Thuyền trưởng đưa trò ra biển lớn

GD&TĐ - Khung năng lực chức danh Hiệu trưởng được đưa ra gồm 5 tiêu chuẩn chủ yếu với 15 tiêu chí và 40 chỉ báo. Xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, chia sẻ ý kiến với báo Giáo dục và Thời đại.

Lễ tốt nghiệp
Lễ tốt nghiệp

Chú trọng năng lực quản lý và đề cao triết lý giáo dục

Khung năng lực chức danh Hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục ĐH vừa được đề xuất gồm 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí và 40 chỉ báo.

Dựa vào thông tin này, có thể nhận thấy để trở thành lãnh đạo của một trường ĐH thì năng lực và trách nhiệm cá nhân của hiệu trưởng phải được đặt lên hàng đầu. 

         
PGS.TS Võ Văn Sen

Trong 5 tiêu chuẩn đưa ra, chúng ta nên phân chia thành 3 nhóm: (1) tiêu chuẩn thuộc về yếu tố cá nhân (Phẩm chất nghề nghiệp và năng lực cá nhân), (2) tiêu chuẩn thuộc về khả năng quản lý (Năng lực quản trị chiến lược, Năng lực tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ, Quản trị thực hiện chức năng giáo dục đại học), (3) tiêu chuẩn thuộc về xây dựng định hướng văn hóa, xã hội (Năng lực tạo lập các mối quan hệ và phát triển văn hóa nhà trường).

PGS.TS Võ Văn Sen bày tỏ sự đồng tình với cách bố trí các tiêu chuẩn đánh giá và thừa nhận khả năng quản lý của hiệu trưởng đóng vai trò then chốt (chiếm 3/5 tiêu chuẩn đánh giá).

Hiệu trưởng nhà trường ngoài tư cách một nhà khoa học thì phải làm công tác quản lý giỏi. Người nắm cương vị lãnh đạo nhà trường cần am hiểu về khoa học quản lý hơn là xuất chúng trên một lĩnh vực khoa học cụ thể. 

Năng lực quản lý của hiệu trưởng trường ĐH được thể hiện thông qua cách thức họ truyền cảm hứng, quy tụ và tạo điều kiện cho các giảng viên khác phát triển sự nghiệp khoa học và giáo dục.
PGS.TS Võ Văn Sen

Bên cạnh đó, thầy lưu ý rằng phải bổ sung yếu tố “triết lý giáo dục” vào trong tiêu chí xây dựng chiến lược phát triển nhà trường (mục 2.1). “Tập trung xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn vẫn chưa đủ. Xác định triết lý giáo dục mới là căn cốt, như ánh sáng soi đường dẫn dắt giáo dục đi đúng hướng.

Triết lý giáo dục thế nào thì sản phẩm giáo dục thế đó. Một thế hệ tương lai được khai phóng tự do hay bảo thủ giáo điều đều phụ thuộc vào cách lựa chọn triết lý giáo dục” – PGS.TS Võ Văn Sen nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, triết lý giáo dục càng cụ thể càng tốt, tránh sự cao siêu trừu tượng. Dựa trên lịch sử hình thành và phát triển của trường ĐH, hiệu trưởng phải là người đầu tiên giác ngộ triết lý và thu hút, định hướng cho tập thể cán bộ, giảng viên tin tưởng vào con đường mà mình chọn lựa.

Có triết lý giáo dục mới triển khai thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn thành một chiến lược bài bản và sâu sắc.

Ngày ra trường
Ngày ra trường

Xây dựng, đào tạo đội ngũ khoa học lớn mạnh 

PGS.TS Võ Văn Sen khẳng định: “Năng lực quản lý của hiệu trưởng trường ĐH được thể hiện thông qua cách thức họ truyền cảm hứng, quy tụ và tạo điều kiện cho các giảng viên khác phát triển sự nghiệp khoa học và giáo dục”.

Đội ngũ giảng viên chất lượng không bao giờ tự nhiên sẵn có. Nền giáo dục của chúng ta vẫn còn thiếu những nhà khoa học giỏi và sản phẩm khoa học chất lượng, điều này dễ dàng nhận thấy từ các nghiên cứu được công bố quốc tế.

Vì vậy, hiệu trưởng nhà trường phải gánh vác trách nhiệm xây dựng đội ngũ khoa học lớn mạnh. Đồng thời, PGS.TS Võ Văn Sen cũng đặt kỳ vọng vào một nhiệm kỳ hiệu trưởng có ít nhất 1 người được vươn lên học hàm cao, được công nhận bằng tiêu chuẩn minh bạch, chính thống. 

PGS.TS Võ Văn Sen cũng đề xuất về công tác quản lý hoạt động đào tạo (mục 4.1). Chỉ báo “Tổ chức xây dựng và phát triển chương trình đào tạo” nên được thay đổi cụ thể thành “Tổ chức xây dựng và đổi mới chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo”.

Lý giải điều này, thầy cho rằng chương trình đào tạo chỉ là phần khung, nội dung đào tạo mới đóng vai trò cốt lõi. Chương trình đào tạo có thể lắp ghép, tô điểm để trở nên hoành tráng nhưng nội dung giảng dạy lạc hậu thì không thể cải thiện chất lượng giáo dục và đánh giá thực chất năng lực hiệu trưởng.

Ngày ra trường
Ngày ra trường

Hiệu trưởng là đầu tàu dẫn dắt trường Đại học hội nhập quốc tế

Trong thời đại CMCN4.0, Đảng và Nhà nước đề cao chủ trương “chủ động hội nhập quốc tế”. Điều này đòi hỏi sự chuẩn hóa của nền giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.

Hiện nay, không có lĩnh vực nào bức xúc, cần quyết liệt, mạnh dạn đổi mới như khoa học và giáo dục, vì đây là bước chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước. 

Đại học là nơi được hưởng nhiều ưu tiên chính sách, cho phép mở rộng giao lưu quốc tế. Hiệu trưởng trở thành đầu tàu năng động, phát triển các mối quan hệ với các cơ sở giáo dục, các Hiệp hội của cơ sở giáo dục ĐH trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, xét về đội ngũ khoa học, trình độ chuẩn hóa, chất lượng nghiên cứu khoa học thì mặt bằng chung các trường ĐH trong nước vẫn chưa rút ngắn được khoảng cách với nhiều nước trên thế giới. 

PGS.TS Võ Văn Sen dẫn chứng quốc gia khởi nghiệp Irael, mới lập quốc từ năm 1948, bước vào thế kỷ 21 đã trở thành nền kinh tế phát triển cao nhờ đội ngũ khoa học mang tầm vóc quốc tế.

 “Cần can đảm để nhận thức rằng không thể hiểu và nói được tiếng Anh thì không thể làm hiệu trưởng”. Hiệu trưởng trường ĐH càng lớn càng phải nhanh chóng thúc đẩy môi trường giáo dục đa văn hóa và tiến tới hoàn thiện phẩm chất công dân toàn cầu. PGS.TS Võ Văn Sen 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.