Quá trình triển khai sáp nhập trường lớp đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương với những cách làm khác nhau để thu được hiệu quả mà không mang đến những xáo trộn. Ông Đỗ Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc đã trao đổi xung quanh vấn đề sáp nhập trường lớp tại huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc.
+ Xin ông cho biết vấn đề sáp nhập mạng lưới trường lớp đã được ngành GD-ĐT Lập Thạch – Vĩnh Phúc chuẩn bị và triển khai ra sao để đi tới hiệu quả và tránh được sự xáo trộn trong tâm lý của đội ngũ nhà giáo cũng như HS, PHHS?
Xuất phát từ Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có đề án 01 về sáp nhập tinh giản các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập. HĐND tỉnh có Nghị quyết 22 liên quan đến tinh giản cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn.
Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của T.Ư 6 khóa 12 về sáp nhập, tinh giản các đơn vị sự nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chặt chẽ , kịp thời vấn đề sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục… Ngành GD-ĐT huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc đã thực hiện triển khai sáp nhập lại mạng lưới trường lớp từ năm học 2018 - 2019 theo nguyên tắc mỗi xã có một trường mầm non, một trường TH, một trường THCS.
Huyện Lập Thạch có 70 trường MN, TH, THCS ở 20 xã, thị trấn; trong đó 6 xã, thị trấn có 2 trường tiểu học và 3 xã, thị trấn có 2 trường mầm non. Ở giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh giao cho ngành GD-ĐT huyện Lập Thạch giảm 10% số trường MN, TH, THCS. Đến nay huyện Lập Thạch đã sáp nhập được 4 cặp trường MN, TH trên cùng địa bàn một xã.
Để quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ và nhẹ nhàng đảm bảo được kế hoạch tỉnh giao, trước khi sáp nhập Phòng GD&ĐT đã cân nhắc lựa chọn phương án và đơn vị cần sáp nhập để tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện thực hiện. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như chỉ ra những tác dụng, hiệu quả sau khi sáp nhập đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS, PHHS các trường.
Trước khi thực hiện sáp nhập, Phòng GD&ĐT chủ động xin ý kiến chỉ đạo, định hướng từ lãnh đạo huyện trong việc lựa chọn ai tiếp tục làm hiệu trưởng, ai trở lại chức danh phó hiệu trưởng. Phòng GD&ĐT tham mưu khách quan, vô tư với tinh thần ở hai trường trên cùng một xã đồng chí nào được bổ nhiệm trước thì tiếp tục làm hiệu trưởng; đồng chí nào bổ nhiệm sau thì chấp nhận đưa về làm phó hiệu trưởng trường có hiệu trưởng sắp nghỉ hưu để hồi phục chức danh hiệu trưởng khi có thể.
Với sự tuyên truyền sâu rộng và cách sắp xếp hợp lý nên quá trình sáp nhập các trường tại huyện Lập Thạch đã diễn nhanh chóng, nhận được sự đồng thuận cao của CBQL, GV, HS và PHHS.
Ảnh minh họa |
Với sự chuẩn bị kĩ càng, phải chăng quá trình sáp nhập của giáo dục Lập Thạch không gặp khó khăn nào. Vấn đề thừa thiếu và sử dụng đội ngũ giáo viên cũng giải quyết hợp lý, hiệu quả?
Mặc dù có sự chuẩn bị tương đối chu đáo song sự khó khăn trong quá trình tiến hành sáp nhập không thể tránh khỏi.
Trước hết, vấn đề tư tưởng của một số đồng chí hiệu trưởng khi phải sắp xếp đi làm phó hiệu trưởng trường khác tỏ ra khá băn khoăn trăn trở. UBND huyện đã giao Phòng GD&ĐT mà trực tiếp là trưởng Phòng GD&ĐT mời các đồng chí đó lên trao đổi động viên, phân tích tình hình và nêu rõ quan điểm lựa chọn sắp xếp hoàn toàn khách quan hợp tình, hợp lý do yêu cầu tất yếu của quá trình sáp nhập.
Sau khi nghe phân tích, động viên, các đồng chí đã xác định được vấn đề và vui vẻ chấp thuận. Thậm chí các đồng chí còn cảm thấy tự hào với tinh thần của người đảng viên, người cán bộ sẵn sàng chấp nhận sự phân công từ Phòng GD&ĐT và UBND huyện.
Sau khi sáp nhập, Phòng GD&ĐT đã tham mưu điều động thuyên chuyển kịp thời cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư về các trường thiếu, thiết thực tinh giản và tiết kiệm nguồn nhân lực đáng kể đặc biệt khi huyện nhà cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu so với định mức quy định.
Giai đoạn tiếp theo ngành GD-ĐT huyện Lập Thạch có kế hoạch sáp nhập ra sao với số trường còn lại?
Theo kế hoạch thực hiện đề án sáp nhập trường lớp của tỉnh Vĩnh Phúc chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn 2018 – 2020 các huyện thị giảm 10% số đơn vị trường học (ngành GD Lập Thạch có 70 trường, giảm đi 7 trường còn 63 trường); Giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu giảm tiếp 10% thì ngành GD Lập Thạch sẽ giảm tiếp 7 trường nữa.
Ở giai đoạn 1 việc sáp nhập theo tinh thần mỗi xã, thị trấn có một trường MN, một trường TH và một trường THCS. Sang giai đoạn 2 sẽ thực hiện sáp nhập liên cấp tiểu học với THCS hoặc liên ở bậc THCS. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo chung và chắc chắn sẽ đảm bảo được sự ổn định trường lớp sau sáp nhập.
Ông có thể đánh giá một cách khách quan tính hiệu quả mà quá trình sáp nhập trường học mang lại cho ngành Giáo dục huyện Lập Thạch?
Sau khi sáp nhập mạng lưới trường học tại huyện Lập Thạch dù chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có thể nhìn thấy sự tinh gọn, giảm được đầu mối trường học. Tránh được tình trạng mạng lưới trường học nhỏ lẻ gây lãng phí về con người. Xét về mặt vật chất thì sau khi sáp nhập các cơ sở trường học vẫn được sử dụng và phát huy nên không gây ra sự lãng phí hay ảnh hưởng gì tới quá trình giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh.
Ngoài ra cũng giảm được số cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên chuyên ngành. Sau khi sáp nhập giảm được 4 đơn vị trường học, Phòng GD&ĐT đã rà soát tham mưu luân chuyển về những trường còn thiếu được 5 cán bộ quản lý, 3 giáo viên chuyên ngành và 3 nhân viên trường học, tiết kiệm được nguồn nhân lực của huyện Lập Thạch.
Xét về mặt chất lượng giáo dục, sau khi sáp nhập đã biến các nhà trường nhỏ trở thành trường lớn mạnh hơn, vấn đề sinh hoạt, hội thảo, phân công chuyên môn nhiều thuận lợi. Đặc biệt trong công tác tuyển sinh hàng năm không còn khó khăn phức tạp. Mặt khác, mọi hoạt động học tập của học sinh vẫn bình thường không có sự xáo trộn gì, nên có thể nói chất lượng giáo dục không hề bị ảnh hưởng mà chắc chắn sẽ được nâng lên.
Điều rút ra từ giai đoạn sáp nhập đầu tiên của ngành Giáo dục Lập Thạch - Vĩnh Phúc là gì để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện sáp nhập mạng lưới trường học ở giai đoạn tiếp theo?
Quá trình sáp nhập cho thấy nếu có sự chuẩn bị kĩ càng, quy trình và cách sắp xếp hợp tình, hợp lý thì khâu tiến hành không khó khăn phức tạp. Vấn đề nhạy cảm nhất là công tác tổ chức cán bộ dôi dư nếu có sự đả thông tư tưởng thật tốt và lựa chọn khách quan vô tư thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác sáp nhập.
Có thể khẳng định sáp nhập mạng lưới trường học vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực, vừa mang tới hiệu quả nhiều hơn cho nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy sáp nhập là cần thiết và đúng đắn.
Xin cảm ơn ông!