động xã hội hóa giáo dục không khả thi, thì nhà trường kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ thiết bị dạy học, quần áo, chăn… cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn kieuanh@gmail.com:

Là một trường học tập trung đông học sinh đến từ tất cả xã trong huyện, với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, nhà trường đã có những giải pháp gì để vừa tạo khối đoàn kết dân tộc, bình đẳng trong học sinh và phát huy giá trị bản sắc dân tộc cho các em, thưa cô?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Học sinh của nhà trường có thành phần dân tộc đa dạng như: Kinh, Thái, H’ Mông, Khơ Mú, …..nhà trường luôn quan tâm đến tất cả các học sinh về các mặt trong đó tập trung các giải pháp:

- Làm tất công tác tuyên truyền, vận động dể học sinh hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng khối đại đoàn kết của học sinh trong nhà trường.

Trường THPT Quế Phong tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để học sinh thể thiện, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Ảnh: NTCC.

Trường THPT Quế Phong tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để học sinh thể thiện, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Ảnh: NTCC.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi, các hoạt động trải nghiệm để học sinh được tham gia cùng nhau nhằm tăng cường sự đoàn kết trong lớp học, giữa các lớp và trong toàn trường.

- Thực hiện tốt các chính sách dân tộc của nhà nước đối với học sinh DTTS, quan tâm chăm lo các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Giáo viên vùng khó:

Không chỉ có nơi ăn, chốn ngủ tại trường vào buổi trưa, học sinh nghèo còn được hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập. Nơi tôi công tác cũng có nhiều học trò cần hỗ trợ, mong thầy chia sẻ cách làm?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Như đã nói ở trên, để giúp học sinh có được nơi ăn, chốn ngủ tại trường, thậm chí các em còn được hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập... Ban giám hiệu nhà trường cùng tập thể giáo viên đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội.

Từ thầy Hiệu trưởng, Hiệu phó đến giáo viên, mỗi người đều tận dụng mối quan hệ tập thể, cá nhân của mình để cùng kêu gọi từ những người bạn quen biết, hoặc qua các các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm... góp sức.

Giờ thể dục của học sinh ở điểm trường bản Vui.

Giờ thể dục của học sinh ở điểm trường bản Vui.

Với cách làm như vậy, đến nay tại khu trường chính và 2 điểm ở bản Giá, bản Vui đã xây dựng được nhà bán trú, bếp ăn cho học trò. Hiện, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường chúng tôi đang tiếp tục phát huy cách làm nêu trên, để sớm có bếp ăn bán trú cho học sinh tại điểm trường Tân Sơn, để không còn cảnh “nắm cơm treo cửa lớp” như từ trước đến nay vẫn diễn ra.

Bạn đọc

Bạn Nguyenxuanthuy@....:

Hiện nay, việc nhiều học sinh ở trọ bên ngoài dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tệ nạn xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhà trường có phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để quản lý, giám sát cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến học sinh?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Chi ủy, chi bộ đã chỉ đạo Nhà trường và công đoàn chi các tổ, nhóm phụ trách các cụm nhà trọ để nắm bắt tình hình, hỗ trợ học sinh. Nhà trường cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, đặc biệt là thị trấn và các xã phụ cận để cùng nắm bắt, quản lý các em học sinh …

Giáo viên nhà trường thường xuyên quan tâm, trò chuyện, chia sẻ các vấn đề với học sinh. Ảnh: NTCC.

Giáo viên nhà trường thường xuyên quan tâm, trò chuyện, chia sẻ các vấn đề với học sinh. Ảnh: NTCC.

Nhà trường được Sở GD&ĐT chọn làm điểm về mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Do vậy, Nhà trường đã thực hiện phối với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để quản lý, giám sát cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến học sinh thông qua việc xây dựng các văn bản phối hợp gồm: Quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp để nắm bắt tình hình, phối hợp tuyên truyền, giáo dục học sinh.

Thực tế độ tuổi THPT có đặc điểm tâm sinh lý phát triển vượt trội so với các lứa tuổi trước đó, nhưng lại không có bố mẹ, người thân ở bên cạnh kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp. Vì thế, nhà trường cũng rất chú trọng trong việc theo dõi, phát hiện những biến đổi tâm lý bất thường hay hành vi lệch chuẩn để kịp thời can thiệp, xử lý đúng hướng. Về vấn đề này, Ban giám hiệu nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quan tâm, trò chuyện, động viên học sinh. Tổ nề nếp của trường cũng liên hệ, phối hợp với chủ khu nhà trọ để đến “thăm” thường xuyên hoặc đột xuất học sinh. Đồng thời huy động sự tham gia của chính học sinh, cùng chia sẻ với bạn bè, có vấn đề gì đều có thể báo ngay cho thầy cô hoặc nhà trường giúp đỡ.

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Khôi phục bếp ăn bán trú đồng nghĩa thêm công việc, trách nhiệm cho thầy cô. Cụ thể công tác trên tổ chức ra sao. Nguồn kinh phí vận động có ổn định không?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Có bếp ăn, nơi ngủ trưa cho học sinh bán trú là điều mong ước của thầy trò nhà trường. Hoạt động bán trú cho học sinh chắc chắn giáo viên sẽ thêm trách nhiệm, nhưng giáo viên nhà trường rất vui khi được sẻ chia, giúp đỡ để các em có được bữa ăn ngon và ngủ trưa tại trường.

Việc tổ chức bán trú cho các em thực ra hoàn toàn không khó. Bởi, học sinh rất hào hứng, phụ huynh sẵn sàng tham gia hỗ trợ nấu ăn, chăm sóc cho các em tại trường. Với quan điểm học sinh nơi đây chỉ cần ăn no, ngủ ngon, nên bữa cơm của các em chỉ với 15.000 đồng/suất (bao gồm cơm trắng, thức ăn mặn, canh rau…).

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường là người dành hết tâm huyết và nỗ lực để lo cho học trò có những bữa ăn, giấc ngủ trưa tại các điểm trường đang rất khó khăn.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường là người dành hết tâm huyết và nỗ lực để lo cho học trò có những bữa ăn, giấc ngủ trưa tại các điểm trường đang rất khó khăn.

Trước khi khôi phục bếp ăn và ngủ bán trú, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để thống nhất suất ăn và việc đóng góp hằng ngày. Phụ huynh phải làm đơn tự nguyện cho con tham gia ăn bán trú. Nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh tự thuê chọn người nấu ăn. Nhà trường chịu trách nhiệm đến chất lượng thức ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thông qua các tiết học trải nghiệm, thầy cô hướng dẫn học sinh biết tự nhặt rau, rửa bát, tự nhận khẩu phần ăn, tự ăn, tự dọn vệ sinh trước và sau bữa ăn. Đôi khi, nhà trường cũng cho học sinh trải nghiệm nấu các món ăn thông thường như cơm, canh, chế biến thịt, cá…

Về nguồn kinh phí vận động chắc chắn là sẽ rất khó khăn, nhưng trước mắt vẫn là điều kiện có đến đâu thực hiện đến đó. Thời gian qua, cũng có những cá nhân, gia đình hảo tâm tặng gạo, tặng tiền hỗ trợ mua thức ăn thêm cho các em.

Bạn đọc

Bạn Thu Thảo:

Nghe nói Trường Tiểu học Thanh Xuân không còn chế độ ăn bán trú ở điểm chính và điểm lẻ Tân Sơn, nhưng H iệu trưởng nhà trường cùng các thầy, cô giáo quyết tâm khôi phục bếp ăn bán trú bằng cách kêu gọi xã hội hóa rất hiệu quả. Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Để khôi phục bếp ăn bán trú, tăng cường trang thiết bị bán trú, nhà trường đã làm Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ, xã hội hóa nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị trường học, thiết bị bán trú của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và được Phòng GD&ĐT Quan Hóa, UBND huyện phê duyệt.

Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để nhà trường chúng tôi kêu gọi xã hội hóa.

Sau một thời gian kêu gọi các nguồn tài trợ, học sinh ở điểm trường chính - Trường Tiểu học Thanh Xuân đã có những bữa ăn bán trú tại trường.

Sau một thời gian kêu gọi các nguồn tài trợ, học sinh ở điểm trường chính - Trường Tiểu học Thanh Xuân đã có những bữa ăn bán trú tại trường.

Bạn đọc

Bạn Trường Giang – Yên Bái:

Ngoài dạy học, điều nhà trường quan tâm nhất đối với học trò dân tộc thiểu số ở vùng cao là gì? Cô có thể chia sẻ giải pháp rèn luyện kỹ năng và phát huy năng lực toàn diện cho học sinh?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Ngoài dạy học, điều nhà trường quan tâm nhất với học trò dân tộc thiểu số là giáo dục kỹ năng sống cho các em như: giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là việc giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội thông qua các hình thức tuyên truyền, tư vấn tâm lý và các hoạt động trải nghiệm…

Chương trình ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường THPT Quế Phong, Nghệ An.

Chương trình ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường THPT Quế Phong, Nghệ An.

Những năm qua, nhà trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ học tập, văn nghệ, thể thao để khuyến khích học sinh tham gia, thể hiện năng khiếu, sở trường của bản thân. Qua các hoạt động của câu lạc bộ, học sinh được tăng cường kỹ năng tiếng Việt, giao tiếp, tự tin thuyết trình, thể hiện năng lực trước thầy cô, bạn bè và mọi người. Đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, hiểu biết xã hội nhiều lĩnh vực cho học sinh để ứng dụng vào trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn để tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, tuyên truyền giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, phòng cháy chữa cháy...

Bạn đọc

Bạn tinhnguyen...@gmail.com:

Đóng chân ở vùng khó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học của điểm trường có đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhóm thiện nguyện chúng tôi muốn hỗ trợ đồ dùng cho học sinh, phải làm thế nào?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Hiện nay, việc triển khai dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc triển khai các môn học đặc thù, như: ngoại ngữ, tin học,… còn gặp rất nhiều khó khăn đối với nhà trường, đặc biệt là các điểm trường lẻ có vị trí xa trung tâm xã.

Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh; yêu cầu về cơ sở vật chất bao gồm: phòng học; sân chơi, bãi tập, phòng nghệ thuật… cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú…

Tuy nhiên, các phòng học tại các điểm trường lẻ đang xuống cấp trầm trọng. Mặc dù đã được cải tạo, các công trình vệ sinh vẫn đang tạm bợ, nguồn nước sạch; mua sắm phương tiện, thiết bị, đồ dụng dạy học vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra.

Thầy và trò điểm trường Tân Sơn nhận quà từ thiện do Báo GD&TĐ kêu gọi.

Thầy và trò điểm trường Tân Sơn nhận quà từ thiện do Báo GD&TĐ kêu gọi.

Nếu có chương trình thiện nguyện chia khó với nhà trường về các nguồn lực vật chất, chúng tôi sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xin tiếp nhận. Nhà trường cam kết sử dụng hiệu quả mọi nguồn tài trợ đúng mục đích, công khai minh bạch theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGD ĐT của Bộ GD&ĐT và Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Bạn đọc

Bạn Bích Phượng - Thanh Hóa:

Điểm trường nơi tôi công tác không thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên nhiều chế độ học sinh bị cắt giảm. Điều này khiến việc duy trì tỷ lệ chuyên cần rất vất vả. Vậy, với đa số học sinh diện nghèo và cận nghèo, hàng năm nhà trường có “chiến lược” gì để hỗ trợ cho học sinh?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Đời sống học sinh ở đây vẫn rất nhiều khó khăn nên Trường tiểu học Thanh Xuân đã kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, như Dự án nuôi em Thanh Hóa, bạn bè, cán bộ, giáo viên và đặc biệt là Báo GD&TĐ đã đưa tin, viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng bán trú, hỗ trợ suất ăn, hỗ trợ gạo cho các em.

Từ khi bán trú hoạt động trở lại đến nay, học sinh đi học rất chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Bằng tâm huyết của mình, các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Thanh Xuân đã kêu gọi để học sinh ở điểm trường bản Vui, xã Phú Xuân có được nhà bán trú và những bữa ăn tại trường.

Bằng tâm huyết của mình, các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Thanh Xuân đã kêu gọi để học sinh ở điểm trường bản Vui, xã Phú Xuân có được nhà bán trú và những bữa ăn tại trường.

Nhà trường có “chiến lược” tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm... để hoàn thiện nơi ăn, ngủ bán trú cho tất cả các điểm trường và đặc biệt là điểm trường tại bản Tân Sơn.

Nhà trường quyết tâm sẽ thực hiện bằng được mô hình bán trú ở điểm lẻ này, để giúp học sinh và bà con vợi đi những khó khăn, vất vả.

Bạn đọc

Bạn Thanh Hải – Hà Giang:

Trong hoàn cảnh phần lớn các em ở trọ xa nhà, nhà trường và giáo viên đã có những hỗ trợ gì cho học sinh trong học tập, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới…?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Bên cạnh hỗ trợ các em học sinh trong việc ôn tập theo lịch học chính khóa, nhà trường cũng đã mở lớp học vào buổi tối để các em học sinh đặc biệt là ở các em nhà trọ vào tự học, nhiều giáo viên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn các em học sinh ôn bài.

Giáo viên Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) phụ đạo kiến thức, hướng dẫn tự học và ôn tập vào buổi tối tại trường cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Giáo viên Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) phụ đạo kiến thức, hướng dẫn tự học và ôn tập vào buổi tối tại trường cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Nhà trường và các tổ chức như Công đoàn, Đoàn thanh niên và các cá nhân cũng đã tổ chức các chương trình hỗ trợ kỳ thi như: chương trình tiếp sức mùa thi, cho ở trọ miễn phí, thành lập các tổ - nhóm giáo viên đến các khu vực học sinh trọ để thăm hỏi động viên học sinh.

- Nhà trường chủ trương kêu gọi giáo viên tổ chức ôn tập, phụ đạo, hỗ trợ thêm về kiến thức miễn phí cho học sinh.

- Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra việc học tập của học sinh tại các nhà trọ để động viên học sinh học tập.

- Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý các nhà trọ và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn Tuanhung...@gmail.com:

Thực hiện Chương trình GDPT mới, học sinh học 2 buổi/ngày. Trường Tiểu học Thanh Xuân đã có nhà bán trú, bếp ăn cho học sinh chưa? Nếu chưa có, hằng ngày các thầy, cô giáo phải hỗ trợ học sinh như thế nào?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Trường Tiểu học Thanh Xuân có 3 điểm trường lẻ và 1 điểm chính rất khó khăn. Nhờ thực hiện các giải pháp linh hoạt nên đến nay 3 điểm trường đã có bếp ăn, có nhà bán trú cho học sinh. Duy nhất chỉ còn điểm trường Tân Sơn là chưa xã hội hóa, để xây dựng bếp ăn, nhà bán trú cho học sinh được.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh được học 2 buổi/ngày, điểm trường Tân Sơn thực hiện dạy học 7 - 8 buổi/tuần. Nhiều học sinh thường ở lại buổi trưa để học tiếp buổi chiều.

Những nắm cơm của học sinh tại điểm trường Tân Sơn để ở cửa lớp cho các em ăn trưa.

Những nắm cơm của học sinh tại điểm trường Tân Sơn để ở cửa lớp cho các em ăn trưa.

Điểm trường Tân Sơn có 49/51 học sinh là con em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Bố mẹ các em thường đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà nội, ngoại trên chòi ao, nương rẫy.

Do quãng đường đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, mùa Đông giá lạnh và những ngày hè nắng nóng gay gắt, phụ huynh thường cho con mang theo cơm cùng thức ăn đến trường, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đưa cơm cho học sinh ăn buổi trưa.

Thầy, cô giáo cũng mua thêm thức ăn cho các em và cùng mọi người ăn trưa tại trường để tiếp tục dạy học buổi chiều.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Linh - Tân Sơn:

Năm 2021, theo Quyết định 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Phú Xuân – nơi có Trường Tiểu học Thanh Xuân đứng chân ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Vậy, bản Tân Sơn có bị điều chỉnh theo Quyết định này không? Nếu ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, có ảnh hưởng gì nhiều đến quyền lợi, chế độ phụ cấp của giáo viên và học sinh?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ khi quyết định 861 của CP và QĐ 612 của UB Dân tộc có hiệu lực, cả giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thanh Xuân gặp rất nhiều khó khăn.

Khi bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp này, nhiều giáo viên lâm vào cảnhh chật vật. Bởi lẽ ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp, đa số giáo viên đang “cắm” sổ lương, vay tiền ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa sang nhà cửa.

Bữa cơm trưa tại lớp của học sinh ở điểm trường Tân Sơn.

Bữa cơm trưa tại lớp của học sinh ở điểm trường Tân Sơn.

Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng vài triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều giáo viên nhận về số lương ít ỏi không đủ để sinh hoạt hàng ngày, quan hệ xã hội…

Đối với học sinh, do không còn chế độ bán trú nên nhiều gia đình nghèo, cận nghèo gặp nhiều khó khăn vì phải đóng tiền bán trú cho con ăn ở trường. Trong khi đó, quãng đường đến trường không những khó khăn mà còn khá xa...

Bạn đọc

Bạn Viết Thành – Gia Lai:

Được biết, từ năm 2013, Thực hiện Quyết định số 49 và Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT, và nay là Thông tư số 01, tỉnh Nghệ An thực hiện xóa bỏ loại hình Trường Dân tộc nội trú THPT (DTNT THPT) ở các huyện miền núi trong đó có Trường THPT Quế Phong. Điều này đã tác động như thế nào đến dạy học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường trong 10 năm qua?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Việc xóa bỏ loại hình Trường Dân tộc nội trú THPT (DTNT THPT) ở các huyện miền núi trong đó có Trường THPT Quế Phong đã có tác động lớn đến dạy học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường trong 10 năm qua.

Trước hết, thay vì được ở nội trú trong trường, học sinh phải ở trọ ngoài, mỗi năm số lượng này là hơn 1200 học sinh thuộc các xã bản vùng sâu, vùng xa. Việc ở trọ, học sinh thiếu đi sự quản lý của gia đình và nhà trường, dẫn đến nhiều nguy cơ từ mặt trái của xã hội tác động.

Chất lương giáo dục của nhà trường cũng bị ảnh hưởng do thiếu đi sự quản lý của gia đình ngoài giờ học ở nhà trường. Trong khi đó, thầy cô giáo cũng không thể nào bao quát, kiểm tra, chăm lo các em cả về học tập và sinh thường xuyên như khi còn ở nội trú trong trường.

Do ở các dãy trọ tập thể, phải tự lập ăn uống, sinh hoạt, xử lý các tình huống trong cuộc sống mà độ tuổi học sinh chưa thực sự trưởng thành. Các em mới từ môi trường quen thuộc trong làng bản ra thị trấn có nhiều điều mới lạ, cám dỗ. Điều này cũng dẫn đến có nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội xâm nhập trong học sinh.

Thu nhập và mức sống của giáo viên làm công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn do mức phụ cấp đặc thù giảm.

Bên cạnh đó, các đầu tư công để củng cố cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục của trường chậm lại tác động lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Quốc Đạt - Hà GIang:

Từ miền xuôi lên vùng cao, biên giới công tác, thầy có gặp khó khăn khi thuyết phục người dân cho trẻ ra lớp. Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm để đồng nghiệp học tập?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Khi khoác ba lô lên công tác ở đây, trường lớp không được như bây giờ đâu, mà chỉ những phòng học tranh tre, nứa lá được quây bằng bạt và phên nứa thôi.

Ở 1 tháng đầu tiên, tôi giảm 8 kg vì điều kiện sống và nhớ nhà, nhớ vợ, con... Lúc bấy giờ, cứ tưởng rằng mình sẽ không ở lại đây được. Nhưng rồi cũng quen dần, ngày ngày đón học sinh đến lớp để dạy dỗ, công việc cứ cuốn hút, thấm thoắt trôi qua đã 20 năm rồi.

Về đời sống của giáo viên thời điểm đó, bà con trong bản ăn uống như thế nào, thì giáo viên cũng sống như thế. Đường sá đi lại khó khăn lắm, khi nào nghỉ hè mới về quê.

Cô giáo Hà My đang hướng dẫn học sinh đọc sách trong Thư viện xanh tại điểm trường chính - Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Cô giáo Hà My đang hướng dẫn học sinh đọc sách trong Thư viện xanh tại điểm trường chính - Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Ngày Tết, chúng tôi được về nhà 1 tuần, còn nghỉ hè thì được 2 tháng. Mọi công việc ở nhà đều do vợ lo hết, nếu không tôi chẳng thể yên tâm công tác ở trên này.

Để duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả, người giáo viên chủ nhiệm cần phải có tâm đối với học sinh, phải hiểu hoàn cảnh từng em để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em học tập, yêu mến thầy cô, bạn bè.

Còn việc thuyết phục người dân cho trẻ ra lớp thì tôi thực hiện như sau: Nắm bắt hoàn cảnh và đặc điểm gia đình từng học sinh. Khi đã biết hoàn cảnh và đặc điểm gia đình từng học sinh, thì phải giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, về tận nhà dân tuyên truyền, vận động, kịp thời hỗ trợ, động viên để các em tới lớp.

Sau ngày tập trung học sinh, tôi đã có danh sách trích ngang ghi rõ họ tên, nghề nghiệp của cha mẹ các em, hoàn cảnh sinh sống của gia đình... Nắm vững thông tin bao nhiêu em có hoàn cảnh đủ ăn, bao nhiêu em thuộc diện hộ khó khăn, bao nhiêu em có sổ hộ nghèo, công việc thường ngày của học sinh ở nhà và là đứa con thứ mấy?...

Ngoài ra, tôi còn trao đổi với cán bộ bản để nắm rõ hơn về hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Sau đó, chúng tôi tập hợp thành một quyển sổ theo dõi, phân loại đối tượng học sinh, những em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học... để báo cáo nhà trường và tập trung hỗ trợ tối đa mức có thể cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn duysonevn@gmail.com...:

Trong quá trình thực hiện chi trả chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho học sinh, nhà trường có gặp vướng mắc, bất cập gì không, thưa cô?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Về cơ bản việc chi trả chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho học sinh không có quá nhiều vướng mắc, trở ngại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phụ huynh do làm ăn xa, thiếu quan tâm nên việc quản lý việc sử dụng nguồn hỗ trợ của con em mình chưa tốt, hoặc hợp lý.

Ví dụ một số học sinh sử dụng tiền hỗ trợ chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, những học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú theo Nghị đinh 116, các đợt cấp phát gạo vào các tháng 9 – 11 vào học kỳ I và tháng 2 – 4 vào học kỳ II. Nhưng phần lớn học sinh ở trọ xung quanh trường, không có đủ điều kiện bảo quản gạo số lượng lớn. Vì vậy các em thường phải chuyển về gia đình, và đổi gạo nương đem theo đi học sau đó.

Bạn đọc

Bạn giahan...@gmail.com:

Người dân chủ yếu làm nương rẫy, sự phối hợp của gia đình-nhà trường trong việc giáo dục trẻ có như kỳ vọng không thầy?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Học sinh ở đây chủ yếu là con em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, bố mẹ các em đi làm ăn xa, có những em cả năm chỉ gặp được bố mẹ 1-2 lần vào dịp Tết hoặc gia đình có việc lớn...

Các em ở nhà với ông, bà ở trong các chòi ao hoặc trên nương rẫy, nên rất khó khăn trong việc liên lạc trao đổi, trợ giúp kịp thời giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Vì vậy, sự phối hợp của gia đình - nhà trường trong việc giáo dục trẻ khó có được những điều như thầy, cô kỳ vọng.

Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại điểm trường Tân Sơn.

Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại điểm trường Tân Sơn.

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Bản Tân Sơn xã Phú Xuân huyện Quan Hóa có 147 hộ, 632 nhân khẩu. Thế nhưng vẫn còn 64 hộ nghèo và 59 hộ cận nghèo, hơn 20 hộ đạt mức sống trung bình. Điều này có ảnh hưởng đến việc học của trẻ không, thưa thầy?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức hướng dẫn học trò làm bài tập.

Thầy Lê Văn Sức hướng dẫn học trò làm bài tập.

Học sinh của điểm trường Tân Sơn đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong 51 học sinh thì có đến 40 học sinh thuộc hộ nghèo và hộ hộ cận nghèo, chỉ có 2 học sinh thuộc gia đình có mức sống trung bình, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em.

Để các em vượt qua cái khó, cái nghèo, đi học chuyên cần, chăm chỉ, vươn lên học tốt, các giáo viên chủ nhiệm không chỉ như một người cha, người mẹ thứ hai của các em, mà còn là người bạn chân thành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của các em.

Bạn đọc

Bạn Phan Giang, Hà Tĩnh:

Học sinh diện nghèo và cận nghèo trường tôi nhận chế độ hỗ trợ theo kỳ. Nhà trường có trách nhiệm lo cho các em. Trường THPT Quế Phong đang thực hiện các chế độ này cho hoc sinh như thế nào?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Nhà trường có trách nhiệm lo cho học sinh, thực hiện chi trả các chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho các em theo quy định. Cụ thể, nhà trường đã thực hiện việc xét duyệt học sinh được hưởng theo đúng văn bản hướng dẫn, đúng đối tượng và thực hiện kịp thời. Khi có nguồn kinh phí cấp về nhà trường đã thực hiện chi trả cho học sinh theo đúng quy định.

Với học sinh diện nghèo và cận nghèo trường tôi nhận chế độ hỗ trợ theo kỳ. Riêng học sinh diện Nghị định 116, thì tiền hỗ trợ ăn, ở khi ngân sách phân bổ về trường đến đâu, chúng tôi triển khai chi trả cho các em đến đó. Còn gạo thông thường sẽ được cấp phát về 2 lần mỗi học kỳ.

Bạn đọc

Bạn giakhanh...@gmail.com:

Điểm trường Tân Sơn là nơi cao nhất ở xã Phú Xuân, đường đi lối lại có khăn lắm không? Hằng ngày các thầy, cô giáo đến trường như thế nào?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Giáo viên tại các điểm trường đa số đi về nhà trong ngày bằng xe máy cá nhân. Giáo viên thường ở lại điểm trường những hôm trời mưa to, vì đường đi lầy lội hoặc nguy cơ sạt lở, nước suối dâng cao hoặc mùa nước lũ. Hằng ngày, chúng tôi phải thức dậy thật sớm, xuất phát để lên đến trường trước 7 giờ sáng theo quy định của nhà trường.

Thầy Lê Văn Sức đến điểm trường bằng xe máy và có mặt trước 7h hằng ngày.

Thầy Lê Văn Sức đến điểm trường bằng xe máy và có mặt trước 7h hằng ngày.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Hiếu – TP Vinh, Nghệ An:

Tại trường THPT Quế Phong, số học sinh được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước chiếm khoảng bao nhiêu % (chế độ trợ cấp nghị định 116, chế độ hộ nghèo, cận nghèo, con em gia đình chính sách…)?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Tính đến học kỳ II năm học 2022-2023, toàn trường THPT Quế Phong có 1771 học sinh. Tuy nhiên chiếm tới khoảng 2/3 số học sinh khó khăn, nằm trong diện được hỗ trợ chính sách khi đến trường. Hàng năm có hơn 1.100 học sinh dân tộc thiểu số diện bán trú được hưởng chế độ trợ cấp Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn, ở bằng 50% mức lương cơ bản và 15kg gạo/em/tháng.

Học sinh Trường THPT Quế Phong hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ mú... Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THPT Quế Phong hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ mú... Ảnh: NTCC.

Về chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thì có 1.770 học sinh của trường được thụ hưởng. Trong đó 645 em diện hộ nghèo được miễn 100%; có 765 học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được giảm 70% và có 88 em hộ cận nghèo không thuộc đối tượng hưởng cao hơn được giảm 50%.

Bạn đọc

Bạn lean@gmail.com:

Đóng ở địa bàn huyện vùng cao biên giới, học sinh của Trường THPT Quế Phong có những khác biệt gì so với học sinh ở vùng thuận lợi?
Cô Từ Thị Vân

Cô Từ Thị Vân

Trường THPT Quế Phong đóng tại huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Trên địa bàn chỉ có duy nhất trường THPT công lập, nên học sinh của chúng tôi đến từ tất cả xã trong bản. Ngoại trừ số ít ở khu vực thị trấn, thì hầu hết các em đều ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi xa nhất cách trường đến 60-70km, trong đó có những bản chưa có đường đi, sóng liên lạc chưa thuận lợi. Học sinh của trường có nhiều khác biệt so với học sinh ở vùng thuận lợi về điều kiện kinh tế (đa phần hộ nghèo và cận nghèo), xã hội, trình độ dân trí… Đặc biệt, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục ảnh hưởng nhất định đến học sinh như tục bắt vợ, tảo hôn…

Trường THPT Quế Phong đóng tại huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trường THPT Quế Phong đóng tại huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn tác động không nhỏ đến hiệu quả các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Chất lượng đầu vào các môn văn hóa của các em còn rất thấp, có những hạn chế về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, ứng xử với các tình huống trong cuộc sống… Trong khi đó, phần đa học sinh phải xa nhà trọ học, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc trực tiếp từ cha mẹ. Sự quan tâm, phối hợp để giáo dục học sinh của gia đình cũng còn ít so với các trường vùng thuận lợi.

Bạn đọc

Bạn Mạnh Cường - Thanh Hóa:

Tân Sơn là bản cao nhất của xã Phú Xuân huyện Quan Hóa. Thầy có thể giới thiệu về điểm trường đóng chân tại địa bàn khó khăn này?
Thầy Lê Văn Sức

Thầy Lê Văn Sức

Điểm trường Tân Sơn nằm ở giữa bản Tân Sơn, bản nằm ở độ cao trung bình khoảng 800m so với mực nước biển, nên mùa đông lạnh hơn so với các bản khác trong cùng địa bàn khoảng 2 – 3 0C.

Toàn bộ diện tích tự nhiên của bản Tân Sơn nằm trong vùng đệm của khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Điểm trường này cách điểm trường trung tâm khoảng 4,4 km và có 52 học sinh tiểu học, 5 thầy, cô giáo (có 2 giáo viên người miền xuôi).

Thầy Lê Văn Sức cùng các cô giáo và học trò ở điểm trường Tân Sơn, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Thầy Lê Văn Sức cùng các cô giáo và học trò ở điểm trường Tân Sơn, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Đặc điểm địa hình giao thông ở đây rất phức tạp, chỉ có 1 con đường duy nhất vào bản, đường đi ngoằn ngoèo, quanh co, khúc khuỷu, độ dốc trung bình khoảng 650. Dân số của bản gồm: 147 hộ, 632 khẩu, 100% đồng bào là người dân tộc Thái, Mường sinh sống rải rác trên nương rẫy, dọc theo các con suối, bên các triền đồi trong phạm vi bán kính khoảng 5km.

Đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và hộ đặc biệt khó khăn chiếm hơn 87%. Đời sống của người dân trong bản phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng luồng, làm nương, rẫy...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ