Giao lưu trực tuyến “Thay đổi để hạnh phúc”

“Thay đổi để hạnh phúc” là chủ đề chương trình giao lưu trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 đến 10h30 thứ Ba, ngày 21/9/2021.

Giao lưu trực tuyến “Thay đổi để hạnh phúc”

Tham gia Chương trình có các khách mời:

Cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Sinh viên Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Kiên Giang.

Công việc dạy học vốn có rất nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh đổi mới và xã hội ngày càng đặt nhiều kỳ vọng và yêu cầu cao đối với giáo dục.

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, các thầy cô giáo đã nỗ lực rất nhiều để đổi mới phương pháp, bồi đắp khả năng công nghệ, thích nghi với phương thức dạy học mới.

Cùng với nỗ lực của các cấp quản lý để tạo động lực cho nhà giáo từ môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ, nỗ lực nội tại của mỗi thầy cô là vô cùng quan trọng. Thay đổi để hạnh phúc không phải là kĩ năng dễ; khó có thể nói là làm được ngay - nhưng ý thức được điều này, thầy cô sẽ có lối đi riêng của mình để tìm được hạnh phúc trong công việc.

“Lối đi” riêng đó sẽ được các khách mời chia sẻ tại Chương trình giao lưu trực tuyến.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

GV Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Kiên Giang

Bạn đọc

Bạn Ngọc Thảo, SV Sư phạm:

Xây dựng Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc - Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Bạn có nghĩ như vậy không? Theo bạn, khó khăn lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là gì?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Mình cũng có những suy nghĩ giống bạn. Bởi những bất cập trong trường học còn rất nhiều mà để thay đổi thì cần thời gian. Theo mình, khó khăn lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là thay đổi suy nghĩ, cách giảng dạy.

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc xây dựng Lớp học hạnh phúc, Trường học hạnh phúc chính là chưa hiểu rõ bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc mang lại.

Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục; lan tỏa những thành công của mô hình lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Chia sẻ kĩ năng truyền thông để xây dựng trường học hạnh phúc; Thầy cô truyền cảm hứng trong giờ học hạnh phúc để khẳng định ý nghĩa, giá trị nhân văn của mô hình này…

Yếu tố quyết định để có được một trường học hạnh phúc là phải rèn luyện để mỗi người trong trường luôn có cách nghĩ tích cực; trong đó hiệu trưởng là người khởi nguồn và dẫn dắt, từ đó lan tỏa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các nhà quản lý cần quan tâm hơn đến các thầy cô, hỗ trợ về mọi mặt và khi làm tốt việc đó rồi thì mới mong có được một trường học hạnh phúc bền vững...

Cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục, lan tỏa những thành công của mô hình Trường học hạnh phúc.
Cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục, lan tỏa những thành công của mô hình Trường học hạnh phúc.
Bạn đọc

Bạn Lý Hữu Nhân, phụ huynh:

Ở cấp Tiểu học, thầy cô như “thần tượng” của trẻ, một giáo viên trẻ xây dựng hình tượng ra sao khi đảm nhận lớp học?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Theo em, giáo viên khi mới ra trường nên xây dựng hình ảnh là người giáo viên chủ nhiệm thân thiện, hài hước, hết mình vì học trò nhưng vẫn giữ thái độ nghiêm túc trong quá trình giảng dạy.

Cần nhận thức rõ sư phạm là một nghề đặc biệt vì đối tượng lao động của họ là con người; không chỉ đơn thuần cần kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ mà quan trọng hơn cần có nhân cách tốt, có tâm trong sáng và luôn là tấm gương mẫu mực. Để có được điều này, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...

Đặc biệt là lắng nghe, trước hết tạo sự liên kết về cảm xúc giữa người dạy và người học. Chính vì vậy, ngoài việc chú trọng rèn luyện phương pháp dạy học, giáo viên cần có khả năng truyền lửa, kỹ năng tổ chức những hoạt động tương tác với học viên, kỹ năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kỹ năng quản lý đội, nhóm...

Giáo viên thân thiện, hết lòng vì học trò.
Giáo viên thân thiện, hết lòng vì học trò.
Bạn đọc

Bạn Nguyễn Bảo Tiên, sinh viên:

Việc quản lý cảm xúc đối với một giáo viên là rất quan trọng. Kỹ năng này có được đào tạo không? Bản thân bạn làm gì để “rèn” kỹ năng này?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Kỹ năng này không được đào tạo nên các sinh viên luôn rèn luyện trong quá trình học tập. Mình luôn giữ cảm xúc vui tươi, lạc quan, giữ bình tĩnh trước mọi tình huống, học cách thấu hiểu tâm lý người khác, suy nghĩ, hành động cẩn trọng và giúp đỡ mọi người xung quanh.

Đối với nghề nhà giáo, quản lý cảm xúc của giáo viên không chỉ xảy ra trong các hoạt động tâm lý của cá nhân người giáo viên đó mà cảm xúc còn liên quan qua sự tương tác với cá nhân khác. Môi trường trường học và lớp học là nơi mà giáo viên có những cảm xúc phức tạp phải trải qua và được trải nghiệm với từng đối tượng học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và ban lãnh đạo... Tầm quan trọng trong việc quản lý cảm xúc của giáo viên luôn được đề cao nên phải rèn luyện thường xuyên.

Bạn đọc

Bạn quocminh@gmail.com:

Ngành giáo dục đang triển khai đổi mới giáo dục với Chương trình GDPT 2018. Sinh viên Sư phạm có kịp cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Các giảng viên giảng dạy ngành Sư phạm luôn cập nhật Chương trình GDPT 2018 và áp dụng luôn vào chương trình dạy học để khi ra trường em và các bạn có thể giảng dạy được ngay. Ngoài ra sinh viên cũng theo dõi, nghiên cứu, cập nhật thêm chương trình mới này.

Giáo viên giờ đây phải biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kĩ thuật dạy học, phải tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu hợp tác với đồng nghiệp chặt chẽ hơn, kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội; yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường…

Từ nhu cầu thực tiễn, tự thân mỗi sinh viên sư phạm, mỗi giáo viên phải nỗ lực tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo. Để hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên trẻ không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Sinh viên Sư phạm Trường ĐH Kiên Giang trong hoạt động ngoại khóa.
Sinh viên Sư phạm Trường ĐH Kiên Giang trong hoạt động ngoại khóa.
Bạn đọc

Bạn Phan Duy Anh, sinh viên:

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Bạn làm gì để đáp ứng yêu cầu này?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Trong quá trình học tập, mình luôn trau dồi đạo đức, các kỹ năng bằng cách tham gia các hoạt động của Đoàn khoa, Đoàn trường phát động, tham gia hoạt động tình nguyện và học các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, đạo đức. Ngoài ra mình còn sưu tầm các câu chuyện, bộ phim giáo dục đạo đức, các kỹ năng học tập, kỹ năng mềm bổ ích để khi ra trường có thể giáo dục các em học sinh.

Bên cạnh đó chuẩn bị kỹ lưỡng để khi đứng lớp, làm công tác chủ nhiệm, mỗi giáo viên phải làm tốt vai trò. Lồng ghép giảng dạy đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học. Giáo viên cần phải gương mẫu, hiểu tâm sinh lý của học sinh và có tâm huyết với việc giáo dục học sinh trở thành những công dân tốt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các vi phạm, các tệ nạn; phổ biến tuyên truyền pháp luật. Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức cho học sinh...

Bạn đọc

Bạn mynghi@gmail.com:

Trường học hạnh phúc là sự tận tâm, nỗ lực, hết lòng vì học trò, của thầy cô, nhà trường. Vậy bản thân em và những sinh viên sư phạm đã thay đổi ra sao trong hoạt động học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Đối với những sinh viên sư phạm như chúng em, những đổi mới liên quan đến ngành giáo dục đều được chúng em chú trọng theo dõi và cập nhật. Chúng em luôn trau dồi thêm các phương pháp dạy học, tìm hiểu kỹ các yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT, từ đó tự phân tích, tự nghiên cứu và áp dụng để bản thân có những kiến thức, phương pháp dạy phù hợp nhất khi ra trường.

Để hạnh phúc với nghề, sinh viên sư phạm – những nhà giáo tương lai phải thay đổi chính mình. Điều đó được nhà trường, thầy cô, bạn bè hỗ trợ tích cực. Để sau khi tốt nghiệp, đứng lớp, mỗi giáo viên trẻ đóng vai trò là người truyền cảm hứng, là người bạn, là người đi trước, là người dẫn đường, là điểm tựa và niềm tin cho học sinh.

Sinh viên Sư phạm trong hoạt động tập thể.
Sinh viên Sư phạm trong hoạt động tập thể.
Bạn đọc

Bạn Gia Minh, SV Sư phạm Hóa:

Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra, theo bạn, để ngăn chặn tình trạng này, giải pháp là gì?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Theo mình, nhà trường cần có phòng hỗ trợ tâm lý học đường để tổ chức các buổi giáo dục đạo đức; tìm hiểu giúp đỡ, tháo gỡ khúc mắc của học sinh cá biệt; tổ chức các buổi giảng giải tâm lý ở lứa tuổi đó để học sinh hiểu hơn về bản thân mình, nhận biết được hành vi đó là đúng hay sai để kịp thời sửa đổi; tổ chức các hoạt động phòng chống bạo lực học đường, các phong trào về tình bạn, tình đoàn kết...

Khi xây Trường học hạnh phúc thì tình trạng bạo lực học đường sẽ bị triệt tiêu. Hãy chú trọng xây dựng môi trường giáo dục trong lành và thân thiện. Muốn thế, cần bớt áp lực về thi cử, điểm số, thành tích và chú trọng hơn vào các hoạt động hướng đến sự trải nghiệm giá trị sống tích cực, giáo dục kỹ năng sống thiết thực và hữu ích. Để học sinh cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm từ chính những giáo viên và những người bạn ở trường học.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Ngọc, HS lớp 12:

Tâm lí lứa tuổi học sinh thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó sĩ số học sinh trong lớp đông với nhiều đối tượng. Một nhà giáo trẻ có quá khó khăn khi đảm nhận vai trò giáo viên đứng lớp?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Theo mình nghĩ, giáo viên trẻ mới ra trường sẽ gặp khá nhiều khó khăn vì khá bỡ ngỡ làm quen với môi trường mới. Tuy vậy, việc trang bị đủ kiến thức cùng các kỹ năng trong các môn học như: Tâm lý học Sư phạm, Hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông... sẽ giúp các giáo viên trẻ thích ứng nhanh trong vai trò đứng lớp. Bởi nó cung cấp, hướng dẫn các cách quản lý lớp học, công việc cần làm và cũng như là tâm sinh lý của học sinh để xử lý tốt nhất, như hành trang vững chắc để giáo viên trẻ tự tin hơn.

Sinh viên Sư phạm trong giờ học tập.
Sinh viên Sư phạm trong giờ học tập.
Bạn đọc

Bạn Khánh Ngọc, sinh viên SP Mầm non:

Đời sống nhà giáo rất quan trọng, bạn là giáo viên tương lai và mong muốn của bạn về đời sống nhà giáo như thế nào?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Là giáo viên trong tương lai, mình luôn mong muốn có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, không phải lo cơm áo, gạo tiền để có thể tập trung hết sức mình vào việc giảng dạy tốt nhất. Quan trọng nhất, mình muốn được cống hiến trong ngôi trường hạnh phúc. 

Như lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”. Mình rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng.

Bạn đọc

Bạn Lê Hải – Kon Tum:

Trong môi trường Sư phạm, việc bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học, năng lực ứng xử sư phạm… được truyền dạy như thế nào? Phần kiến thức nào giúp sinh viên ra trường có thể hạnh phúc với nghề?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Đối với bồi dưỡng chuyên môn, các giảng viên sẽ giảng dạy lý thuyết, giao bài tập và hướng dẫn làm để sinh viên hiểu bài dễ dàng hơn. Ngoài ra giảng viên còn giới thiệu thêm các tài liệu tham khảo cho các sinh viên có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về học phần đó.

Đối với các học phần về cơ sở ngành Sư phạm, các giảng viên sẽ hướng dẫn và cho sinh viên thực hành, luyện tập, đặt ra các tình huống sư phạm để sinh viên phân tích tâm lý và cho các cách ứng xử phù hợp. Các giảng viên còn yêu cầu giả tưởng đang giảng dạy một tiết học mà áp dụng phương pháp dạy học, đặt ra các tình huống có thể gặp để sinh viên tưởng tượng, hình dung ra môi trường sư phạm.

Để hạnh phúc với nghề, sinh viên sư phạm – những nhà giáo tương lai phải thay đổi chính mình. Điều đó được nhà trường, thầy cô, bạn bè hỗ trợ tích cực để sau khi tốt nghiệp, đứng lớp, mỗi giáo viên trẻ đóng vai trò là người truyền cảm hứng, là người bạn, là người đi trước, là người dẫn đường, là điểm tựa và niềm tin cho học sinh.

SV Huỳnh Hồng Phúc trả lời câu hỏi của độc giả.
SV Huỳnh Hồng Phúc trả lời câu hỏi của độc giả.
Bạn đọc

Bạn Huongthule@...:

Có thầy cô chia sẻ rằng, khi các thầy cô có hạnh phúc, học trò mới hạnh phúc. Muốn vậy, các thầy, cô giáo phải tự thay đổi bản thân. Ý kiến của bạn như thế nào? Bạn mong muốn gì từ thầy cô của mình?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Theo em ý kiến trên rất hay. Tâm trạng của người giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của một buổi học. Một buổi học căng thẳng, giáo viên luôn trách mắng học trò hay một buổi học ảm đạm, trầm lắng đều làm cho học sinh chán học, buồn bã. Vì vậy người giáo viên cần thay đổi để có thái độ sư phạm chuyên nghiệp, tâm trạng vui vẻ, tích cực để có thể lan tỏa đến học sinh và làm cho lớp học sôi nổi, năng động và chăm chỉ học tập hơn.

Sự khéo léo và tài tình ở người giáo viên không phải là dùng uy nghiêm của mình để giáo dục các em mà phải dùng kỹ năng sư phạm để hướng dẫn và tương tác với học sinh một cách khéo léo. Giáo viên cần hiểu rõ hơn về tâm lý của học sinh và có khả năng giải quyết tốt các tình huống sư phạm.

Giáo viên cần thay đổi để có thái độ sư phạm chuyên nghiệp, tâm trạng vui vẻ, tích cực để có thể lan tỏa đến học sinh.
Giáo viên cần thay đổi để có thái độ sư phạm chuyên nghiệp, tâm trạng vui vẻ, tích cực để có thể lan tỏa đến học sinh.
Bạn đọc

Bạn ngocanh@gmail.com:

Theo bạn, để thành công với nghề dạy học, sinh viên Sư phạm cần hội đủ những tố chất gì?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Là sinh viên Sư phạm, mình cố gắng học tập thật tốt các môn chuyên ngành cùng cơ sở ngành để có thể tự tin, chuyên nghiệp khi đứng giảng. Mình rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu hiểu tâm lý học sinh, tìm hiểu các tình huống sư phạm hay gặp phải và các cách xử lý để khi gặp có thể ứng xử nhanh chóng mà không hoảng loạn, mất bình tĩnh. Ngoài ra mình còn học cách bao dung, luôn giữ tâm trạng tích cực để học sinh yêu mến hơn.

Đối với những sinh viên sư phạm, những đổi mới liên quan đến ngành giáo dục đều được chú trọng theo dõi và cập nhật. Chúng mình luôn trau dồi thêm các phương pháp dạy học, tìm hiểu kỹ các yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT, từ đó tự phân tích, tự nghiên cứu và áp dụng để bản thân có những kiến thức, phương pháp dạy phù hợp nhất khi ra trường.

Bạn đọc

Bạn Thu Phương – Quảng Nam:

Bạn hình dung thế nào về “Trường học hạnh phúc”? Sinh viên có những hoạt động cụ thể gì để xây dựng trường học hạnh phúc?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc
SV Huỳnh Hồng Phúc

Theo bản thân mình, “Trường học hạnh phúc” là trường học mà các học sinh trong ngôi trường đó đều mong muốn đến trường mỗi ngày. Môi trường học tập thoải mái, vui vẻ, không áp lực để học sinh có tinh thần học tập tốt.

Trường học hạnh phúc là nơi yêu thương, an toàn và tôn trọng; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực sư phạm, ứng xử văn hóa học đường. Nơi mà thầy - trò đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong quá trình dạy – học. Đó còn là nơi để yêu thương, chia sẻ và là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy – trò. Đó cũng là nơi mà học trò được coi là nhân vật trung tâm, được tôn trọng sự khác biệt, từ đó phát huy được phẩm chất năng lực của bản thân... 

Theo mình để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nhà trường cần có những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các trò chơi dân gian vào các dịp nghỉ lễ, có các phong trào xây dựng tình đoàn kết của lớp như đôi bạn cùng tiến, lớp học thân thiện, phòng tránh bạo lực học đường...

Ngoài ra các giáo viên phải hài hước, tận tâm, thấu hiểu học sinh, có chuyên môn cao, có các phương pháp giảng dạy phù hợp, không đặt nặng bài tập.

Bạn đọc

Bạn Thanh Hoàng – Đà Nẵng:

Bạn có thể cho biết, đối với sinh viên Sư phạm, bên cạnh việc rèn luyện, học tập chuyên môn, việc trang bị kỹ năng để đứng lớp có vai trò như thế nào để vững bước vào nghề?
SV Huỳnh Hồng Phúc

SV Huỳnh Hồng Phúc

Là sinh viên Sư phạm, ngoài việc học tập chuyên môn thì còn phải học tập thật tốt các môn như Nghiệp vụ sư phạm, Phương pháp dạy học... để biết được cách tổ chức lớp học, có những phương pháp, kỹ thuật dạy học, cùng kỹ năng diễn đạt, kỹ năng trình bày bảng, kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học... Ngoài ra sinh viên Sư phạm nên tích cực thuyết trình, làm MC cho các sự kiện của trường để rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông. Đặc biệt là rèn luyện kỹ năng lắng nghe, trước hết tạo sự liên kết về cảm xúc giữa người dạy và người học.

Chính vì vậy, ngoài việc chú trọng rèn luyện phương pháp dạy học, sinh viên cần có khả năng truyền lửa, kỹ năng tổ chức hững hoạt động tương tác với học viên, kỹ năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kỹ năng quản lý đội, nhóm... Mỗi sinh viên sư phạm cần rèn luyện hệ thống kỹ năng sư phạm được chuyên môn hóa cao, sâu sắc và luôn thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau để đáp ứng yêu cầu của một nhà giáo tương lai.

Bạn đọc

Bạn Lan Anh – Hà Nội:

Hiện nay giáo viên đang gặp những khó khăn nào từ phía khách quan để dạy học tốt. Cô có mong muốn gì gửi đến các cấp lãnh đạo để thay đổi điều này?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Trong bối cảnh hiện nay, môi trường giáo dục bị tác động từ nhiều hướng. Môi trường mạng Internet chứa những nguy cơ tiềm ẩn với sự phát triển của những đứa trẻ. Những năm gần đây trẻ em mắc chứng bệnh tự kỉ hoặc tăng động tăng nhanh. Những người làm giáo dục như chúng tôi rất vất vả khi giáo dục và dạy dỗ những ca như thế.  

Ngoài ra bố mẹ các em thường đi làm với tần suất rất cao, thời gian dành cho con thường là rất hạn chế. Mọi sự đổ dồn lên đôi vai của giáo viên. Học sinh lười biếng, học sinh không ngoan, học sinh chưa giỏi… lỗi bị đổ tại người thầy. Vậy đâu là trách nhiệm của gia đình – nhà trường và xã hội?

Một bộ phận không nhỏ phụ huynh đặt kì vọng rất cao vào con mình nhưng không hiểu cũng như không chấp nhận sự thật những gì con mình đang có. Chương trình giáo dục thay đổi rất nhanh. Việc vận động để thích ứng với sự thay đổi đó là sự khó khăn của mỗi giáo viên.

Công việc thì nhiều. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng làm việc với cường độ lớn. Đồng lương thì ít ỏi chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế cuộc sống. Phương tiện và đồ dùng đáp ứng cho dạy và học rất hạn chế.

Mong muốn của chúng tôi gửi tới lãnh đạo các cấp là đưa ra những quyết sách mang tính ổn định; quan tâm tới mọi mặt của đời sống giáo viên. Mỗi năm học nên tiếp thêm cho chúng tôi năng lượng, cảm hứng khi bước vào năm học mới. Ngoài những chuyên đề về nâng cao chuyên môn thì nên tổ chức những chuyên đề về tâm lí lứa tuổi, những kinh nghiệm hay những sáng kiến bổ ích cho công tác.

Bạn đọc

Bạn Trantungminh@...:

Theo cô, vai trò của người giáo viên như thế nào trong việc tạo nên một lớp học hạnh phúc, từ đó tạo ra một trường học hạnh phúc?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).
Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).

Là chủ thể mang tính chủ động và có khả năng dẫn dắt, định hướng, chính người thầy đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Trong tiêu chí yêu thương, chính người thầy phải là người thể hiện trước, bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng hành động. Người thầy cười nói vui vẻ với học sinh, có những cử chỉ thân thiện, trìu mến với học sinh của mình, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí xả thân, trong các trường hợp khó khăn… thì sẽ được học sinh yêu mến, kính trọng.

Tương tự như vậy, người thầy đứng ra che chở, bảo vệ cho học sinh, thường xuyên khích lệ, động viên cho học sinh thì các em sẽ nhận thấy sự an toàn khi ở bên cạnh người thầy của mình.

Cũng như vậy, thái độ, hành động của người thầy đối với đồng nghiệp, với các thành viên khác trong nhà trường cũng sẽ gieo cho học sinh hình ảnh ấn tượng, tình cảm tương thích, để từ đó có thái độ tương ứng với người thầy của mình.

Một ngôi trường hạnh phúc mang lại sự ấm áp tạo cảm giác bình yên cho mỗi người khi đặt chân đến. Từ ghế đá hàng cây, từ sự thể hiện của bác bảo vệ. Ngôi trường giúp cho học sinh tiến bộ, không gây áp lực điểm số; cần tạo cơ hội để các em mạnh dạn bộc lộ những tâm tư, nguyện vọng, và nhà trường tìm cách giải quyết những vướng mắc, đáp ứng những yêu cầu chính đáng của học sinh.

Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi tiếp học sinh, phụ huynh để kịp thời nắm bắt về hoàn cảnh, tâm tư học sinh. Xây dựng hộp thư điện tử, đường dây nóng để các em kịp thời trao đổi chia sẻ với giáo viên khi cần. Nhà trường tôn trọng tinh thần tự chủ và sáng tạo trong giảng dạy, đảm bảo các điều kiện vật chất cho dạy học, hỗ trợ giáo viên về kỹ năng quản lý học sinh, đảm bảo môi trường làm việc an ninh, an toàn.

Bạn đọc

Bạn Quyhuong_tb@...:

Qua Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, được biết chị từng duy trì kỉ luật bằng những hình thức hà khắc. Sau khi thay đổi và nhìn lại quãng thời gian đó, chị rút ra cho mình bài học gì và muốn được gửi gắm điều gì đối với đồng nghiệp của mình?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)
Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Việc sử dụng kỉ luật bằng phương pháp hà khắc là tình thế cấp bách khi người giáo viên thấy bế tắc và muốn có tác dụng nhanh trong quá trình giáo dục và dạy học. Khi sử dụng kỉ luật bản thân tôi cũng không thoải mái gì. Học sinh rất sợ khi đến trường. Các em ngày càng thu mình lại, xây một bức tường lớn giữa tôi và các em. Những tai nạn nghề nghiệp vẫn diễn ra. Tôi đã phải sống trong day dứt khi phải kỉ luật hà khắc một học sinh nào đó.

Trong những ngày trải nghiệm giá trị sống và kĩ năng sống tích cực, tôi và các đồng nghiệp đã khóc. Tôi đã hiểu rằng bạo hành sẽ sinh ra bạo hành. Mỗi một lời nói và hành động nó hằn vết lên cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Vì vậy mình phải có trách nhiệm trước những lời nói việc làm của mình.

Tôi đã thay đổi. Những ức chế và bực dọc diễn ra trong quá trình dạy học là không thể tránh khỏi. Nhưng để kiểm soát được trạng thái tâm lí nóng giận đó lại một việc làm mà mỗi người chúng ta đều phải học. Khi mình kiểm soát được cảm xúc tiêu cực mình sẽ thấy tâm hồn bình thản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bạn đọc

Bạn lelunglinh@...:

Mong được cô chia sẻ về kinh nghiệm dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu mới.
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi đã nghiên cứu rất kĩ chương trình tổng thể, những modul chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT đưa ra. Kinh nghiệm của tôi là nắm vững khung chương trình của từng môn học; lập kế hoạch chi tiết; lựa chọn các hình thức và phương pháp dạy học và giáo dục cụ thể tới từng hoạt động. Cùng đó, dự kiến những tình huống trong quá trình giáo dục, dạy học. Các phương pháp giáo dục được sử dụng linh hoạt với từng môn từng bài.

Việc học tập bồi dưỡng bổ sung các phương pháp dạy học mới là rất cần thiết đối với mỗi giáo viên. Năm học vừa qua tôi đã được tham gia tìm hiểu và vận dụng phương pháp “học thông qua chơi” với các phương châm: Vui vẻ, có ý nghĩa, tương tác xã hội, chủ động tham gia, có tính lặp đi lặp lại.

Các hình thức tổ chức dạy học cũng được tôi chú trọng. Ngoài hình thức tổ chức lớp học truyền thống, tôi còn tổ chức các lớp học ở môi trường khác nhau. Chú trọng vào trải nghiệm của chính người học, từ đó giáo dục hình thành phẩm chất và phát triển năng lực của mỗi học sinh.

Bạn đọc

Bạn Thuhanguyen@...:

Ngoài nỗ lực từ bản thân, chị mong muốn điều gì từ lãnh đạo, từ môi trường làm việc để mình và đồng nghiệp có thể làm việc tốt hơn?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)
Cô Lê Thị Nếp và học trò (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Tôi mong muốn ở các vị lãnh đạo sự mềm dẻo trong quản lí, quản trị. Một nghệ thuật “lãnh đạo mà như không”. Hãy tạo môi trường làm việc giống như ngôi nhà thứ hai của mỗi giáo viên. Bởi họ ở trường nhiều hơn ở nhà. Họ tiếp xúc với đồng nghiệp nhiều hơn anh chị em trong gia đình. Sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan là hết sức cần thiết. Muốn tạo dựng được điều đó lãnh đạo cần đảm bảo công bằng tương đối với mỗi cán bộ công nhân viên. Sự gần gũi sẻ chia, đồng cảm là hết sức cần thiết.

Bạn đọc

Bạn Vuongquy@...:

Trong trường học, nhiều tình huống đáng tiếc xảy ra do thầy cô thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc, nhiều khi không kiềm chế được khiến cảm xúc tiêu cực, tức giận bùng phát. Chị thường làm gì để mình không rơi vào tình huống này?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Tôi rất may mắn được trải nghiệm khóa tập huấn Giá trị sống và kĩ năng sống vô cùng ý nghĩa. Cô Lệ Thu – Khoa Tâm lí học ĐHSP Hà Nội đã giúp tôi hóa giải cảm xúc tiêu cực bằng các kĩ thuật rất cụ thể: Kĩ thuật hóa giải cơn tức giận, kĩ thuật lắng nghe và thấu hiểu…

Tôi đã vận dụng chúng linh hoạt vào từng trường hợp cụ thể: hít thở thật sâu, đếm từ một đến 10, Lắc lọ nhũ để ngắm những hạt nhũ lắng đọng.... khi tức giận để kiểm soát bản thân. Ngoài ra tôi gọi tên nỗi tức giận của mình để học sinh biết và giúp mình đưa ra cách giải quyết…

Bạn đọc

Bạn Cuongminh@...:

Một trong những điều tôi thấy áp lực nhất khi làm nghề đến từ… phụ huynh. Nếu chị cũng từng gặp khó khăn này, rất mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm, cách xử lý các tình huống từ chị. Xin cảm ơn!
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp
Cô Lê Thị Nếp

Cha mẹ học sinh đúng là đã tác động tới chúng tôi rất nhiều. Có rất nhiều phụ huynh không hiểu, không đồng cảm và không hợp tác với tôi trong việc giáo dục học sinh. Có những phụ huynh phó thác trách nhiệm hoàn toàn cho giáo viên, có nhiều phụ huynh ảo tưởng về năng lực của con em mình. Có phụ huynh yêu cầu và yêu sách quá cao đối với giáo viên... Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu mới ra trường. Với kinh nghiệm non trẻ, chưa khẳng định được vị thế trước phụ huynh nên tôi đã gặp không ít trở ngại. Tôi đã từng buồn và khóc rất nhiều.

Với tôi để chia sẻ trách nhiệm, để đồng cảm gắn kết cùng nhau thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh thì những buổi gặp gỡ hoặc họp cha mẹ học sinh là rất quan trọng. Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển thì giáo viên và cha mẹ học sinh cũng gần gũi nhau hơn. Việc thông tin hai chiều thường xuyên đã đem lại sự đồng cảm và hiểu nhau từ hai phía.

Bạn đọc

Bạn thuonghuyen_hp@...:

Cô có thể chia sẻ cách cô “tiếp cận” học trò khi bắt đầu nhận lớp, để làm sao các em thấy gần gũi, tin tưởng, nhưng vẫn không mất đi cái uy của người thầy?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Vốn dĩ khi đến trường, em học sinh nào cũng có tâm thế rất sợ giáo viên, mặc dù chúng tôi chưa từng tiếp xúc. Vì thế mỗi khi nhận lớp tôi thường tạo không khí vui vẻ cho ngày đầu tiên đến trường của các em.

Thay vì đưa ra các quy định, nội quy của lớp, của trường, tôi sẽ tìm hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của từng học sinh. Học sinh có thể bộc bạch mọi tâm sự qua các hoạt động vui nhộn để tạo sự gắn kết. Mỗi nội quy được lồng ghép một cách khéo léo thông qua các câu chuyện, các tiểu phẩm. Mục đích của tôi vẫn đạt được mà không làm giảm đi cảm hứng của mỗi học sinh khi làm quen với giáo viên.

Bạn đọc

Bạn dothuha@...:

Cô làm thế nào để hài hòa giữa việc giúp trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và yêu cầu rèn các em theo nền nếp, kỷ cương theo quy định của lớp, của trường?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Trong dạy học tôi luôn cương và nhu đúng lúc và đúng thời điểm. Có những lúc tôi ngây ngô như một đứa trẻ cũng nhảy múa hát ca, chơi trò chơi cùng các em. Nhưng khi cần nghiêm túc trong làm việc thì nền nếp kỉ cương luôn đặt lên hàng đầu. Những nhắc nhở cá nhân khi học sinh mắc lỗi, những vỗ vai ân cần khi học sinh cần xem lại việc làm của mình, những gương người tốt việc tốt được tuyên dương và nhân rộng. Những bài học giáo dục được đề cao.

Bạn đọc

Bạn donthingoctram@...:

Có ý kiến cho rằng, nếu giáo viên trông chờ vào những yếu tố khách quan để tạo động lực làm việc như chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc, trò ngoan giỏi... thì khó bền vững. Điều mà mỗi người thầy có thể tự mình thay đổi được ngay bây giờ để tìm được hạnh phúc, là chính bản thân mình. Cô nghĩ sao về ý kiến này. Bản thân cô tự tạo động lực cho mình như thế nào mỗi lúc gặp khó khăn, nhất là trong công tác dạy học?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp và học trò.
Cô Lê Thị Nếp và học trò.

Trong những lúc khó khăn tôi thường nhắc nhở mình:

- Hãy là người kiên cường: Dạy học là một công việc rất áp lực bởi vì học sinh là những người chưa trưởng thành. Khi đối diện với chúng sẽ không tránh khỏi bực bội và chán nản. Những áp lực tấn công, lấy mất năng lượng của tôi một cách từ từ. Phải luôn có sự lựa chọn: Suy sụp bởi áp lực; trở thành người kiên cường. Để kiên định phải học cách thở sâu.

- Hãy là người tích cực: Đồng hành cùng học sinh đồng nghiệp và phụ huynh nên mình phải là người tích cực, không ai thích người tiêu cực. Điều quan trọng nhất là, nếu muốn người khác hạnh phúc thì trước tiên bạn phải hạnh phúc trước. Khi bạn có cảm xúc tiêu cực, bạn không thể khiến học sinh hạnh phúc. Lúc đó cần tìm phần kí ức tốt đẹp mỗi khi gặp tình huống có vấn đề.

- Hãy là người biết ơn : Để có những suy nghĩ tích cực hãy tìm thấy điều gì đó để mình biết ơn. Khi ta biết ơn năng lượng tích cực sẽ dồi dào trong ta.

- Hãy là người cho đi: Cho đi để trưởng thành. Là người cho đi mình sẽ nghĩ dài và nghĩ xa hơn.

Bạn đọc

Bạn Hongnhungle@...:

Cô đã bao giờ cảm thấy bất lực trước học trò, chán nản với công việc? Nếu có, cô đã vượt qua cảm xúc tiêu cực này như thế nào?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Bản chất của tôi là một người luôn vui vẻ - hài hước. Phương châm sống của tôi là hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời. Chính vì lẽ đó mà nó tác động tích cực đến mọi suy nghĩ việc làm của tôi. Thay vì than vãn trước một hoàn cảnh hay một yếu tố nào chưa đáp ứng thì tôi luôn nghĩ ra cách để thay đổi nó khá hơn. Chìa khóa niềm hạnh phúc của tôi là do tôi và tôi sẽ không giao nó cho ai khác. Trong công tác dạy học cũng vậy.

Bạn đọc

Bạn luonghang@...:

Dạy học vốn áp lực nhưng dạy lớp 1 càng áp lực hơn vì các em còn nhỏ và chưa thực sự quen với cách học ở tiểu học. Bí quyết của cô để vượt qua những áp lực này và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt khi triển khai CT GDPT mới?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp
Cô Lê Thị Nếp

Với 25 năm đứng trên bục giảng và gần 20 năm giảng dạy học sinh lớp 1 đã rèn dũa, tôi luyện cho tôi sự kiên trì, bền bỉ và nhẫn nại. Tôi đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều so với những ngày mới ra trường. Dạy – học đối với tiểu học đã khó nhưng dạy – học đối với các học sinh lớp 1 còn khó khăn gấp bội.

Để làm tốt công việc của mình vượt qua áp lực thì theo tôi người giáo viên phải hiểu được tâm lí lứa tuổi của các em. Kiến thức không khó nhưng khó là ở phương pháp và hình thức tổ chức dạy – học.

Học sinh lớp 1 mau nhớ nhanh quên, ưa thích hoạt động vui nhộn học và chơi. Để thu hút các em tham gia tích cực trong học tập, người giáo viên phải luôn linh hoạt sáng tạo trong mỗi hoạt động lên lớp. Mỗi một tiết học là một món ăn phải chế biến làm sao để các con yêu thích hứng thú mỗi ngày. Giỏi kiến thức là chưa đủ. Phải thực sự yêu trẻ - kiên nhẫn có năng lực sư phạm tốt thì mới đồng hành được cùng các em lớp 1.

Khi triển khai chương trình GDPT mới, là những người tiên phong thực hiện chương trình phổ thông đối với lớp 1, tôi đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn, nghiên cứu rất kĩ chương trình tổng thể ở modul 1, các phương pháp và hình thức dạy học ở modul 2, các phương pháp và cách đánh giá học sinh ở modul 3. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu học tập xây dựng kế hoạch dạy học – kế hoạch bài dạy từng môn học, ứng dụng công nghệ thông tin ở modul 4 và còn nhiều modul tiếp theo nữa.

Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp và quá trình học hỏi không ngừng, tôi đã tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới không mấy khó khăn. Từ việc dạy học tiếp cận kiến thức đến việc giáo dục phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học không quá phức tạp khi người giáo viên hiểu mấu chốt của vấn đề và định hướng của chương trình GDPT mới.

Bạn đọc

Bạn phanvan8x@...:

Theo cô, yếu tố quan trọng nhất tạo nên hạnh phúc của nghề giáo là gì? Yếu tố môi trường làm việc thân thiện và thu nhập cao đã đủ tạo nên ý nghĩa cho một công việc tốt?
Cô Lê Thị Nếp

Cô Lê Thị Nếp

Theo tôi yếu tố quan trọng nhất tạo nên hạnh phúc của bất cứ nghề nghiệp nào là được làm công việc thích, mình đam mê. Nghề giáo viên cũng không ngoại lệ. Những ánh mắt trong trẻo của trẻ thơ, tiếng ríu rít của học trò, những câu nói ngây thơ, tiếng cười hồn nhiên của các thiên thần nhỏ... đơn giản vậy thôi nhưng là ma lực kéo chúng tôi gắn bó với nghề giáo.

Hiện nay với đồng lương chưa thể đáp ứng cuộc sống, môi trường làm việc ở các vùng quê còn vô vàn khó khăn..., chúng tôi vẫn vượt qua để làm tròn sứ mệnh của mình. Còn tất nhiên, nếu với mức lương hợp lí hơn, một môi trường làm việc đầy đủ hơn, chắc chắn chúng tôi, những giáo viên sẽ thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ