Ấm lòng học sinh vùng khó dịp Tết

GD&TĐ - Những điểm trường mà thầy cô đứng ra nhận tổ chức liên hoan cuối năm cho học sinh đều nằm ở những thôn xa trung tâm, đi lại khó khăn...

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) nhận quà Tết là áo ấm từ câu lạc bộ Bạn thương nhau.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) nhận quà Tết là áo ấm từ câu lạc bộ Bạn thương nhau.

Ngoài bữa liên hoan vào ngày học cuối trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh một số điểm trường lẻ ở những bản làng heo hút các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… còn được gói bánh chưng, bánh ú sừng trâu để mang về góp Tết cùng gia đình. Mỗi em còn nhận được một bao lì xì.

Tết ấm vùng cao

Trước khi tổ chức chương trình tất niên cho học sinh điểm trường Tu Gia, cô Nguyễn Thị Thu Ba, dạy lớp ghép 1 - 2 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) và cô Hồ Thị Nhung, giáo viên đứng điểm thuộc Trường Mầm non Phong Lan đã cùng với trưởng nóc tổ chức họp phụ huynh.

Hai cô nhận trách nhiệm xuống trung tâm xã mua gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh và một số đồ để làm cây đào, cây mai trang trí Tết. Những phụ huynh trong nóc đi cắt lá dong, chẻ củi, cùng tham gia nấu bánh. Ngoài bộ quần áo mới được tặng để diện Tết, các em học sinh điểm trường Tu Gia còn có bữa “tiệc ngọt” liên hoan cuối năm với bánh kẹo và trà sữa.

Em Hồ Hoàng Bảo Tôn lúng túng khi lần đầu tiên được trải nghiệm gói bánh chưng. Chiếc bánh đầu tiên của Tôn trở thành hình tam giác thay vì hình vuông như cô giáo hướng dẫn. Cô Thu Ba tận tình chỉ lại cho Tôn và các bạn từ cách đong nếp, đặt nhân bánh, gói lá rồi buộc lạt, cách giữ tay ở mép lá để không bị bung ra khi chưa được buộc chặt. Em Hồ Thị Phượng Hằng cùng các bạn nữ thì loay hoay dán hoa mai vào cành cây khô để trang trí.

Ông Hồ Văn Tâm, trưởng nóc Tu Gia không giấu được sự phấn khởi chia sẻ: “Bà con vui như Tết luôn. Nóc nhà nào cũng được chia bánh chưng, bánh tét. Trẻ con thì lần đầu tiên được ngồi gói bánh chung với người già. Không mấy khi cả nóc cùng quây quần nấu bánh, canh nồi bánh bên bếp lửa như thế này. Vui lắm”. Những chiếc bánh đẹp nhất do cô giáo và tình nguyện viên cùng tham gia gói được chọn để học sinh đem quà về nhà.

Cô Ba cho biết, từ các nguồn hỗ trợ của một số nhà hảo tâm, 29 học sinh mầm non và tiểu học ở điểm trường Tu Gia đã được tổ chức một bữa tiệc tất niên, gợi nhớ không khí của ngày Tết cổ truyền. Mỗi em còn có một phong bao lì xì, được cô giáo giữ lại để trao vào ngày đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Năm nay, chương trình Đưa Tết lên núi của Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) tổ chức tại 24 điểm trường trải dài từ Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn thương nhau cho biết: “Cho dù đồng bào dân tộc thiểu số không có phong tục đón Tết Nguyên đán, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các em biết được thế nào là niềm vui nhận được tiền mừng tuổi, biết cảm giác ngồi canh lửa bên nồi bánh chưng sôi bập bùng, nghe những câu chuyện cổ tích, hát các bài hát truyền thống của dân tộc mình…”.

Giáo viên đứng lớp tại các điểm trường lẻ, nếu muốn tổ chức chương trình tất niên cho học sinh, thì đăng ký với câu lạc bộ để nhận kinh phí. Tùy vào số lượng học sinh và công việc thầy cô nhận như nấu ăn liên hoan, mua bánh kẹo, nước ngọt, hoặc gói bánh chưng… chi phí của mỗi điểm trường sẽ dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng. Một số điểm trường, ngoài sự tham gia của phụ huynh, còn có cả đoàn thanh niên cùng hỗ trợ học sinh gói bánh, nấu ăn liên hoan.

Không duy trì điểm trường lẻ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vài năm nay vẫn giữ thông lệ gói bánh chưng vào những ngày gần Tết. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường vẫn dành ra một khoản kinh phí để duy trì nồi bánh chưng cho học sinh. Niềm vui của trẻ nhỏ trong những ngày Tết đến Xuân về cần phải được gìn giữ, dù đơn giản chỉ là tấm bánh, manh áo mới.

Cô giáo và học sinh điểm trường Măng Di (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia gói bánh ú sừng trâu.

Cô giáo và học sinh điểm trường Măng Di (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia gói bánh ú sừng trâu.

Bức thư ngày cuối năm

Trong Gala cuối năm của chương trình Tết - Đi học trên núi được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, em Thúy vô cùng xúc động khi nhận lá thư tay từ một người chị đang học THPT mà em chưa gặp mặt.

Nội dung thư có đoạn: “Chị mong sẽ sớm được gặp em, một cô bé tốt bụng, chăm chỉ và thông minh. Chị biết học tập sẽ là một hành trình dài và vất vả nhưng quả ngọt nhận lại sẽ vô cùng xứng đáng. Chị hy vọng em cũng sẽ luôn phấn đấu, cố gắng trên con đường của chính mình. Tết đoàn viên sắp đến rồi, với sự hỗ trợ nho nhỏ từ chị và mọi người, chúc em sẽ có một cái Tết ấm áp cùng bạn bè và những người em yêu thương. Hãy nhớ vẫn luôn có mọi người kề bên em trên con đường học tập nhé”.

Lá thư được gửi từ gia đình nhận bảo trợ cho Thúy trong chương trình Đi học trên núi của câu lạc bộ Bạn thương nhau. Mỗi tháng, Thúy sẽ nhận được 500 nghìn đồng và thời hạn trong 12 tháng, chỉ với một điều kiện duy nhất là không được bỏ học. Số tiền này sẽ do các thầy cô giáo mua giúp cho em những vật dụng cần thiết, hoặc thực phẩm, tùy vào từng hoàn cảnh gia đình hoặc nhu cầu của từng em.

Như Pơ Loong Đạt (huyện Đông Giang, Quảng Nam) tháng nào cũng dành tiền học bổng để phụ giúp mẹ mua thuốc chữa bệnh. Mẹ của Đạt bị bị phù thận nặng, chỉ ở nhà không thể làm nương rẫy gì được, hàng tháng đều phải xuống bệnh viện huyện lấy thuốc nhưng tiền xe cũng không có.

Hơn 100 học sinh được chương trình Đi học trên núi nhận bảo trợ đều có hoàn cảnh mồ côi, chỉ còn mẹ hoặc ba, thậm chí không có cả ba lẫn mẹ, ở nhờ với gia đình người thân hoặc ông bà cưu mang. Đây là tấm vé giúp học sinh bám trường, bám lớp, không phải nghỉ học để sớm mưu sinh, phụ giúp kinh tế cho gia đình.

Gala “Tết – Đi học trên núi” là dịp để tăng sự gắn kết và gần gũi hơn giữa các nhà bảo trợ và những học sinh mồ côi khó khăn tham gia thụ hưởng chương trình. Ngoài áo ấm, học sinh còn nhận được một suất quà Tết gồm có bánh kẹo, hạt dưa, mứt, dầu ăn… Dù Tết Nguyên đán không phải là Tết chính của đồng bào, nhưng sự giao lưu văn hóa cũng đã có nên các em cũng đến nhà nhau chơi. Suất quà sẽ giúp cho mỗi gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm không khí Xuân.

Tết ghé qua những điểm trường lẻ heo hút ở trên những đỉnh núi cao của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi với những cành đào, cành mai từ chính tay phụ huynh và học sinh trang trí.

Tết ghé qua những điểm trường lẻ heo hút ở trên những đỉnh núi cao của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi với những cành đào, cành mai từ chính tay phụ huynh và học sinh trang trí.

Ngăn dòng bỏ học

Ngay từ đầu tháng Chạp, thầy cô giáo đang dạy học ở các trường miền núi cao đã bắt đầu “chiến dịch” vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay lo Tết cho học sinh. Gần gũi với học sinh, giáo viên chính là người nắm rõ nhất hoàn cảnh gia đình của từng em, biết em nào có “nguy cơ” sẽ nghỉ học để đi làm rẫy, bứt đót, hái lá dong. Làm sao để gánh nặng mưu sinh không ảnh hưởng đến học sinh là bài toán quan trọng để giữ chân các em ở lại trường học.

Những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) đã được hỗ trợ 1 triệu đồng từ các nguồn ủng hộ. Dự kiến, gần sát ngày nghỉ Tết, các em sẽ được nhận thêm khoảng 500 nghìn đồng. Vào dịp Tết, bằng các nguồn vận động, hơn 150 học sinh được nhà trường đều được nhận hỗ trợ. Sự hỗ trợ này giúp học sinh bám trường, bám lớp, không phải nghỉ học để đi làm rẫy, bứt đót, hái lá dong kiếm tiền phụ giúp gia đình trong mùa giáp hạt.

Bên cạnh đó, những khoản tiền chính sách mà học sinh vùng khó khăn được hưởng đều được thầy cô thông báo và giữ lại giúp học trò. Thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai cho biết, nhà trường sẽ gửi lại cho các em vào 2 dịp: Nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ hè, để học sinh có thể phụ giúp gia đình mua sắm các vật dụng thiết yếu, cây con giống…

Anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn thương nhau cho biết: “Những điểm trường mà thầy cô đứng ra nhận tổ chức liên hoan cuối năm cho học sinh đều nằm ở những thôn xa trung tâm, đi lại khó khăn, thậm chí là chỉ có thể đi bộ vài tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Chúng tôi chỉ kêu gọi kinh phí, phần việc vất vả nhất lại phải nhờ đến các thầy cô. Nên chúng tôi hiểu rằng, phải có tình yêu thương, sự chăm chút từ vật chất đến tinh thần cho học sinh đến cỡ nào thì thầy cô mới nhận thêm phần việc trong những ngày năm hết Tết đến đầy bận rộn.

Chương trình Đưa Tết lên núi, vì vậy, ngoài việc để các em nhỏ vùng cao có những trải nghiệm về Tết cổ truyền còn là lời động viên các thầy cô giáo đang công tác ở những bản làng vùng sâu, vùng xa rằng, thầy cô không đơn độc mà luôn có sự quan tâm hỗ trợ cộng đồng, góp phần cải thiện điều kiện dạy – học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ