“Ngưng”… không phải là kéo lùi “chuẩn trình độ đào tạo”

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT “Quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số thông tư do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành” (Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT).

Việc “ngưng” không phải là sự kéo lùi đối với “chuẩn 
trình độ đào tạo” của nhà giáo.
Việc “ngưng” không phải là sự kéo lùi đối với “chuẩn trình độ đào tạo” của nhà giáo.

Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý bày tỏ đồng tình với các quy định của Thông tư này.

Giải quyết tình huống bất cập trước mắt

Được buổi không phải lên lớp dạy học online, cô Trần Thuý Hà – giáo viên Trường Tiểu học Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) dành thời gian để nghiên cứu Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT. Cô đánh dấu tất cả quy định liên quan đến đội ngũ giáo viên để có thời gian nghiên cứu sâu hơn; trong đó có quy định: Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 - Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư này quy định: “Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân với mức đạt là: Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn bản thân”. Cô Hà cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ngưng quy định trên là hợp lý trước khi có văn bản quy phạm pháp luật mới quy định liên quan đến nội dung này. Nhất là trước đó, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung có liên quan đến cắt, giảm một số chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. “Việc tạm ngưng này sẽ tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu. Quan trọng là giải phóng được những áp lực không đáng có cho giáo viên” – cô Hà trao đổi.

Đồng quan điểm, thầy Lê Văn Linh – giáo viên Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) – bày tỏ: “Chuẩn trình độ đào tạo” là một nội dung trong tiêu chí để đánh giá chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục. Các quy định trong Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT phù hợp với thực tiễn khách quan, nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số quy định còn chồng chéo ở nhiều văn bản khá nhau. “Đây là phương án tạm thời, nhằm giải quyết tình huống bất cập trước mắt và bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà giáo” – thầy Linh chia sẻ.

Thầy Linh đồng thời mong muốn, sớm có văn bản quy phạm pháp luật mới để phù hợp với Luật Viên chức, Luật Giáo dục 2019; nhằm tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc về các quy định liên quan đến chuẩn trình độ đào tạo. Văn bản mới cần bảo đảm tính khoa học, lâu dài và đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. “Tôi cũng đồng tình quan điểm, trong thời gian ngưng hiệu lực các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT, cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cá nhân giáo viên không căn cứ quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo hoặc đạt trên chuẩn trình độ đào tạo để đánh giá, tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên” – thầy Linh nêu ý kiến.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Đào Đức Tuấn cho hay: Sở đã nhận được Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT và giao Phòng Tổ chức – Cán bộ nghiên cứu, tham mưu đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện. Tinh thần là, bám sát hướng dẫn của thông tư, những quy định nào đã ngưng sẽ không áp dụng vào thực tiễn, chờ hướng dẫn mới của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thầy - trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Thầy - trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Phương án “tạm thời”

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) thông tin: Bản chất của việc “ngưng” là phương án “tạm thời”, nhằm giải quyết tình huống bất cập trước mắt, bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà giáo - do Luật Giáo dục 2019 điều chỉnh nên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Việc ban hành Thông tư về ngưng hiệu lực quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” ở thời điểm hiện tại là cần thiết để giữ sự ổn định, không làm xáo trộn, ảnh hưởng tới kết quả đánh giá theo chuẩn đối với nhà giáo, đồng thời phù hợp với lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của nhà giáo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và thực hiện Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT. Bên cạnh đó, việc ngưng hiệu lực còn để Bộ GD&ĐT có thời gian nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp thực tiễn.

Cũng theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, đội ngũ nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo hiện nay chiếm khoảng 1/5 của tổng số nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Dù là số lượng nhỏ nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách đối với đội ngũ.

Với nhóm đối tượng đã đạt chuẩn trình độ đào tạo, hiển nhiên đáp ứng được tiêu chí “chuẩn trình độ đào tạo” nên việc “ngưng” không ảnh hưởng tới kết quả đánh giá theo chuẩn của nhóm này. Bản thân mỗi nhà giáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, luôn phải có sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng phát triển bản thân để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đổi mới giáo dục, được ghi nhận, thăng tiến... Vậy nên, việc “ngưng” này không phải là sự kéo lùi đối với “chuẩn trình độ đào tạo” hay giảm động lực phấn đấu, cố gắng của nhà giáo và các cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục khẳng định: Việc ngưng quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” là để bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo do Luật Giáo dục 2019 điều chỉnh nên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định và quyền lợi của các cơ sở giáo dục khi có nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” còn được đề cập ở nhiều Thông tư khác của Bộ GD&ĐT (Điều lệ trường học, Quy chế tổ chức hoạt động trường học/ trung tâm, Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…). Tuy nhiên, Thông tư ngưng hiệu lực này chỉ áp dụng trong lĩnh vực đánh giá theo chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; các lĩnh vực khác như tuyển dụng, giảng dạy, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp… nhà giáo vẫn phải thực hiện theo quy định.

Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để có quy định phù hợp với lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo và thực tiễn công tác đánh giá theo chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các trường học…

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.