Ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo: Không có chuyện kéo lùi hay giảm động lực phấn đấu của nhà giáo

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Một lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - thời điểm chưa có dịch Covid-19
Một lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - thời điểm chưa có dịch Covid-19

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi trên Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.

Kịp thời bảo vệ quyền của đội ngũ nhà giáo

Đối chiếu với các quy định tại các văn bản hiện hành, nếu áp dụng quy định về “trình độ chuẩn được đào tạo” theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, đến nay sẽ có khoảng 280.000 nhà giáo xếp loại ở mức chưa đạt Chuẩn vì chưa “đạt chuẩn trình độ đào tạo”.

- Vì sao Bộ GD&ĐT lại đặt vấn đề ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo?

- Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư quy định về: chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuẩn giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên; kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Theo đó, “chuẩn trình độ đào tạo” là 1 nội dung trong tiêu chí để đánh giá chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên (việc đánh giá được thực hiện hàng năm/theo chu kỳ).

Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã được nâng lên so với trước.

Cụ thể: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS.

Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (áp dụng với nhà giáo tham gia lộ trình nâng chuẩn), ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo (áp dụng với nhà giáo không phải tham gia lộ trình nâng chuẩn).

Tuy nhiên, các văn bản trên còn chưa có quy định việc đánh giá theo Chuẩn đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019. 

Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ không đạt được tiêu chí của kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ do không đạt yêu cầu về tỷ lệ nhà giáo “đạt chuẩn trình độ đào tạo” hoặc “đạt trên chuẩn trình độ đào tạo” theo quy định (mặc dù các tiêu chí khác đạt hoặc vượt so với yêu cầu).

Do vậy, trong thời gian này, khi chưa có các văn bản điều chỉnh phù hợp, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, nhằm kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 trong đánh giá theo Chuẩn và quyền lợi của các cơ sở giáo dục (có nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019) trong kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT)
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT)

“Ngưng” là phương án “tạm thời”

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để có quy định phù hợp với lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo và thực tiễn công tác đánh giá theo chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các trường học.

- Việc ngưng quy định về đạt chuẩn trình độ đào tạo không chỉ áp dụng đối với nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 mà còn áp dụng với cả đối tượng nhà giáo đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo, như vậy có phù hợp?

- Bản chất của việc “ngưng” là phương án “tạm thời” nhằm giải quyết tình huống bất cập trước mắt, bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà giáo mà do Luật Giáo dục 2019 điều chỉnh nên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Việc ban hành Thông tư về ngưng hiệu lực quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” ở thời điểm hiện tại là cần thiết để giữ sự ổn định, không làm xáo trộn, ảnh hưởng tới kết quả đánh giá theo Chuẩn đối với nhà giáo;

Đồng thời, phù hợp với lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của nhà giáo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và thực hiện Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT.

Bên cạnh đó, việc ngưng hiệu lực còn để Bộ GD&ĐT có thời gian để nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo hiện nay chiếm khoảng 1/5 của tổng số nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Dù là số lượng nhỏ nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách đối với đội ngũ.

Với nhóm đối tượng đã đạt chuẩn trình độ đào tạo, hiển nhiên đã đáp ứng được tiêu chí “chuẩn trình độ đào tạo” nên việc “ngưng” cũng không làm ảnh hưởng kết quả đánh giá theo Chuẩn của nhóm này.

Việc “ngưng” là phương án “tạm thời” nhằm giải quyết tình huống bất cập trước mắt, bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh hoạ: TG
Việc “ngưng” là phương án “tạm thời” nhằm giải quyết tình huống bất cập trước mắt, bảo vệ quyền lợi đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh hoạ: TG

- Có ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT là sự kéo lùi những cố gắng, nỗ lực, phấn đấu của nhà giáo và các cơ sở giáo dục? Vậy ông có trao đổi gì về việc này?

- Bản thân mỗi nhà giáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, luôn phải có sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng phát triển bản thân để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đổi mới giáo dục, được ghi nhận, thăng tiến,... Vậy nên, việc “ngưng” này không phải là sự kéo lùi đối với “chuẩn trình độ đào tạo” hay giảm động lực phấn đấu, cố gắng của nhà giáo và các cơ sở giáo dục.

Không để “lách Luật” trong tuyển dụng, bổ nhiệm

- Phạm vi Thông tư “ngưng” hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo chỉ liên quan đến công tác đánh giá, kiểm định… mà không “ngưng” quy định này tại các văn bản khác. Liệu có đảm bảo sự đồng bộ? 

- Trước tiên phải khẳng định: Việc ngưng quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” là để bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, mà do Luật Giáo dục 2019 điều chỉnh nên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định và quyền lợi của các cơ sở giáo dục khi có nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Quy định về “chuẩn trình độ đào tạo” còn được đề cập ở nhiều Thông tư khác của Bộ GD&ĐT như: Điều lệ trường học, Quy chế tổ chức hoạt động trường học/trung tâm, Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp….

Tuy nhiên, Thông tư ngưng hiệu lực này chỉ áp dụng trong lĩnh vực đánh giá theo Chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; các lĩnh vực khác như tuyển dụng, giảng dạy, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp,… nhà giáo vẫn phải thực hiện theo quy định.

Cô - trò Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai)- thời điểm chưa có dịch Covid-19
Cô - trò Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai)- thời điểm chưa có dịch Covid-19

Cụ thể: việc tuyển dụng, bố trí giảng dạy, bổ nhiệm/bổ nhiệm lại phải thực hiện theo quy định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tại địa phương. Theo đó, từ ngày 1/7/2020, việc tuyển dụng giáo viên đã thực hiện theo Luật Giáo dục 2019; trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ quản lý/giảng dạy, nếu chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 sẽ phải thực hiện lộ trình nâng chuẩn theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, hoặc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT về sử dụng nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Mặt khác, việc bổ nhiệm/bổ nhiệm lại phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (tại thời điểm bổ nhiệm lại phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh quản lý).

Như vậy, nếu ngưng quy định “chuẩn trình độ đào tạo” trong các văn bản liên quan đến tuyển dụng, bố trí giảng dạy, bổ nhiệm/bổ nhiệm lại sẽ không phù hợp với các văn bản trên, đồng thời, tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý, tạo điều kiện cho những đối tượng không đủ tiêu chuẩn có thể “lách Luật” để được tuyển dụng, bổ nhiệm.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp: Các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện đã có quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Xin cảm ơn ông!

Các trường hợp chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo sẽ giữ nguyên mã số tiêu chuẩn chức danh và hệ số lương cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào.

Do đó, việc ngưng quy định về đạt chuẩn trình độ đào tạo tại các văn bản này là không cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ