Tinh giản biên chế trong nhà trường: Làm khó chính mình?

GD&TĐ - Việc giảm biên chế trong ngành GD không khỏi có những xáo động gây ảnh hưởng chung, rất cần tiếng nói của  người trong cuộc. 

Giờ ra chơi của học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.Ảnh: T.G
Giờ ra chơi của học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.Ảnh: T.G
Cùng với các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tinh gọn bộ máy, biên chế, giảm 9 trường, 188 điểm trường; tổ chức lớp ghép, điều chỉnh phù hợp sĩ số học sinh/lớp mầm non, tiểu học, tăng sĩ số học sinh/lớp đối với cấp THCS để giảm 609 lớp; giảm nhu cầu sử dụng 1.444 người làm việc trong các cơ sở giáo dục. 

Mừng - lo tinh giản biên chế

NGƯT Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Để dồn ghép điểm trường, chúng tôi rà soát, khảo sát thật kỹ trước khi thực hiện: Không sắp xếp, dồn ghép, cắt giảm một cách cơ học, theo chỉ tiêu; dự báo quy mô dân số độ tuổi đi học (bao gồm cả biến động tự nhiên và cơ học); không giảm số người ở vị trí việc làm này nhưng lại làm tăng số người làm việc ở vị trí khác; ở khu vực định canh định cư, khu vực sát biên giới là “phên dậu” của Tổ quốc cần có dân để giữ đất, giữ rừng thì xem xét thật kỹ việc dồn ghép, sắp xếp.

Được biết, đây là mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước là Sở GD&ĐT, còn thực hiện thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào UBND và cơ quan nội vụ cấp huyện, thị, thành phố.

Việc chuyển nhân viên y tế trường học về trạm y tế cấp xã, dùng chung nhân viên kế toán, chuyển chức năng “giáo dục nghề nghiệp” từ Trung tâm GDNN - GDTX cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp… tất cả đều bảo đảm nguyên tắc sau khi sắp xếp, tinh giản thì hiệu quả, chất lượng tăng lên so với trước, bao gồm cả hiệu quả sử dụng nguồn lực vật chất, đội ngũ, chất lượng giáo dục và việc cải thiện đời sống của cán bộ, giáo viên.

Không áp đặt cứng nhắc việc tinh giản, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục được chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, giảm số người làm việc phù hợp với đặc thù của cấp học và tình hình thực tế của địa phương.

Ghi nhận chung thì đã phần nào phát huy hiệu quả, tuy nhiên trong bối cảnh biên chế giáo viên còn thiếu và cần bổ sung thêm thì việc tăng sĩ số học sinh/lớp do giảm lớp, ghép trường đã có những tác động.

Cũng có ý kiến từ cơ sở không khỏi lo lắng nếu ở trường xảy ra tại nạn với học sinh thì vấn đề sơ cứu nhanh khi không có nhân viên y tế tại trường có bảo đảm hay không. Vẫn biết, quan điểm tinh giản biên chế là chung, nhưng giáo dục có những đặc thù rất riêng, nên càng cần sự chia sẻ của các cấp quản lý, đặc biệt ở đây là những người làm công tác nội vụ cấp cơ sở.

Khi giáo viên và nhà trường lên tiếng nhưng lại không nhận được sự đồng cảm của cấp quản lý là điều thật đáng buồn.

Cấp quản lý cần lên tiếng

Năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non Cẩm Sơn 2, TP Cẩm Phả thiếu 4 giáo viên mầm non. Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục các cháu, nhà trường đã dồn từ 11 lớp xuống còn 10 lớp. Trong đó, 9 lớp có 2 giáo viên, chỉ 1 lớp có 1 giáo viên nhưng lại có số học sinh vượt mức cho phép là 50 cháu.

Còn trên toàn tỉnh, theo quy định của Thông tư 06, Quảng Ninh còn thiếu 495 giáo viên mầm non, như thị xã Đông Triều thiếu 116 giáo viên, TP Móng Cái thiếu 107 giáo viên, TP Hạ Long thiếu 76 giáo viên.

Việc thiếu giáo viên trong khi siết chặt việc tinh giản biên chế trong các nhà trường là hoàn toàn có thật. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang đứng trước yêu cầu tinh giản biên chế trong tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học.

Không phải không có những lo lắng cho sự an toàn của trẻ đối với việc dồn ghép điểm trường khiến các cháu phải đi học xa hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ hoặc qua khu vực sông suối, hiểm trở, vắng người; sự an toàn của giáo viên khi di chuyển giữa các trường, điểm trường; chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo lại nhân viên, giáo viên để bố trí vào vị trí làm việc mới hoặc vị trí kiêm nhiệm; việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất còn lại của điểm trường sau khi dồn ghép. Còn ở các đô thị lớn, sự quá tải của các lớp học là vấn đề chất lượng nuôi - dạy…

Tuy nhiên, một thực tế rất khó hiểu là cấp phòng giáo dục được giao quản lý trực tiếp các nhà trường lại không dám thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên. Như ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, không khó khi muốn tìm hiểu tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường nhưng đem điều này đến hỏi trưởng phòng Giáo dục thì lại chỉ nhận được câu trả lời là thành phố đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên.

Chỉ đến khi chúng tôi trực tiếp xuống các trường mới nhận được câu trả lời chính xác là thiếu ở những môn gì, cũng như lo lắng giảm biên ảnh hưởng đến đâu với nhà trường. Vẫn biết, đang tồn tại một bất hợp lý là ngành Giáo dục không được trực tiếp tuyển dụng giáo viên cho mình mà là ngành nội vụ, tuy nhiên một điều vô lý hơn là những người đang trực tiếp điều hành quản lý các nhà trường lại không dám lên tiếng về những bất cập trên.

Tinh giản biên chế là việc cần thiết, tuy nhiên với ngành Giáo dục có đặc thù rất riêng, không thể giảm biên chế một cách cơ học được. Cần sự tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/ lớp, số lớp/ trường sao cho việc giảm biên không ảnh hưởng đến công tác dạy - học và duy trì nề nếp chung. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng cần thống nhất Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế ngành Giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên.  NGƯT Vũ Liên Oanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ