Triển khai Chương trình, SGK mới ở ĐBSCL: “Chìa khóa” trao tay giáo viên

GD&TĐ - Sau hơn 2 tháng triển khai chương trình mới ở lớp 1, đến nay việc dạy, học ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi vào ổn định.

HS lớp 1, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.
HS lớp 1, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Kinh nghiệm từ nhà trường và địa phương cho thấy, chương trình triển khai có hiệu quả khi quyền chủ động dạy học của giáo viên được phát huy.

Chủ động giảng dạy, lựa chọn ngữ liệu

Năm học 2020 - 2021, khối lớp 1 thực hiện Chương trình, SGK mới. Việc đổi mới này khiến không ít phụ huynh, giáo viên và nhà trường bỡ ngỡ. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là nội dung, Chương trình, SGK mới, thậm chí ở một số địa phương trở thành điểm nóng, gây dư luận trái chiều. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc triển khai chương trình mới ở lớp 1 khá thuận lợi. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục và các trường, “chìa khóa” tạo sự ổn định chính là chủ động, linh hoạt khi triển khai Chương trình, SGK mới… Tại TP Cần Thơ, sau hơn 2 tháng triển khai, tình hình dạy, học thuận lợi. Cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện. Việc dạy và học theo Chương trình GDPT mớitạitrường tiểu học ở các quận, huyện đi vào nền nếp, ổn định. 

Chia sẻ về dạy, học Chương trình, SGK mới ở lớp 1, cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết:“Chương trình là pháp lệnh, còn SGK là tài liệu nên trường giao quyền chủ động cho giáo viên trong công tác giảng dạy. Giáo viên sẽ lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh của lớp mình. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên họp thống nhất và chủ động đưa ra hướng nghiên cứu bài học, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngữ liệu, gần gũi với học sinh”.

Đánh giá công tác triển khai Chương trình, SGK mới lớp 1, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Ngành đã giao quyền cho giáo viên chủ động thực hiện nội dung chương trình; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các nội dung trong SGK theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại các trường tiểu học; tăng cường dự giờ, thăm lớp nhất là giáo viên lớp 1. Mỗi tháng sở GD&ĐT tổ chức 1 chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học 1 môn học trong Chương trình GDPT mới với lớp 1 cấp thành phố. Sau đó từng quận, huyện triển khai tổ chức lại chuyên đề đó đại trà ở quận, huyện cho 100% giáo viên lớp 1 tham dự. Hoạt động này giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm chuyên môn, nắm vững hơn về Chương trình, SGK, từ đó truyền thụ tốt kiến thức cho học sinh để nâng cao chất lượng dạy học.

Tỉnh Vĩnh Long cũng khuyến khích các trường tiểu học, đặc biệt là giáo viên chủ động trong giảng dạy Chương trình, SGK mới. Về nội dung liên quan đến SGK Tiếng Việt 1, sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu phù hợp để tổ chức dạy học cho học sinh. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, sở cũng lưu ý các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện Chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn. Kế hoạch xây dựng theo hướng mở, không gây quá tải, áp lực cho các em. Giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt là không giao thêm bài tập về nhà.

Kinh nghiệm từ nhà trường cho thấy, chương trình triển khai có hiệu quả khi quyền chủ động dạy học của giáo viên được phát huy.
Kinh nghiệm từ nhà trường cho thấy, chương trình triển khai có hiệu quả khi quyền chủ động dạy học của giáo viên được phát huy. 

Quan tâm khâu tập huấn giáo viên

Sau thời gian triển khai Chương trình, SGK mới lớp 1, nhà trường, giáo viên cũng rút ra một số kinh nghiệm và có những đề xuất. Trong đó cần tập trung hơn khâu tập huấn cho giáo viên; chú trọng hơn trong khâu thẩm định, lựa chọn SGK và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị…

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, khó khăn hiện nay là việc dành nguồn kinh phí theo phân cấp quản lý cho tập huấn giáo viên đại trà các mô đun của chương trình GDPT (kinh phí để đăng ký được tài khoản học trực tuyến hàng năm theo định hướng của Bộ GD&ĐT). Để tháo gỡ, thời gian tới, sở phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo các quận, huyện chủ động lập dự toán, dành nguồn kinh phí đầy đủ, kịp thời bồi dưỡng giáo viên đại trà các mô đun theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới. Đồng thời đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương tổ chức tập huấn linh hoạt bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến… nhằm đáp ứng mục tiêu 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn Chương trình GDPT mới; được bồi dưỡng sử dụng SGK mới với chi phí thấp, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Công tác triển khai Chương trình GDPT 2018 được ngành chỉ đạo sâu sát, bảo đảm theo kế hoạch, lộ trình và định hướng phát triển giáo dục. Trong đó, UBND tỉnh phân rõ trách nhiệm quản lý theo từng cấp, trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan. Chủ động nghiên cứu Chương trình, SGK, đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đến nay, việc triển khai Chương trình, SGK lớp 1 ở tỉnh Vĩnh Long ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ