Những người gieo mầm xanh

GD&TĐ - Ở những vùng núi cao heo hút hay ở hải đảo xa xôi, vẫn có hàng nghìn thầy, cô giáo gắn bó tuổi xuân, hy sinh cả hạnh phúc riêng để “3 cùng”...

Những học sinh ở nóc Ông Cường ở lại bán trú, được thầy giáo Nguyễn Thanh Đên chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, hỗ trợ trong giờ tự học.
Những học sinh ở nóc Ông Cường ở lại bán trú, được thầy giáo Nguyễn Thanh Đên chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, hỗ trợ trong giờ tự học.

Âm thầm đóng góp công sức, tâm huyết, thầy cô đang góp phần làm thay đổi nhiều vùng đất mà họ từng gắn bó.

1.

Từ đầu năm học 2022 - 2023, thầy giáo Nguyễn Thanh Đên (SN 1994), giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) chuyển sang ở hẳn tại trường cùng với học sinh, dù nhà cách đó không xa. Với sự hỗ trợ của CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng), 8 học sinh lớp 1, 2 từ nóc Ông Cường sẽ ở lại ngay tại điểm trường Ông Dũ. Việc nấu ăn trưa cho 16 học sinh của cả hai nóc đã có phụ huynh thay phiên nhau hỗ trợ.

Hai bữa ăn còn lại trong ngày, thầy Đên kiêm luôn đầu bếp, phục vụ ăn uống cho 8 em. Trước giờ đi ngủ, thầy kèm thêm bài, hướng dẫn cho học sinh đọc, làm toán… Để lại đứa con thơ ở nhà cho vợ chăm sóc, thầy Đên trở thành người cha của 8 đứa trẻ, chăm ăn, chăm ngủ, đôi khi cả giặt giũ áo quần, chăm sóc lúc đau ốm suốt cả tuần.

Thường thì học sinh lớp 1 - 2 chỉ ở lại ăn trưa ở trường. Nhưng 8 học sinh trú ở nóc Ông Cường được trải nghiệm “du học” xa nhà từ khi còn nhỏ. Thầy Hồ Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân - kể: “Những em từ nóc Ông Cường phải qua suối rồi qua một con dốc khá cao. Mùa này trên núi hay mưa lũ, đi về rất nguy hiểm.

Chúng tôi kết nối với CLB Bạn thương nhau để hỗ trợ thêm cho các em được ở lại điểm trường, ăn ngủ tại chỗ. Thứ 2 đi học, thứ 6 mới về lại nhà. Thầy giáo kiêm luôn công tác phục vụ bán trú, thay phụ huynh chăm sóc cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ, rèn các kỹ năng tự phục vụ…”. Thầy cô nhận thêm nhiều phần việc không tên để học sinh được an toàn, không phải hàng ngày trèo đèo lội suối trong những ngày mùa Đông giá lạnh.

Đại diện các CLB tình nguyện của Trung tâm Tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung tặng gà giống cho các hộ dân ở Phước Sơn (Quảng Nam).

Đại diện các CLB tình nguyện của Trung tâm Tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung tặng gà giống cho các hộ dân ở Phước Sơn (Quảng Nam).

2.

Chương trình tình nguyện mùa Đông 2022 của Trung tâm Tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung đã tặng 1.000 con gà giống cho 20 hộ dân ở huyện Phước Sơn. Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My - cho biết, chương trình tặng cây giống, vật nuôi đã được triển khai vài năm trở lại đây và được điều chỉnh qua từng năm, phù hợp với thực tế của từng địa bàn xã. Sau khi triển khai đợt tặng cây quế giống, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ chuyển sang tặng các loại cây giống ngắn ngày, sớm có thu hoạch hơn như cây ăn trái.

“Nhưng các loại cây ăn trái, sớm nhất cũng phải 2 năm sau mới bắt đầu có quả. Thế nên, CLB tặng thêm cho người dân các xã Trà Vân, Trà Mai, Trà Don, Trà Tập giống cây sắn. Chỉ cần 6 tháng là bà con có thể thu hoạch được rồi”. Mùa đầu, vì phải mất công phát rẫy nên thu hoạch từ sắn không nhiều, nhưng sang đến mùa thứ 2 thì bà con đã có đồng ra đồng vào. Ở những thôn có đường giao thông thuận tiện cho việc thu mua, gần như người dân đã chuyển sang trồng sắn thay vì trồng keo như trước đây.

Với chương trình tặng cây giống, vật nuôi, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ cho biết, thông qua chính quyền địa phương như xã, thôn, CLB nhờ cán bộ ở địa phương giám sát việc tái đàn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của bà con. “Khoảng 50% hộ dân nhận hỗ trợ từ chương trình “trao cần câu” của CLB đã có những thay đổi bước đầu trong đời sống, nhân giống vật nuôi hoặc chăm sóc tốt vườn cây để có thu hoạch. Như ở Trà Vân, trước đây CLB phải tìm mua hom sắn từ Quảng Ngãi về để tặng cho các hộ khó khăn, nhưng giờ đây, bà con đã chủ động được nguồn cây giống, không cần hỗ trợ nữa” – thầy Vỹ nhận xét.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My) - cho biết, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp để trồng sắn, đầu ra cũng ổn định do thương lái bên Quảng Ngãi qua thu mua nhiều. Mặc dù cây sắn chỉ mới được người dân trồng mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân ở thôn có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, trong đó một phần là nhờ sự hỗ trợ cây giống từ các thầy cô trong CLB Kết nối Nam Trà My.

Điểm trường Tắk Pổ được xây dựng kiên cố từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Điểm trường Tắk Pổ được xây dựng kiên cố từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

3.

Từ kết nối của các thầy, cô giáo, gần chục cây cầu kiên cố bắc qua các bản làng heo hút, thay thế cho những cây cầu dân sinh tự phát ở các xã vùng khó của Nam Trà My đã được xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Ngày khánh thành và bàn giao cầu, người dân làng Long Tro (xã Trà Nam) vui như hội. Ông Hồ Quốc Dũng dẫn 2 con nhỏ đi qua lại hàng chục lần chỉ trong buổi sáng. “Vui lắm chớ. Mùa mưa không phải ngồi bó gối ở nhà nữa. Trẻ con không phải nghỉ học, người đau ốm được đưa đến trạm xá, về bệnh viện huyện. Bà con đổi được rau rừng, cây thuốc lấy để có tiền mua gạo, mua cá khô, không lo đứt bữa nữa” – ông Dũng phấn khởi.

Gần 2 tháng Hè năm 2022, cô Trà Thị Thu và cô Nguyễn Việt Thảo, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập chia nhau sang xã Trà Nam để động viên các hộ dân làng Long Tro và Long Riêu cùng tham gia đóng góp ngày công vận chuyển vật liệu, hỗ trợ đội thợ thi công cầu. Từ sự kết nối của cô giáo Trà Thị Thu, CLB thiện nguyện Bắc Trung Nam và Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.PARM Trà Vinh đã hỗ trợ 350 triệu đồng để đầu tư xây cầu treo kiên cố, thay thế cho những chiếc cầu tạm được ghép từ vài thanh gỗ rồi gá vào chạc cây để làm “trụ cầu”. Thậm chí có những đoạn, mặt cầu chỉ còn trơ các đoạn thép chằng, không còn cả tấm gỗ lót.

Cũng trong mùa Hè năm 2022, 3 chiếc cầu treo kiên cố khác đã được CLB Chuyến xe vạn tình (Đà Nẵng) quyên góp kinh phí xây cầu và chuyển cho CLB Nam Trà My khảo sát, giám sát thi công. Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ cho biết: “Những địa điểm mà chúng tôi chọn để xây cầu đều là những nóc, làng xa trung tâm xã. Bà con chủ yếu đi lại bằng lối mòn, cầu tạm thì chỉ có thể đi lại khi thời tiết đẹp chứ chỉ một cơn giông, có khi nước suối dâng ngập cả cầu, bà con không thể đi làm nương rẫy gì được”.

4.

Những đổi thay của nóc Tắk Pổ, ngôi làng quanh năm sương lạnh trên đỉnh núi Ngọc Linh đang có nhiều đổi thay từ vạn tấm lòng kể từ sau bộ ảnh của cô giáo Trà Thị Thu về khai giảng giản dị nhưng đầy ấm cúng năm 2019.

Đường lên Tắk Pổ giờ đây đã có thể đi được xe máy. Một ngôi trường mới, kiên cố, hiện đại từ nguồn xã hội hóa được đưa vào sử dụng. Mấy chục cây anh đào được một nhà hảo tâm gửi tới tặng điểm trường, hứa hẹn một triền đồi đầy thơ mộng trong nay mai. Có điện mặt trời, có đường, cuộc sống của bà con Tắk Pổ đang đổi thay từng ngày từ những kết nối của các thầy, cô giáo. Có đường, bà con sẽ thuận tiện vận chuyển nông sản, dược liệu về trung tâm xã để bán. Dự án trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh cũng đang triển khai, hứa hẹn một ngày mai no ấm.

Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Dạy học, với những thầy, cô giáo ấy, không đơn thuần chỉ là nghề, mà còn là nghiệp. Thanh xuân của họ gắn bó với núi rừng, bản làng. Trăn trở với những trang giáo án, họ cũng đồng thời tìm mọi cách hỗ trợ bà con thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo của một vùng đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...