Quy hoạch mạng lưới trường học: Không thể “ăn xổi, ở thì”

GD&TĐ - Quá trình lập kế hoạch, triển khai cũng như kết quả đầu ra của quy hoạch mạng lưới trường học ở các địa phương là vấn đề nhức nhối của bài toán chung về cơ sở vật chất (CSVC) trường học.

Quy hoạch trường lớp cần có giải pháp tổng thể, dài hơi, không thể “ăn xổi, ở thì”. Ảnh: Sỹ Điền
Quy hoạch trường lớp cần có giải pháp tổng thể, dài hơi, không thể “ăn xổi, ở thì”. Ảnh: Sỹ Điền

Đây vốn được coi là một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam nhấn mạnh thực trạng trên, đồng thời nêu lên 3 nhược điểm trong quy hoạch mạng lưới trường học.  

“Bắt bài” quy hoạch

Thứ nhất, quy hoạch theo tư duy “đồng phục”. Theo ông Ân, tùy theo đặc thù từng vùng miền, đặc điểm dân cư mà xây dựng quy hoạch cho phù hợp.

Không thể “đồng phục” về cách xác định trọng tâm, ưu tiên trong quy hoạch. Đáng lẽ chỉ cần sửa chữa cải tạo hay nâng cấp nhưng quy hoạch lại bỏ đi, cho xây mới.

Quy hoạch không thể giống nhau theo từng khu vực ở mỗi tỉnh và thành phố. Ở thành phố, thị xã quy hoạch phải đặt trọng tâm hướng vào việc tăng dân cư một cách cơ học hàng năm.

Tuy nhiên, tăng dân số ở khu vực đông dân cư, khu đô thị trung tâm lại rất khác với sự tăng dân số ở các khu vệ tinh hoặc các huyện ngoại thành. Dẫn đến, xảy ra tình trạng thiếu trường công ở các khu vực nội thành, nội đô.

Ở các huyện thuộc khu vực đồng bằng hoặc trung du có thuận lợi hơn vì quy hoạch vùng này tương đối đồng đều ở các trường. Ở các huyện miền núi, dân cư thưa thớt, dân số không biến động nhiều, nên đặt trọng tâm quy hoạch vào việc dồn trường, bỏ điểm lẻ ở tiểu học.

Ông Đặng Tự Ân trong chuyến công tác thực tế
Ông Đặng Tự Ân trong chuyến công tác thực tế

Thứ hai, quy hoạch theo cách làm ngược. Nêu thực trạng về vấn đề này, ông Ân viện dẫn, nhiều địa phương, có cách làm quy hoạch thiên về chủ quan áp đặt từ trên xuống hay còn gọi quy hoạch trong “phòng lạnh”. Quy hoạch tổng thể không thiếu nhưng khi triển khai cụ thể của từng khu vực lại thiếu.

Theo ông Ân, quy hoạch phải xuất phát từ đơn vị dân cư cơ sở nhỏ nhất, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tế của thôn, xã, phường về phát triển dân cư, phát triển giáo dục mà xây dựng quy hoạch.

Phải từ thực tế đề xuất quy hoạch các cấp cơ sở và trên căn cứ đó, tỉnh thành phố xem xét điều chỉnh và Hội đồng nhân dân có Nghị quyết quy hoạch chung của địa phương.

Thứ ba, quy hoạch không theo kịp sự thay đổi và phát triển dân cư. Việc dự báo thiếu chính xác do thiếu nghiên cứu thực tế và đôi khi vô cảm của một số người có trách nhiêm, gây ra tình trạng quy hoạch không khả thi, đổ bể, nơi thừa, nơi thiếu, gây lãng phí tiền của hay thất thoát ngân sách của nhà nước. Làm khó cho việc thực hiện kế hoạch giáo dục.    

Ngay tại một số thành phố đông dân cư, hiện tượng quy hoạch không sát thực tế cả về dự báo phát triển xã hội cũng như quy mô trường học tương lai.

Trong quy hoạch theo dự báo dân số nội đô giảm và các đô thị vệ tinh, huyện tăng nhưng thực tế lại ngược lại. Mỗi phường dự kiến 20 ngàn dân, nhưng thực tế 30 hay 40 ngàn dân. Từ đó phá vỡ quy hoạch dẫn đến việc sử dụng kinh phí không hiệu quả, nơi cần xây trường lại không có hoặc thiếu kinh phí.

Học sinh tỉnh Phú Thọ
Học sinh tỉnh Phú Thọ

Cần có giải pháp tổng thể, dài hơi

Khẳng định, vấn đề quy hoạch trường lớp cần có giải pháp tổng thể, dài hơi, không thể “ăn xổi, ở thì”; Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam nhấn mạnh, Luật Giáo dục 2019, đặc biệt Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định cụ thể  trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Đồng thời khẳng định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đảm bảo CSVC cho giáo dục địa phương, các quy định chuẩn về trường học, lớp học, bố trí đủ quỹ đất cho các cơ sở giáo dục.

Tháng 4/2017, Bộ GD&ĐT có văn bản số 1428/BGDĐT-CSCVTBTH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh về tăng cường CSVC cho các trường học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo nghị quyết 29/NQ-TW. Đây là sự cảnh báo sớm từ Bộ chủ quản.

Tuy nhiên đến năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai Chương trình mới giáo dục phổ thông mới thì bài toán CSVC vẫn khó giải, nhất là ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và một số thành phố, thị xã lớn vẫn còn bất bập, nhiều việc cần làm.

Mỗi năm, các địa phương dành nhiều tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp, nhưng mạng lưới trường học tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng. Khu vực đông dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số bình quân học sinh mỗi lớp quá cao, vượt chuẩn quy định.

Mỗi xã phường thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non, TH, THCS. Sĩ số đảm bảo 35 học sinh/lớp. Khu dân cư 30 tới 50 ngàn dân có một trường THPT và đảm bảo sĩ số 40/hs lớp.

Học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, các địa phương đều không thực hiện được kế hoạch đồng loạt, nhất là quận huyện ở các thành phố đông đúc dân cư, gây bất bình đẳng lớn trong giáo dục.

Mặc dù HĐND các địa phương có Nghị quyết phát triển giáo dục 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 30 năm, 50 năm. Nhưng do thiếu những tính toán nghiên cứu, dự báo khoa học nên hầu như quy hoạch bị phá hỏng và nghị quyết không khả thi, khó vào cuộc sống, gây bức xúc trong xã hội.

HS Trường tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An)
HS Trường tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Kiên quyết giữ quỹ đất cho giáo dục

Từ thực trạng nêu trên, ông Ân đề xuất, việc rà soát, điều chỉnh và quá trình xây dựng quy hoạch cần làm một cách khoa học, đảm bảo được tính khả thi cao.

Tập trung quy hoạch kiên cố hóa trường học ở vùng miền núi, vùng xa, nâng cấp, sắp xếp trường lớp phù hợp với sự phát triển ngày một tốt hơn ở các vùng vốn giai đoạn trước có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội khó khăn. Các thành phố lớn chủ động trong quy hoạch trước sự tăng dân số cơ học hàng năm.

Nắm bắt kịp thời những chính sách thay đổi lớn về phát triển kinh tế, về quản lý đô thị của Chính phủ, từ đó có quy hoạch phù hợp và phương án điều chỉnh kịp thời theo thực tế.

Chấm dứt bất cập giữa việc địa phương tăng hàng chục vạn học sinh nhưng số trường lớp được xây mới lại quá ít, không tương xứng. Trường học đợi học sinh mà không thể là học sinh phải dồn ép chỗ học để đợi trường học mới.

Có cơ chế quy hoạch đặc thù cho Hà nội và Tp Hồ Chí Minh, kể cả nâng tầng làm phòng chức năng và nơi hoạt động chung nhà trường. Quan tâm tới đầu tư cho học trải nghiệm, học 2 buổi/ngày, hạ tầng học trực tuyến và khu nhà vệ sinh hiện đại.

Ngoài ra, cần quy rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước có liên quan tới quy hoạch. Xử lý dứt điểm các tổ chức vi phạm làm phá vỡ quy hoạch.

Đồng thời xử lý mạnh tay những tổ chức dùng đất công giải tỏa để xây chung cư, tạo sức ép dân số tiếp tục tăng. Có chế tài thu lại đất đối với các chủ đầu tư chỉ lo làm giầu, xây hộ chung cư mà không lo giáo dục, xây trường lớp. Lo xây nhà để bán mà không quan tâm xây trường hoặc chỉ ưu ái xây trường học tư thục.

Các Bộ ngành TW cần hỗ trợ để không còn tình trạng có nguồn lực thực hiện quy hoạch nhưng không có quỹ đất và ngược lại. Các giải pháp liên quan tới quỹ đất cần quyết liệt, mang tính pháp quy và yêu cầu cao đồng thờinêu cao tính trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như các chủ đầu tư.

“Sở Xây dựng và Sở quy hoạch Kiến trúc phải là cơ quan đầu mối giúp UBND các cấp trong việc rà soát, lập quy hoạch, thực hiện và giám sát quy hoạch. Không thể để ngành Giáo dục tự lo hay chạy đi xin nhờ mối quan hệ thân quen trong các khâu quy hoạch.  Quỹ đất rời đi từ các cụm công nghiệp, các cơ quan TW, kiên quyết dành cho xây trường và làm các công trình phục vụ hoạt động công ích xã hội”Ông Đặng Tự Ân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ