Nhìn lại việc nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục

GD&TĐ - Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp là một trong 5 giải pháp cơ bản ngành Giáo dục đặt ra trong năm học 2016 – 2017.

Nhìn lại việc nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay Bộ đang hoàn thiện Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông và các chuẩn/khung năng lực hiệu trưởng trường đại học, cán bộ quản lý sở, phòng GD&ĐT.

Trên cơ sở xác định, nhận diện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ cán bộ quản lý, tiến hành xây dựng các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp; đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục thay thế chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ban hành theo Quyết định số 382/QĐ-BGDĐT ngày 20/01/2012.

Các địa phương đã thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, trước hết là sở GD&ĐT nhằm tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đó sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đối với nhân sự không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm thì điều động, bố trí công việc khác.

Một loạt các hoạt động khác cũng được đẩy mạnh như: Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, công tác quản trị nhà trường của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn;

Kiểm tra việc quản lý dạy thêm học thêm, thu chi ngoài ngân sách, tuyển sinh đầu cấp, thực hiện quy định về hồ sơ, sổ sách của các nhà trường và giáo viên; thanh tra việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong cơ sở giáo dục, thực hiện quy chế dân chủ ở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn;

Thanh tra việc liên kết đào tạo trên địa bàn. Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân sai phạm và công khai thông tin cho xã hội, nhân dân được biết.

Các cấp quản lý từ cấp sở, phòng đến các nhà trường nhận thức rõ yêu cầu đổi mới công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu; triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường; đã từng bước chuyển biến tích cực từ phương thức quản lý kiểu bao cấp, áp đặt hành chính sang phương thức quản lý giao quyền tự chủ, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục.

Về hạn chế trong thực hiện giải pháp này, theo Bộ GD&ĐT, một số địa phương thực hiện việc điều chỉnh, sắp xếp bộ máy, nhân sự của phòng, sở còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm sau thanh tra đối với một số cơ sở giáo dục chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ