Triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1: Kinh nghiệm người trong cuộc

GD&TĐ - Nhìn lại việc triển khai Chương trình (CT) GDPT mới với lớp 1 sau một học kỳ, từ cán bộ quản lý (CBQL) tới giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy đều rút ra những kinh nghiệm quý báu.

Học sinh lớp 1 Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 2 (Bắc Hà – Lào Cai) trong giờ luyện đọc. Ảnh: Đức Hạnh
Học sinh lớp 1 Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 2 (Bắc Hà – Lào Cai) trong giờ luyện đọc. Ảnh: Đức Hạnh

Đây là cơ sở để vững tin tiếp tục triển khai hiệu quả trong học kỳ II và những năm tiếp theo.

Nhóm và giữ lửa

Thực tế cho thấy, bước vào triển khai CT và SGK lớp 1 mới, không ít GV vẫn còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong dạy học dẫn tới căng thẳng, hiệu quả từ dạy và học chưa như mong muốn. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh và bản thân mỗi GV tự rút ra kinh nghiệm, dạy và học theo CT và SGK lớp 1 mới đã đi vào nền nếp, hiệu quả.

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai, GV dạy lớp 1 Trường Tiểu học Nông Nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội) chia sẻ: Nhiều GV quen có một chương trình sẵn, lệ thuộc vào SGK, sách GV trong khi chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh. GV có quyền chủ động điều tiết lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của HS trong lớp. 

Mặt khác, chương trình mới không quy định chuẩn đầu ra cho từng bài học, từng tuần hay tháng mà quy định chuẩn đầu ra cho môn học trong năm học. Do đó, tùy thuộc vào từng HS, điều kiện cụ thể của nhà trường, GV lớp 1 cùng với ban giám hiệu (BGH) cần xây dựng kế hoạch môn học sát với thực tế và phù hợp với HS. 

Để bảo đảm mục tiêu phát triển 4 kĩ năng đọc, viết, nói, nghe, GV chỉ cần yêu cầu HS viết đúng, dễ nhìn, dễ đọc là được và để dành thời gian cho việc phát triển kĩ năng đọc, nghe, nói cho HS. Cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng chia sẻ kinh nghiệm: CT mới chuyển cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, do đó GV phải là người truyền cảm hứng để HS được bộc lộ, phát huy khả năng, sở trường, thế mạnh của mình. GV không nên kỳ vọng, áp đặt tất cả HS trong lớp phải đến một đích giống nhau bởi mỗi em có điểm xuất phát khác nhau và năng lực đặc thù riêng. 

Cô Dương Thu Hằng, Tổ trưởng khối 1 Trường PTCS Nguyễn Đinh Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng khẳng định: CT và SGK lớp 1 được triển khai theo hướng mở, GV được trao quyền tự chủ về nội dung, CT cũng như phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng. GV có thể chắt lọc, lựa chọn những gì tinh túy nhất của các bộ SGK, học liệu điện tử… để đưa vào bài giảng trên lớp. Muốn triển khai hiệu quả CT và SGK lớp 1 mới hiệu quả, người thầy cần mạnh dạn, tự tin và tích cực đổi mới sáng tạo, truyền năng lượng, cảm hứng để học trò yêu thích môn học…

Với cô Trần Thị Nguyệt dạy lớp 1A2, Trường PTDTBT Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai), GV được tự chủ về CT thì phải nghiên cứu kỹ để dạy sát với khả năng của HS. Với nhiều ngữ liệu chỉ HS thành phố có thể biết và hiểu nhưng với HS dân tộc lại phải thay thế để phù hợp với văn hóa, truyền thống, đặc thù địa phương. 

Cô và trò Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC

Cần truyền cảm hứng đến giáo viên

Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) bày tỏ: Quá trình quản lý và theo sát GV trong quá trình triển khai CTGDPT mới với lớp 1 khá nhẹ nhàng bởi hiểu rõ bản chất của CT lớp 1. Mặt khác, nhà trường xác định không chạy theo mục tiêu bài học mà nhìn xa hơn về đích đến của HS sau một học kỳ, năm học. 

Mặt khác, việc CBQL hiểu sâu sắc CT và SGK lớp 1 mới cũng góp phần truyền cảm hứng đến GV. Thầy Đào Chí Mạnh cho rằng: CBQL cần hỗ trợ GV trong việc tổ chức dạy học. Mặc dù, công tác tập huấn kĩ càng nhưng không phải GV nào cũng thấu đáo vấn đề. Hơn thế, năm đầu tiên triển khai giảng dạy nên GV càng cần được hỗ trợ từ BGH, tổ chuyên môn... 

Cũng theo kinh nghiệm của thầy Đào Chí Mạnh, để triển khai CT và SGK mới thành công cần định hướng tốt tư tưởng trong phụ huynh vì mọi người thường lo lắng và kỳ vọng. Đôi khi sự kì vọng quá lớn lại tạo ra áp lực trong GV và HS. Có làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh, GV, HS sẽ giảm bớt áp lực…

Từ góc độ quản lý phòng chuyên môn, ông Lê Chính Luận – Phó phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho rằng: Để triển khai hiệu quả hơn nữa CTGDPT mới đối với lớp 1, huyện tiếp tục bồi dưỡng (GV dạy học lớp 1, tổ cốt cán tăng cường tư vấn, giúp đỡ nhà trường). Đặc biệt, nhà trường có danh sách HS chưa hoàn thành môn học và hoạt động giáo dục để theo dõi sự tiến bộ của các em... 

Mặt khác, cũng theo sát và chỉ đạo đội ngũ GV nắm chắc yêu cầu cần đạt của các môn học và hoạt động giáo dục; chú trọng bồi dưỡng HS chưa bảo đảm các yêu cầu cần đạt nhất là HS đọc, viết, tính toán còn chậm và tích cực đánh giá thường xuyên theo Thông tư 27.

Ngành GD-ĐT Bắc Hà bên cạnh các hoạt động chuyên môn tiếp tục nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và truyền thông về giáo dục, đặc biệt là lộ trình thực hiện Chương trình SGK lớp 1 và lớp học tiếp theo. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp mạng lưới trường lớp; tăng cường công tác quản lý GD, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, trao quyền chủ động cho nhà trường, GV trong quá trình thực hiện... - Ông Lê Chính Luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ