Nối dài đường đến trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng với chương trình thiện nguyện như Đi học trên núi, Bữa cơm vùng cao..., những giúp đỡ âm thầm của nhiều cá nhân đã nối dài đường đến trường cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đồng thời, cải thiện thể chất, nâng cao thể lực cho các em.

Dự án Đi học trên núi dự kiến hỗ trợ cho 130 học sinh tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Ảnh: TG
Dự án Đi học trên núi dự kiến hỗ trợ cho 130 học sinh tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Ảnh: TG

Đi học trên núi

Đinh Thị Trinh và Hồ Thị Hậu ở nóc Ngọc Nâm, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là hai học sinh được chọn để khởi động cho dự án Đi học trên núi của câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau (Đà Nẵng). Năm học 2022 – 2023, Hồ Thị Hậu bước vào năm cuối cấp của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Cang. Bố của Hậu qua đời cách đây 11 năm. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng 9 năm liền, Hậu đều là học sinh giỏi.

Cùng hoàn cảnh, Pơ long Đạt, học sinh Trường A Ting (Đông Giang, Quảng Nam) hồn nhiên kể: “Lâu lắm rồi em không được ăn cơm với trứng nên chẳng còn nhớ nổi mùi thơm của nó nữa”. Cha bỏ đi 4 năm, căn nhà nhỏ của mẹ con Pơ long Đạt được lợp bằng vách nứa, cũng đã bắt đầu mục dần. Nền nhà là lớp xỉ đổ vội, cũng bong tróc nhiều chỗ.

Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau chia sẻ: “Từ những chuyến tình nguyện trên núi, qua trao đổi với các thầy cô giáo, chúng tôi được biết có hàng trăm em nhỏ mồ côi ở những bản làng xa xôi, nằm hút sâu trong núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mồi côi đã chịu nhiều thiệt thòi, khổ cực, huống hồ điều kiện ở trên núi thì cơ cực hơn miền xuôi rất nhiều. Một số em phải ở cùng với ông, bà, cô dì chú bác hoặc anh, chị. Cuộc sống vốn chỉ dựa vào nương rẫy nên ai cũng thiếu thốn. Dự án mong muốn được hỗ trợ chi phí hàng tháng cho các em nhỏ mồ côi chỉ với điều kiện duy nhất là các em tiếp tục đến trường”.

Dự án Đi học trên núi hiện đã có khoảng 80 cá nhân nhận hỗ trợ cho 100 học sinh tại Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo đó, hàng tháng, mỗi em sẽ nhận được 500 nghìn đồng trong 12 tháng. Số tiền này thầy cô giáo sẽ thực hiện mua sắm giúp các em những vật dụng cần thiết, hoặc thực phẩm tùy vào hoàn cảnh từng gia đình. Đây là “tấm vé” giúp học sinh bám trường, bám lớp, không phải nghỉ học để phụ giúp kinh tế cho gia đình.

CLB Bạn thương nhau khảo sát để triển khai dự án Đi học trên núi. Ảnh: TG

CLB Bạn thương nhau khảo sát để triển khai dự án Đi học trên núi. Ảnh: TG

Nối dài sự học

Năm học mới này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) đã kết nối với CLB Bạn thương nhau để hỗ trợ bữa ăn và tổ chức nội trú cho học sinh điểm trường Ông Thương và Ông Ruộng. Thầy Hoàng Anh Tuấn - Tổng phụ trách điểm trường cho biết: “16 học sinh lớp 1 - 2 của thôn Ông Cường phải qua điểm trường Ông Thương để học. Để các em tự về buổi trưa thì nguy cơ cao sẽ nghỉ học luôn vào buổi chiều.

Do đó, nhà trường tìm mọi nguồn hỗ trợ để có thể tổ chức bán trú cho học sinh, như một cách để duy trì sĩ số”. Điều kiện tổ chức dạy học của điểm trường Ông Ruộng cũng tương tự như vậy khi phải đón học sinh từ điểm trường Ông Hùng qua. Tuy nhiên, những năm trước đây, nhà trường mới chỉ vận động được kinh phí để duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh điểm trường Ông Thương.

Với sự hỗ trợ của CLB Bạn thương nhau, 48 học sinh ở 2 điểm trường này sẽ được ở nội trú, chiều thứ 6 mới phải về nhà, hạn chế việc di chuyển trên đường với nhiều hiểm nguy bất trắc bởi lũ quét, sạt lở núi… “Cùng với các bữa trưa hàng tuần của dự án Nuôi em đang triển khai, CLB Bạn thương nhau sẽ hỗ trợ và thêm 5 bữa ăn tối để giữa chân học sinh ở lại trường cho đến cuối tuần” – anh Nguyễn Bình Nam cho biết. Đây là những điểm trường đầu tiên, CLB thực hiện hỗ trợ thêm bữa ăn tối. Bữa cơm cho học sinh miền núi hiện được CLB triển khai tại các điểm trường Hole, Tà Cu (Quảng Trị) và Trà Bung, Trà Bao, Trà Na của tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 10/2020, vụ lở núi kinh hoàng ở Trà Leng khiến nhiều học sinh rơi vào cảnh mồ côi. Từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam), Hồ Văn Hải cùng thầy cô giáo băng rừng về đến làng đã không kịp gặp cha lần cuối. Hải đứng chôn chân bên nấm mộ được dân làng dựng lên để an táng cho cha mình và dõi theo diễn biến tìm kiếm của lực lượng cứu hộ. Dưới lớp bùn đất kia còn có 7 người ruột thịt của Hải, gồm mẹ, hai đứa em trai, dì ruột và họ hàng. Chỉ trong phút chốc sau thảm họa, Hải không còn nơi nương tựa khi mồ côi cả cha lẫn mẹ và những người thân khác. Sau vụ lở núi kinh hoàng đó, trường học trở thành nhà của Hồ Văn Hải.

Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My kể, thỉnh thoảng đêm khuya, các thầy cô nhận được tin nhắn “con nhớ mẹ quá”, “con nhớ ba quá”. Những học sinh có người thân mất trong vụ sạt lở ở Trà Leng vẫn luôn được thầy cô giáo gần gũi, chăm sóc đặc biệt trong học tập và sinh hoạt bởi nỗi đau mất người thân không gì bù đắp được.

Năm nay, Hải sẽ rời mái trường dân tộc nội trú để bắt đầu cuộc sống tự lập. “Lúc đầu, Hải dự định đăng ký xét tuyển đại học. Nhưng sau đó thầy cô giáo và em cùng ngồi lại, phân tích lực học, sở thích cá nhân cũng như đầu ra để lựa chọn ngành nghề. Sau đó, nam sinh quyết định theo học nghề cơ khí”, thầy Luận cho biết.

Mỗi tháng, Hải nhận được học bổng do một cá nhân hỗ trợ với mức 3 triệu đồng cho đến khi em học nghề xong. Ngoài ra, em còn có 1 sổ tiết kiệm 300 triệu đồng được nhà trường lập từ khi đang học lớp 10, từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân sau sự cố ở Trà Leng. Lo nỗi lo của một người cha về con đường lập nghiệp của con cái, số tiền này, thầy Luận động viên Hải tiếp tục gửi tiết kiệm và sẽ dùng để làm vốn để mở xưởng nếu em thấy đủ khả năng để có thể khởi nghiệp khi học xong nghề.

Sự chăm chút, yêu thương của thầy cô giáo, chung tay của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện là một cách để nhen lên trong các em niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời để vững vàng đi tiếp trong quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.