Chồng chéo quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Từ công tác tham mưu của các Sở GD&ĐT trong việc quy hoạch phát triển giáo dục thường xuyên (GDTX) cho thấy sự phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương. 

Các TTGDTX đáp ứng tốt nhu cầu hướng nghiệp cho HS cuối cấp. Ảnh: T.G
Các TTGDTX đáp ứng tốt nhu cầu hướng nghiệp cho HS cuối cấp. Ảnh: T.G

Hệ thống các cơ sở GDTX được các địa phương quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng là HS, SV cán bộ công chức, đội ngũ giáo viên, người lao động và người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập cần tháo gỡ. Đó là việc sát nhập, giải thể dẫn đến chồng chéo trong quản lý Nhà nước. Đây là những rào cản lớn khiến các TTGDTX khó khăn trong hoạt động.

Đơn cử như cuối năm 2018, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đưa ra chủ trương giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX), chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ cho Phân hiệu Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Móng Cái thực hiện. Ngay lập tức có ý kiến chỉ ra bất cập của việc này như Phân hiệu Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Móng Cái không có chức năng, nhiệm vụ GDTX. Việc chuyển giao cũng dẫn đến không bảo đảm được việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, duy trì bền vững kết quả PCGD - XMC phát triển cộng đồng học tập địa phương.

Trả lời công luận về việc này, đại diện Nội vụ TP Móng Cái, cho rằng: Việc đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ để giải thể Trung tâm GDNN - GDTX Móng Cái cho phân hiệu trường dạy nghề là chưa có quy định, vừa làm vừa mày mò (!?).

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, không quá khó để nhìn ra những rào cản ngăn hiệu quả hoạt động của các TTGDTX. Có lãnh đạo cấp Sở GD&ĐT thẳng thắn chỉ ra đó là việc UBND tỉnh chưa thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư số 39/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BNV nên đã sáp nhập TTGDTX với trường trung cấp nghề. Có một thực tế đang phổ biến là còn có địa phương đã thực hiện không đúng văn bản chỉ đạo, chủ động giải thể các cơ sở GDTX mà chưa xem xét, đánh giá khoa học, phân loại những đơn vị hoạt động kém hiệu quả để có biện pháp tổ chức cơ cấu mạng lưới cơ sở GDTX phù hợp với sự phát triển của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người. 

Sau khi công luận lên tiếng, việc chuyển đổi TTGDNN-GDTX của TP Móng Cái đã phải dừng lại. Dẫn một ví dụ trên để minh chứng cho những chuyển đổi khi chưa có sự tính toán thấu đáo về hiệu quả hoạt động sẽ ảnh hướng đến sự nghiệp chung như thế nào.

Vẫn biết rằng những năm vừa qua, một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện, đây là một chủ trương đúng đắn, giúp giảm đầu mối quản lý, giảm chi phí đầu tư, giảm biên chế, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của các trung tâm công lập trên địa bàn cấp huyện.

Tuy nhiên, việc sáp nhập dẫn đến khó khăn hơn trong hoạt động là điều không nên. Cơ chế quản lý còn chồng chéo, nhiều đầu mối (vì theo TTLT số 39, việc quản lý các trung tâm sau khi sáp nhập, cụ thể là: UBND cấp huyện quản lý Nhà nước các TTGDNN-GDTX; Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn về GDTX, GD hướng nghiệp; sở LĐ,TB&XH chỉ đạo chuyên môn về dạy nghề).

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, chưa cần nói tới việc chuyển đổi nhiều khi lại không phải vì sự phát triển chung mà chỉ vì TTGDTX đó có... mặt tiền đẹp. Rõ ràng việc chồng chéo trong công tác quản lý sẽ dẫn đến khó khăn trong hoạt động điều hành.

Đó là việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ, điều động giáo viên, trong khi đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, các đơn vị không được bổ sung và phải tự cân đối trong biên chế đã giao (do yêu cầu về tinh giản biên chế), hoạt động thực hành trong các lớp học BTVH kết hợp dạy nghề ở một số đơn vị gặp khó khăn do không đủ CSVC, phương tiện.

Các quy định hiện hành cũng chưa phân công rõ Bộ nào ban hành Quy chế tổ chức hoạt động, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn giám đốc trung tâm; chế độ, chính sách của cán bộ, giáo viên… Đây đều là những tác nhân dẫn đến khó khăn cho công tác chỉ đạo, quản lý hiệu quả để các TTGDTX hoạt động tốt theo đúng mục đích tôn chỉ đề ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ