Giao lưu trực tuyến 'Kết nối yêu thương'

GD&TĐ - Giao lưu trực tuyến 'Kết nối yêu thương' diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h – 10h ngày 13/4.

Giao lưu trực tuyến 'Kết nối yêu thương'

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu;

- Ông Nguyễn Bình Nam, kỹ sư điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung, TP Đà Nẵng.

Thật khó để đong đếm hết những chăm chút, yêu thương của đội ngũ thầy, cô giáo đang ngày ngày gắn bó với những bản làng vùng khó. Thầy cô lo bữa ăn, cái mặc, đôi ủng đi mưa, áo ấm trong những ngày đông giá rét đến kết nối những dự án dài hơi nhằm trao sinh kế bền vững cho phụ huynh để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Thầy, cô giáo nào cũng tự nhận thêm một sứ mệnh đặc biệt - làm người kết nối để học sinh được nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các câu lạc bộ thiện nguyện, tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã và đang tăng cường điều kiện cần thiết cho sinh hoạt, học tập của học trò tốt và đầy đủ hơn. Nhiều lớp học được xây dựng từ tấm lòng quan tâm đến giáo dục đã góp phần cải thiện điều kiện dạy – học ở thôn bản xa xôi, hẻo lánh. Cùng với xây trường, đội nhóm cũng đồng thời trang bị thêm cả đồ dùng, đồ chơi, tủ sách… cho lớp học.

Nhiều chương trình hỗ trợ thêm bữa ăn ở các điểm trường thôn đã góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể chất cho học sinh. Những em có nguy cơ bỏ học vì không được ăn trưa ở trường, phải theo bố mẹ lên rẫy gần như không còn. Với những em học sinh ở xa trường, từ sự hỗ trợ của các CLB, đội nhóm và tình yêu thương, chăm chút của các thầy cô giáo, các em được ở lại trường cả năm học, để đường đến trường bớt gập ghềnh.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu

Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Kỹ sư điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung, TP Đà Nẵng

Bạn đọc

Bạn Tungduong18…@gmail.com:

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu lâu dài và trường học góp một phần không nhỏ trong hành trình này. Nhiều năm công tác ở vùng khó, theo thầy cần tập trung vào lĩnh vực nào để người dân vùng khó nhanh chóng thoát nghèo?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Để thực hiện việc giảm nghèo bền vững là một quá trình bền bỉ và lâu dài, theo tôi, vấn đề then chốt là giúp dân thoát nghèo về tri thức. Khi đó, họ mới có khả năng tiếp cận các nguồn tri thức, kiến thức và chỉ ra con đường làm giàu hợp lý.

Có tri thức, người dân mới rộng mở hơn, đi xa hơn và giúp họ hiểu được các hủ tục lạc hậu hiện còn tồn tại sẽ là vật cản, bó buộc nếp nghĩ, cách làm cho tụt hậu hơn với mọi người xung quanh.

Bên cạnh việc cung cấp cho đồng bào “cái cần câu”, cần có người hướng dẫn cách thức thực hiện, tránh đánh trống bỏ dùi, bởi nhiều bà con hiện đang có suy nghĩ là dễ ăn thì làm, khó làm thì bỏ. Họ chỉ nhìn thấy trước mắt, ngày hôm nay mà không cần biết ngày mai.

Nhà trường luôn xác định, học sinh cấp THCS hiện tại sẽ là những người đi đầu trong đổi mới tư duy và cách làm. Chính vì vậy, bên cạnh truyền đạt tri thức cho thức của cấp học, nhà trường cũng định hướng cho các em về lựa chọn nghề nghiệp, hướng dẫn các em cách lao động sản xuất để phục vụ cho bản thân và gia đình sau này.

Bạn đọc

Bạn thuthao:

Với đa phần là học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số, công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng hướng nghiệp được nhà trường triển khai như thế nào để phù hợp năng lực học trò và nhu cầu nhân lực địa phương?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Toàn xã hiện có 391/622 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 62,7%, trong đó đa số là các hộ đồng bào dân tộc Mảng. Nhu cầu lao động cao nhưng nhân lực được đào tạo rất thấp. Chính vì vậy, nhà trường đã triển khai quyết liệt việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 9. Qua đó, giúp các em có thể lựa chọn con đường đúng nhất, phù hợp với bản thân, tránh đi vào lựa chọn nghề “việc nhẹ lương cao” hay sa ngã vào tệ nạn xã hội.

Trong các năm gần đây, số học sinh đi học bậc THPT, Trung cấp – Cao đẳng nghề đã tăng cao. Nhiều em đã đăng ký và đi làm ở các khu Công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang…

Hiện, có 2 học sinh cũ của nhà trường đang theo học tại trường Đại học Sư phạm. Đây sẽ là những nhân lực địa phương góp sức cho sự nghiệp giáo dục của Nậm Pì trong tương lai.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Bửu, 0985…:

CLB Bạn thương nhau đã kết nối các cá nhân để nối dài đường đến trường cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời, cải thiện thể chất, nâng cao thể lực cho các em qua các bữa ăn học đường. Kinh phí để cho các dự án này hoạt động lâu dài là không nhỏ. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong kêu gọi ủng hộ và cách duy trì các chương trình, dự án này?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Hiện có rất nhiều CLB đội nhóm làm công tác xã hội thiện nguyện như chúng tôi. Riêng đối với cá nhân Nam cũng như anh em CLB, điều mà chúng tôi hết sức trân quý đó là qua các năm, sau những hoạt động của CLB, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều sự tin tưởng hơn từ cộng đồng. Muốn có được điều đó, đầu tiên là phải minh bạch tài chính; sau mỗi hoạt động, hoặc từng năm, đều phải công khai thu – chi tài chính.

Thứ hai, là chúng tôi luôn tuân thủ Slogan “Đi thật xa – Nơi thật khó – Đến tận nơi – Trao tận tay”, nguồn kinh phí cho chương trình nào phải thật đúng với chương trình đó, và tạo được hiệu quả cũng như ý nghĩa cho đối tượng thụ hưởng. Dần dà, qua thời gian, có được sự tin tưởng từ mọi người. Niềm tin - Đó là điều cốt lõi để huy động kinh phí một cách hiệu quả cho những chương trình/dự án.

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Gắn bó với mảnh đất Nậm Pì, thầy chứng kiến sự thay đổi ra sao? Thầy có mong muốn, đề xuất gì cho học trò và đội ngũ thầy cô cũng như người dân nơi đây?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Gần 10 năm gắn với trường PTDTBT THCS Nậm Pì và người dân nơi đây, tôi nhận thấy mặc dù chưa có những thay đổi rõ nét hay phát triển mạnh về kinh tế nhưng điều đáng mừng là nhận thức của người dân đã có sự thay đổi.

Tuy nhiên, Nậm Pì vẫn là vùng đất khó, để học sinh và thầy cô có được môi trường giáo dục thuận lợi, tôi mong muốn sẽ được tăng cường về cơ sở vật chất cho các trường nuôi ăn học sinh bán trú: Nhà ở cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bếp - nhà ăn, nhà vệ sinh phù hợp, rào an ninh bảo vệ đảm bảo an toàn và phù hợp.

Cùng với đó, có chế độ chính sách linh hoạt, phù hợp hơn để hỗ trợ các thầy cô và các em học sinh, bởi với mô hình trường PTDTBT THCS, học sinh cũng ăn ở nội trú hoàn toàn trong cả kỳ học (các em học sinh còn nhỏ, thầy cô hoạt động cả 3 buổi trong ngày) như bậc học PTDTNT cấp THPT, nhưng chế độ chính sách khác nhau và thấp hơn ở nhiều mặt.

Đối với người dân, tôi mong muốn sẽ có những chính sách giảm nghèo bền vững và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân, địa phương một cách hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn (Trâm Anh, 0977..:

Dù trải dài các hoạt động hỗ trợ trường học từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng gần như những hoạt động trọng tâm của CLB Bạn thương nhau chủ yếu là ở Nam Trà My. Anh có thể chia sẻ điều gì khiến CLB gắn bó với vùng đất này lâu dài như vậy? Quay trở lại Nam Trà My nhiều lần, anh thấy có nhiều đổi thay ở vùng này hay không?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Chúng tôi may mắn được đến chia sẻ với nhiều địa phương, nhiều vùng đất, từ Quảng Bình, Quảng Trị… tới Quảng Ngãi, Kon Tum… Nhưng khá nhiều hoạt động được tổ chức ở Nam Trà My – 1 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Bởi vì sau khi đi nhiều nơi, thì Nam Trà My vẫn là vùng đất nhiều khó khăn nhất, đây là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, dẫn đến những dịch vụ về y tế, giáo dục, giao thương… còn nhiều khoảng cách với dưới xuôi.

Sau hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên đến với Nam Trà My, vùng đất này đã có rất nhiều thay đổi, cuộc sống người dân đã dần khởi sắc hơn, tuy nhiên, cần phải có nhiều nguồn lực hơn nữa, để phát triển kinh tế - xã hội và các ngành khác.

Điểm trường Tắk Rối được CLB Bạn thương nhau vận động kinh phí xây dựng kiên cố lần thứ 2 sau trận lũ quét năm 2020.

Điểm trường Tắk Rối được CLB Bạn thương nhau vận động kinh phí xây dựng kiên cố lần thứ 2 sau trận lũ quét năm 2020.

Bạn đọc

Bạn matbiec...@gmail.com:

Gìn giữ văn hóa của người dân tộc là vấn đề được nhà nước, người dân quan tâm thời gian qua. Trường Nậm Pì đã có những hoạt động gì để giúp các em giữ gìn và tự hào về văn hóa truyền thống, thưa thầy?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Tiết mục văn nghệ với trang phục truyền thống của đồng bào Mảng.

Tiết mục văn nghệ với trang phục truyền thống của đồng bào Mảng.

Nhà trường đứng chân trên địa bàn bản Nậm Pì, 100% học sinh là người dân tộc nên hoạt động giữ gìn giữ văn hóa của người dân tộc là vấn đề được nhà trường, người dân luôn quan tâm.

Việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống được nhà trường lồng ghép thông qua tuyên truyền trong các giờ học chính khóa, tiết học trải nghiệm đầu tuần, qua các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian do chính các em học sinh thực hiện.

Hiện, nhà trường giao cho thầy Tổng phụ trách đội hướng dẫn các bạn nữ sinh lớp 9 thêu dây đai lưng, tấm bó bắp chân và tạo ra các bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Mảng.

Những sản phẩm đó khi hoàn thành sẽ được các em giao tặng trưng bày trong phòng truyền thống của liên đội vào tháng 5 tới. Đó sẽ là món quà lưu niệm trước khi các bạn chia tay mái trường thân yêu nhưng cũng đồng thời giáo dục các em học sinh lớp sau những giá trị văn hóa cần gìn giữ.

Bạn đọc

Bạn thuyht79….@gmail.com:

Đối với vùng cao, việc tìm sân chơi cho trẻ, học sinh gặp phải những khó khăn gì? Nhà trường đã có những giải pháp gì để giúp học sinh có sân chơi lành mạnh, bổ ích?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Giao lưu trực tuyến 'Kết nối yêu thương' ảnh 19

Đối với vùng cao Nậm Pì việc tìm kiếm sân chơi cho trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn. Thông thường, trẻ thường đến trường hoặc các nhà văn hóa thôn bản để vui chơi.

Có thể thấy, thực tế hiện nay trẻ em ở khu vực vùng cao nói riêng và trẻ em trên địa bàn huyện Nậm Nhùn nói chung rất cần những sân chơi an toàn, bổ ích giúp các em có đầy đủ điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh trong những ngày hè.

Để có một sân chơi như thế và tạo nên một xã hội học tập lành mạnh trên địa bàn xã cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Then chốt là các hoạt động giáo dục và rèn luyện tại 3 nhà trường với 3 cấp học từ mầm non đến bậc THCS. Trong đó đội ngũ các thầy cô giáo là nòng cốt, đóng vai trò người hướng dẫn, dẫn dắt học sinh. Các em học sinh là người chủ động trong các hoạt động giáo dục, học tập và rèn luyện.

Đối với nhà trường, chúng tôi đã cố gắng tạo mọi điều kiện để các em được tham gia các sân chơi bổ ích được tổ chức tại nhà trường, địa phương, ngành tổ chức như: Hội thao, hội thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao… Các em cũng được học mà chơi trong các tiết học chính khóa và ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm theo chương trình GDPT 2018.

Bạn đọc

Bạn Phong Việt, Khánh Hòa:

Tôi rất ấn tượng với chương trình Mang Tết lên núi. Xuất phát từ đâu mà nhiều năm liền, CLB Bạn thương nhau duy trì chương trình này. Kêu gọi kinh phí hỗ trợ ở thời điểm giáp Tết có khó không, thưa anh?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Cảm ơn bạn! Trước đây, chương trình mang tên là “Én nhỏ vùng cao”. Sau này đổi lại là “Mang tết lên núi”, đây là một chương trình đi thăm và tặng quà cho bà con dân bản, thầy cô và các em học sinh, và cả các đồn biên phòng ở vùng biên, vùng sâu nhân dịp Tết đến xuân về. Với mục đích là động viên tinh thần cho các anh bộ đội, các thầy cô nơi xa xôi hẻo lánh, để các anh bộ đội/thầy cô giáo biết rằng cộng đồng vẫn luôn ở bên, dù khoảng cách địa lý là rất xa xôi.

Mặt khác, qua hoạt động này, chúng tôi vẫn hướng về giáo dục, động viên các gia đình dân bản và các em nhỏ phải đến trường đi học. Đồng thời, mang hương vị Tết dưới xuôi, lên chia sẻ với mọi người trên núi, để các em học sinh đồng bào biết được văn hóa Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam ta, trang trí điểm trường cho thầy cô giáo vui hơn, gắn bó hơn.

Học sinh một điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia chuẩn bị cho chương trình Mang tết lên núi.

Học sinh một điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia chuẩn bị cho chương trình Mang tết lên núi.

Về kêu gọi kinh phí thời điểm giáp Tết là không khó. Khi mà chương trình tạo ra một không gian Tết thật đẹp nơi vùng cao, và những món quà được trao đến tận tay các em nhỏ. Các anh chị mạnh thường quân luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn Thuyvy - Lai Châu:

Học sinh THCS, đa phần trở thành lực lượng lao động chính trong nhà. Giáo viên thường vất vả trong việc vận động trò ở lại lớp, nói không với các hủ tục lạc hậu. Thầy cô Trường Nậm Pì có đối diện với tình trạng trên? Nhà trường có những giải pháp gì để khơi dậy hứng thú đến lớp cho học sinh?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Những món quà động viên học sinh nghèo vượt khó là động lực để các em đến trường đông đủ.

Những món quà động viên học sinh nghèo vượt khó là động lực để các em đến trường đông đủ.

Ở nhiều cấp học từ thấp đến cao chứ không chỉ đối với bậc học Trung học cơ sở như cúng ma, cấm bản, làm ma, làm lý, cưới xin… Cùng với đó là các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của đồng bào đã ảnh hưởng tới việc đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, đặc biệt là ngày lễ, ngày sinh hoạt tôn giáo… Trường PTDTBT THCS Nậm Pì cũng chịu những ảnh hưởng tương tự.

Trước thực trạng đó, nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng tới các bậc phụ huynh về công tác giáo dục. Chỉ ra hậu quả của việc các gia đình cho con em nghỉ học. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động có tính tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao…

Sản phẩm chăn nuôi được nhà trường bổ sung cho bữa ăn bán trú của học sinh.

Sản phẩm chăn nuôi được nhà trường bổ sung cho bữa ăn bán trú của học sinh.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với các trường bạn. Các hoạt động thi gói bánh giầy, cỗ Tết, cỗ Trung thu,… Qua đó, tạo cho các em sự nhanh nhẹn, linh hoạt, tính quyết đoán, tự tin và tinh thần tập thể.

Đồng thời, nhà trường tổ chức trồng rau, chăn nuôi cho các em học sinh theo từng lớp, theo kế hoạch của Liên đội. Nhờ đó, vừa tạo nguồn kinh phí để các lớp, liên đội tổ chức các hoạt động, vừa giúp học sinh thi đua lẫn nhau, rèn luyện được các kỹ năng lao động, vừa rèn luyện sức khỏe.

Bạn đọc

Bạn buinhulich…@gmail.com:

Ngoài dự án, chương trình cần kinh phí để duy trì lâu dài như Bữa cơm miền núi, Đi học trên núi, CLB Bạn thương nhau cũng có những hoạt động kết nối giữa nhà hảo tâm và học sinh như Gala Đi học trên núi, viết thư gửi người bảo trợ và ngược lại. Những hoạt động này hỗ trợ như thế nào cho việc vận động và duy trì quỹ?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Những hoạt động này mang tính kết nối mạnh thường quân với các em học sinh và thầy cô giáo được “gần” lại với nhau. Các mạnh thường quân có thể thăm hỏi, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống, thấu hiểu và cảm được cuộc sống của các em hơn, từ đó gắn bó hơn, tạo được sợi dây tình cảm giữa các bên và hỗ trợ lâu dài hơn cho các em.

Các em học sinh tham gia dự án Đi học trên núi giao lưu với các Mạnh thường quân trong Gala Đi học trên núi, tổ chức trước Tết Nguyên đán 2023.

Các em học sinh tham gia dự án Đi học trên núi giao lưu với các Mạnh thường quân trong Gala Đi học trên núi, tổ chức trước Tết Nguyên đán 2023.

Bạn đọc

Bạn Phương Viễn :

Được biết, Nậm Pì có đồng bào Mảng sinh sống, đây là một trong những dân tộc đặc biệt ít người. Vậy cuộc sống của đồng bào Mảng ở đây như thế nào, thưa thầy?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Trên địa bàn xã Nậm Pì có tới 6 bản có đồng bào Mảng sinh sống. Đây là dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, trình độ dân trí còn thấp, thu nhập kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy 1 vụ.

Địa bàn sinh sống của đồng bào Mảng phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, ít ruộng nương. Chính vì vậy, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách ưu tiên của nhà nước, không chịu lao động dẫn đến những khó khăn, thiếu thốn nhất định trong đời sống kinh tế của đồng bào Mảng.

Thầy Thanh tâm sự với em Sìn Thị Đinh, nữ sinh người Mảng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Thầy Thanh tâm sự với em Sìn Thị Đinh, nữ sinh người Mảng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và nhà nước, ở các bản người Mảng sinh sống đã nổi lên các tấm gương làm ăn kinh tế khá phát triển tại bản Nậm Vời, bản Pá Bon. Họ mạnh dạn đầu tư cho sản xuất đi đôi với đầu tư cho con em đi học theo các cấp học, đi làm công nhân cho các công ty dưới miền xuôi. Từ đó có nguồn thu nhập, tích lũy làm giàu chính đáng cho gia đình.

Việc nhận thức được vai trò của học tập cho con em đi học của đồng bào Mảng đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Một số học sinh người Mảng của nhà trường đã nỗ lực học tập và đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cùng với đó, Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh cấp THCS người dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn giai đoạn 2019 - 2025 được triển khai.

100 học sinh người Mảng được đưa về trường THCS thị trấn Nậm Nhùn học tập. Với môi trường giáo dục chất lượng, đã tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, về kỹ năng sống, hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó, từng bước tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho các trường cấp THPT, Dân tộc nội trú và hướng tới tạo nguồn cán bộ là người Mảng cho địa phương.

Bạn đọc

Bạn Phan Thiết, 0983…:

Để điều phối hoạt động của Dự án Đi học trên núi, CLB Bạn thương nhau cần nhiều nhân sự không ạ? Các bạn trẻ như chúng em có thể tham gia dự án?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Dự án “Đi học trên núi” hoạt động nhờ vào sự điều phối của các thành viên CLB Bạn Thương Nhau, hiện đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng; đồng thời vận hành dự án thông qua Mạng lưới các thầy cô giáo tại các trường học. Hàng tháng các thầy cô sẽ nhận tiền từ dự án, và mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm… trợ lực cho các em và gia đình, trao quà hàng tháng.

Sắp tới, nếu số lượng các em học sinh và mạnh thường quân tham gia hỗ trợ tăng lên nhiều, phạm vi mở rộng ra các tỉnh thành khác, chắc phải nhờ các bạn tham gia tình nguyện viên để hỗ trợ điều phối dự án. Cảm ơn bạn!

Bạn đọc

Bạn Thu Cúc - Nậm Pi:

Chương trình Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. Nhưng vẫn còn nỗi lo do học sinh và giáo viên bị giảm hoặc cắt tiền hỗ trợ. Địa phương tôi có tình trạng thầy cô phải theo trò về bản, mở lớp tại điểm trường cũ trước đó. Trường Nậm Pì có đối mặt với vấn đề này?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Chương trình Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê, trong đó có diện mạo, kinh tế tại nhiều bản của xã Nậm Pì. Điều này đã tác động, đổi thay tới nếp nghĩ của các bậc phụ huynh như quan tâm hơn tới cách ăn mặc, sinh hoạt của con em khi tới trường.

Thầy Cao Hồng Thanh trao đổi với học sinh nhà trường.

Thầy Cao Hồng Thanh trao đổi với học sinh nhà trường.

Thay vì đón con về nhà chơi vào các ngày cuối tuần, thì nay đã có một số ít phụ huynh đến thăm con tại nhà trường… Nên đối với trường PTDTBT THCS Nậm Pì, đó là những điều đáng mừng, đáng ghi nhận từ hiệu quả đem lại của chương trình Nông thôn mới.

Tuy nhiên, Nậm Pì hiện chưa được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới mà vẫn còn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Do đó, các chế độ của giáo viên và học sinh vẫn được đảm bảo. Không có tình trạng thầy cô phải theo trò về bản, mở lớp tại điểm trường cũ.

Bạn đọc

Bạn hothinhan@gmail.com:

Dự án Đi học trên núi có giới hạn số học sinh thụ hưởng hay không? Dự án sẽ kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức qua từng năm hay có quỹ hoạt động dài hạn? 
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Ngoài kêu gọi ủng hộ vào quỹ chung để điều phối, Dự án Đi học trên núi kêu gọi, kết nối các Mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh qua từng năm.

Ngoài kêu gọi ủng hộ vào quỹ chung để điều phối, Dự án Đi học trên núi kêu gọi, kết nối các Mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh qua từng năm.

Dự án Đi học trên núi không giới hạn số học sinh thụ hưởng. Có 2 phương thức đóng góp cho dự án: ủng hộ vào quỹ chung để Đi học trên núi điều phối hoặc nhận hỗ trợ lâu dài theo từng địa chỉ cụ thể. Trong đó, dự án kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ các em qua từng năm, và đã có một số mạnh thường quân cam kết sẽ hỗ trợ các em lâu dài, cho đến khi các em hết cấp học. Tuy nhiên, số lượng học sinh thụ hưởng từ dự án phụ thuộc vào số lượng mạnh thường quân tham gia hỗ trợ qua từng năm. Dự án kỳ vọng các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ lâu nhất có thể.

Bạn đọc

Bạn Hồ Văn Hùng, Nam Trà My, Quảng Nam, Thùy Trang, 090567…:

Để tham gia hưởng thụ Dự án đi học trên núi của CLB Bạn thương nhau, học sinh có cần sự giới thiệu của thầy cô giáo không ạ?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Dự án “Đi học trên núi” là chương trình hỗ trợ các em nhỏ mồ côi, đặc biệt khó khăn ở các vùng núi, giúp các em kéo dài việc học, không bỏ học giữa chừng (tình trạng các em bỏ học ở vùng cao khá là nhiều).

Danh sách học sinh các trường tham gia dự án cần có sự giới thiệu bằng văn bản của Trường, có chữ ký và con dấu của BGH Nhà trường, với thông tin cụ thể về hoàn cảnh học sinh. Vì đối tượng thụ hưởng là các em phải đang đi học.

Một số hình ảnh trao quà hàng tháng cho học sinh tham gia dự án Đi học trên núi của CLB Bạn thương nhau

Một số hình ảnh trao quà hàng tháng cho học sinh tham gia dự án Đi học trên núi của CLB Bạn thương nhau

Ngoài xét hoàn cảnh gia đình thì học sinh tham gia Đi học trên núi chỉ đáp ứng một điều kiện duy nhất là các em không được nghỉ học giữa chừng.

Mỗi tháng, một học sinh sẽ nhận hỗ trợ 500.000 đồng/em. Số tiền này sẽ do các thầy cô giáo mua sắm giúp cho em những vật dụng cần thiết, hoặc thực phẩm, tùy vào từng hoàn cảnh gia đình hoặc nhu cầu của từng em. Như Pơ Loong Đạt (huyện Đông Giang, Quảng Nam) tháng nào cũng dành tiền học bổng để phụ giúp mẹ mua thuốc chữa bệnh. Mẹ của Đạt bị bị phù thận nặng, chỉ ở nhà không thể làm nương rẫy gì được, hàng tháng đếu phải xuống bệnh viện huyện lấy thuốc nhưng tiền xe cũng không có.

Bạn đọc

Bạn Tuấn Hùng:

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục ở vùng khó như Nậm Pì được nhà trường triển khai và đạt những kết quả nào?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa là một hoạt động khá khó khăn của nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường đã linh hoạt trong công tác kêu gọi các nhà từ thiện, nhà hảo tâm giúp đỡ nhà trường như tặng toàn bộ Sách giáo khoa theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh khối lớp 6, 7; Tặng áo rét, chăn ấm cho học sinh bán trú; Vật liệu xây dựng để mở rộng diện tích sân chơi cho học sinh.

Học sinh được hỗ trợ xe đạp từ Chương trình "Cùng em tới lớp".

Học sinh được hỗ trợ xe đạp từ Chương trình "Cùng em tới lớp".

Cùng với đó, nhà trường cũng huy động từ nguồn tài trợ để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tập thể tại nhà trường như Tết Trung thu, Ngày Nhà giáo Việt Nam…

Những món quà từ các hoạt động xã hội hóa mặc dù chưa nhiều nhưng đã phần nào đem lại hiệu quả tích cực cho hoạt động giáo dục của nhà trường. Tạo động lực cho học sinh và giáo viên nhà trường tiếp tục cố gắng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ học sinh và nhà trường vượt qua những khó khăn, thiếu thốn. Đồng thời mong muốn chính quyền các cấp sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho giáo dục vùng khó nói chung và trường PTDTBT THCS Nậm Pì nói riêng.

Bạn đọc

Bạn linhngoc.......@mail.com:

Hiện chế độ hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định 116 đồng đều cho trẻ các cấp trong khi thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi lứa tuổi mỗi khác. Là trường liên cấp, trường tôi linh động giải quyết vấn đề trên. Ban giám hiệu Trường Nậm Pì có giải pháp gì?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Học sinh bán trú tăng gia trồng rau để bổ sung thêm thực phẩm.

Học sinh bán trú tăng gia trồng rau để bổ sung thêm thực phẩm.

Độ tuổi học sinh THCS là thời kỳ cơ thể đang phát triển nhanh, vận động nhiều, cường độ học tập cao hơn nên nhu cầu dinh dưỡng khá cao. Tuy nhiên, về chế độ hỗ trợ của các em mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu về nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi.

Nhà trường đã khắc phục bằng nhiều cách nhằm hạn chế việc giảm số tiền ăn trung bình trong một ngày của học sinh để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em. Nếu như bình thường, phải trích tiền mua củi để đun nấu từ tiền ăn của học sinh thì hiện tại, nhà trường đã tự túc nguồn củi đun đó bằng việc cho học sinh đi lấy củi ở khu vực gần trường hay phụ huynh đóng góp củi.

Bên cạnh đó, nhà trường đã hướng dẫn học sinh tăng gia trồng rau, chăn nuôi để bổ sung nguồn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú của mình.

Bạn đọc

Bạn Kim Oanh, Quảng Nam:

Xin anh cho biết kinh nghiệm khi triển khai các công trình xây dựng xóa trường tạm ở các điểm trường vùng sâu vùng xa? Trong quá trình vận động kinh phí, các anh có tính luôn kinh phí vận chuyển vật liệu hay không, vì địa hình miền núi rất hiểm trở, các điểm trường lẻ thì thường phải đi bộ hoặc vận chuyển bằng xe máy là chủ yếu.
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Ban đầu chúng tôi cũng bị vấn đề kinh phí vận chuyển làm cho đau đầu, bởi nó chiếm phần không nhỏ trong tổng kinh phí xây trường. Sau này khi có kinh nghiệm, chúng tôi bắt buộc phải tính luôn chi phí vận chuyển vật liệu. Thật ra, đây là số tiền mà chúng ta bồi dưỡng thêm cho bà con, người dân ở đấy tham gia vận chuyển vật liệu, chứ nếu tính tiền công sòng phẳng thì sẽ rất cao.

Về kinh nghiệm thì có vài điều mình muốn chia sẻ: phải kêu gọi được nguồn kinh phí đủ lớn, vì xây dựng trường kiên cố; thứ 2 là phải tạo được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và bà con đồng bào ở đó, khi cần sẽ có sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng này; thứ 3 là đội thợ thi công cần phải nhiệt huyết (bên cạnh hợp đồng chặt chẽ rõ ràng), thì cần phải có cái Tâm trong các công trình như thế này; thứ 4 là chúng ta phải thường xuyên bám công trình, để công trình thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Bạn đọc

Bạn thuybi.... @gmail.com:

Học sinh cận nghèo, nghèo và dân tộc thiểu số nơi tôi công tác được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước. Vậy ở Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, học sinh được hưởng chế độ gì?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Được sự quan tâm của nhà nước đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh học tại trường PTDTBT THCS Nậm Pì được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP là 596 nghìn đồng và 15kg gạo mỗi tháng trên 9 tháng thực học.

Ngoài ra, học sinh người Mông của nhà trường còn được hưởng chế độ Hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, trong 9 tháng học, các em sẽ được hưởng 150 nghìn đồng mỗi tháng.

Số lượng gạo hỗ trợ học sinh bán trú mới tiếp nhận ngày 10/4.

Số lượng gạo hỗ trợ học sinh bán trú mới tiếp nhận ngày 10/4.

Đối với học sinh người Mảng, là một trong những dân tộc rất ít người, các em được hưởng chế độ theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP. Theo đó, mỗi tháng học sinh sẽ được hưởng 894 nghìn đồng và 15 kg gạo.

Để đảm bảo chế độ ăn bán trú, học sinh người Mảng sẽ đóng góp số tiền ăn bằng chế độ của Nghị định 116 là 596 nghìn đồng. Số tiền còn lại, nhà trường chi trả cho các em và được phụ huynh ký nhận.

Bạn đọc

Bạn anhnguyetphan@...:

Mô hình Bữa cơm vùng cao của CLB Bạn thương nhau hiện được triển khai tại những địa phương nào? Trường tôi có một số học sinh khó khăn. Điều kiện để các điểm trường đăng ký tham gia chương trình là như thế nào vậy anh?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Bữa cơm miền núi tại điểm trường Trăng - Tà Puồng (Quảng Trị).

Bữa cơm miền núi tại điểm trường Trăng - Tà Puồng (Quảng Trị).

Mô hình Bữa cơm vùng cao của CLB Bạn thương nhau hiện được triển khai tại 8 điểm trường vùng núi của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chương trình Bữa cơm vùng cao đã đi vào hoạt động được 9 năm, từ năm 2014 cho đến nay. Đây là chương trình hỗ trợ thêm cho các bạn nhỏ vùng núi được có những bữa ăn tươm tất hơn, có chất hơn. Do có những em học sinh nhà rất khó khăn, đi học bọc cơm trắng theo trong những bao ni lông, đến lớp ăn trưa chỉ có muối, và rau rừng. “Bữa cơm miền núi” sẽ hỗ trợ các em có lát thịt lát cá bổ sung…

“Bữa cơm miền núi” sẽ hỗ trợ đối với các điểm trường:

- Các điểm trường lẻ (tại thôn bản, không phải là điểm trường trung tâm xã, vì ở trung tâm xã đã có nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền và các CLB đội nhóm khác);

- Các điểm trường mà học sinh chưa được hưởng chế độ từ địa phương, chưa có chế độ ăn trưa; hoặc có chế độ nhưng không đủ chi phí cho một bữa ăn đủ chất;

- Phải có sự đồng ý tham gia nấu ăn, chăm lo các em từ các thầy cô giáo đứng điểm, và cam kết lo cho các em bữa ăn này;

- Các bữa ăn phải có hình ảnh báo cáo qua từng tuần.

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Với trẻ nhà cách xa trường, ban giám hiệu và thầy cô có giải pháp gì để giữ chân học trò? Xin thầy chia sẻ cách làm hay để đồng nghiệp học tập.
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Như đã nói, trường THCS Nậm Pì có 219 học sinh, trong đó có 200 em ở bán trú. Những em học sinh bán trú đa phần là nhà xa trường. Có những em nhà cách trường khoảng trên 30 km.

Để giữ chân học trò, theo tôi điều trước tiên phải làm tốt công tác bán trú. Các em ăn, ở, học tập và sinh hoạt tại trường một cách thoải mái sẽ là động lực để giữ các em ở lại trường lớp.

Bữa ăn bán trú của học sinh trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Bữa ăn bán trú của học sinh trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục của nhà trường cũng rất quan trọng. Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, mỗi giáo viên phải tự biết đổi mới phương pháp để khơi gợi hứng thú cho học sinh.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao để thu hút các em tham gia.

Bạn đọc

Bạn hienpham.... @gmail.com:

Giao thông chưa thuận tiện, kinh tế khó khăn khiến tôi băn khoăn muốn hỏi việc huy động trò ra lớp được trường triển khai ra sao?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Là xã đặc biệt khó khăn, giao thông ở Nậm Pì dù đã được đầu tư nhưng nhiều tuyến đường đã xuống cấp. Cùng với đó, nhiều tuyến đường liên bản, xã vẫn còn là đường đất khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thời điểm huy động học sinh ra lớp sau nghỉ hè thường vào mùa mưa nên phương án đi bộ là khả thi.

Bên cạnh đó, trường đóng chân trên địa bàn bản Nậm Pì, cách trung tâm xã 15 km nên khó khăn cho việc học sinh di chuyển tới trường. Có những bản xa nhất cách nhà trường trên 30km, việc giáo viên đến tận bản vận động học sinh gặp nhiều khó khăn.

Học sinh bán trú của trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Học sinh bán trú của trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Để huy động học sinh ra lớp, nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm trực tiếp xuống các thôn, bản để tuyên truyền, vận động. Sau mỗi đợt nghỉ lễ, Tết hay nghỉ hè, học sinh thường có tâm lý ngại đến trường, khi đó, giáo viên nhà trường phải phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã và thôn bản để đến vận động học sinh trước ngày tựu trường.

Khi đến trường, nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cùng các hoạt động giáo dục khơi gợi hứng thú cho học sinh. Từ đó, các em phấn khởi và đến trường đông đủ hơn.

Bạn đọc

Bạn Trọng Hùng, 0914…:

Với quan điểm "Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay", CLB đã hỗ trợ xây dựng kiên cố được bao nhiêu điểm trường lẻ ở vùng khó?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Tính đến hiện tại CLB Bạn thương nhau đã kết nối cộng đồng để xây dựng nên 16 điểm trường ở những vùng sâu vùng xa của Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong đó có điểm trường Tắk Rối (Trà Tập, Quảng Nam), chúng tôi phải vận động kinh phí xây dựng lần thứ 2. Tháng 10/2020, thầy trò ở điểm trường phải học nhờ tại nhà dân sau cơn lũ quét kinh hoàng làm sập hẳn một phòng học.

Điểm trường Trà Cương (Quảng Ngãi) năm 2016, trước thời điểm CLB Bạn thương nhau triển khai xây dựng.

Điểm trường Trà Cương (Quảng Ngãi) năm 2016, trước thời điểm CLB Bạn thương nhau triển khai xây dựng.

Điểm trường Trà Cương (Quảng Ngãi) được CLB Bạn thương nhau kêu gọi xây dựng đưa vào sử dụng từ tháng 8 2016 cho đến nay.

Điểm trường Trà Cương (Quảng Ngãi) được CLB Bạn thương nhau kêu gọi xây dựng đưa vào sử dụng từ tháng 8 2016 cho đến nay.

Một năm trước đó, điểm trường Tắk Rối đã được xây dựng kiên cố từ nguồn vận động với khoảng 570 triệu đồng của CLB Bạn thương nhau. Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm Mạnh thường quân hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập.

800 triệu đồng được huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2 từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, là sự tiếp sức rất lớn cho thầy trò nơi đây và cũng là động lực cho CLB Bạn thương nhau tiếp tục các hoạt động thiện nguyện. Đây là thành quả của sự chung tay cả cộng đồng chứ không riêng gì của CLB hay cá nhân ai.

Bạn đọc

Bạn lanngoc... @gmail.com:

Đời sống còn khó khăn, mức độ quan tâm của phụ huynh đối với việc học hành của con em như thế nào, thưa thầy? Nhà trường có giải pháp gì để phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Tiết học của thầy trò trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Tiết học của thầy trò trường PTDTBT THCS Nậm Pì.

Với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân về giáo dục còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, phụ huynh vẫn ít quan tâm đến việc học hành của con.

Việc chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập cho con em dường như không có. Đa phần các phụ huynh chỉ biết gửi con em đến trường vào đầu tuần và đón con cuối tuần. Việc chăm sóc, học tập của học sinh chủ yếu từ phía thầy cô.

Để phát huy vai trò của phụ huynh, gia đình trong việc giáo dục học sinh, nhà trường thường xuyên mở các đợt họp phụ huynh định kỳ, đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh nhận thức được và hiểu rõ vai trò trong việc đồng hành cùng nhà trường để giáo dục trẻ;

Đồng thời, thường xuyên liên lạc với phụ huynh thông tin về tình hình học sinh tại trường để gia đình biết và phối hợp trong giáo dục các em.

Bạn đọc

Bạn Lan Anh, Quảng Ngãi:

Điểm trường đầu tiên mà CLB Bạn thương nhau chọn để xây dựng kiên cố là điểm trường nào? Sau đó, các anh có quay trở lại hỗ trợ gì thêm cho thầy cô và học sinh ở điểm trường này không ạ? 
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Điểm trường đầu tiên là điểm trường Nước Ui – xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khởi công từ ngày 10/4/2013. Việc xây dựng điểm trường này là rất gian nan, bởi lúc đó giao thông còn rất khó khăn, và là công trình đầu tiên trên núi, chưa có kinh nghiệm, và cũng chưa biết trên núi như thế nào. Nhưng rồi, vượt qua khó khăn, cuối cùng thì cũng xong, điểm trường được khánh thành ngày 08/6/2013.

Sau này, cứ 2-3 năm, chúng tôi lại quay lại thăm và có nhiều hoạt động hỗ trợ thầy cô và các em như: Tủ sách vùng cao, Bữa cơm miền núi, Mang Tết lên núi, Sữa vùng cao… Điểm trường này giờ rất khang trang, có sân chơi, mái hiên và khu nhà ăn rất đẹp. Điểm trường cũng được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng của người dân vùng Nước Ui.

Bạn đọc

Bạn trantrunghung@gmail.com:

Được biết, CLB Bạn thương nhau chuyển hướng từ chủ yếu là hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho học sinh như bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, áo quần sang xây trường học ở các điểm trường lẻ vùng cao. Tại sao có sự chuyển hướng này?
Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam

Ông Nguyễn Bình Nam - Kỹ sư điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung, TP Đà Nẵng

Ông Nguyễn Bình Nam - Kỹ sư điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung, TP Đà Nẵng

CLB Bạn Thương Nhau thành lập vào năm 2010, ban đầu cũng chỉ hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho các địa chỉ khó khăn quanh TP Đà Nẵng, sau đó mở rộng ra các hoạt động đi thăm và tặng quà cho bà con và trẻ em khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên năm 2012, sau 1 chuyến đi, chúng tôi vô tình bắt gặp hình ảnh 1 lớp học bên triền núi ở huyện Nam Trà My, lớp học tạm bợ, mái tôn gỉ sét dột nát, nền đất đỏ mưa xuống bùn sình nhão nhoẹt, vách gỗ thì hở gió lùa… rất tạm bợ. Cô giáo kể: mưa xuống mái tôn thì ồn ào dạy chẳng nghe được, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh cắt da…

Hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh với chúng tôi, và khi về dưới thành phố, anh em có ngồi lại bàn, làm thế nào để xây 1 phòng học kiên cố thay cho lớp học tạm bợ đó. Và như một cơ duyên, từ điểm trường đầu tiên này (điểm trường Nước Ui – xã Trà Mai, Nam Trà My, khánh thành 08/6/2013), chúng tôi chuyển hẳn sang công việc kêu gọi xây trường ở những vùng núi khó khăn, bởi chúng tôi nghĩ: chỉ có giáo dục, chỉ có con chữ mới giúp cho các em, bà con lâu bền nhất, chính các bạn nhỏ sẽ là người thay đổi vùng đất khó khăn đó ngày một vươn lên.

Bạn đọc

Bạn quevo.....@gmail.com:

Đóng chân tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, thầy có thể khái quát những khó khăn của địa phương, nhà trường?
Thầy Cao Hồng Thanh

Thầy Cao Hồng Thanh

Một góc bản Nậm Pì, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

Một góc bản Nậm Pì, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

Nậm Pì là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm nhùn, được tách ra từ xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ. Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, địa bàn dân cư rải rác.

Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông và Mảng. Trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao so với các xã trong huyện. Hiện trên địa bàn có 622 hộ thì có 391 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ là 62,7% và 60 hộ cận nghèo.

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS xã Nậm Pì.

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS xã Nậm Pì.

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy một vụ. Các ngành nghề kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, doanh thu thấp đang dần hình thành ở điểm trung tâm xã.

Năm học này, nhà trường có 219 học sinh, 100% đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà trường đặt ở bản Nậm Pì, cách xa trung tâm xã, không có chợ nên việc mua sắm hàng hóa, thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thầy cô đa phần ở xa, khoảng cách và thời gian di chuyển đến trường rất vất vả. Cùng với việc bất đồng về ngôn ngữ giữa thầy và trò, công tác giáo dục của Nậm Pì cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các trường mầm non và tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ