Kỷ luật tích cực gieo mầm thân thiện

Kỷ luật tích cực gieo mầm thân thiện

(GD&TĐ) - Lào Cai là một tỉnh có nhiều HS dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, chiếm trên 70% số học sinh toàn tỉnh. Vì thế, Lào Cai đã triển khai những giải pháp phù hợp với đặc điểm của HS địa phương mình, trong đó có biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Giải pháp hữu hiệu

x
Học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai trong giờ hoạt động thể thao

Những năm đầu thực hiện phong trào, Lào Cai đã áp dụng đồng thời nhiều giải pháp: Xây dựng trường học gắn liền với cộng đồng; thi đua xây dựng trường học có cảnh quan trường lớp đẹp, thân thiện, môi trường giáo dục an toàn; đổi mới phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm... Các giải pháp này đã mang lại những kết quả nhất định, những tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, những kết quả đó chưa thật chắc chắn và bền vững, vẫn còn hiện tượng giáo viên ứng xử chưa thân thiện, giáo dục nặng nề, kỷ luật, phạt HS; vẫn còn những cán bộ quản lý cho rằng để duy trì kỷ luật và kỷ cương thì trừng phạt là biện pháp nhanh chóng, đơn giản hơn so với các biện pháp giáo dục khác. Và vẫn còn nhiều HS ngỗ ngược, gây gổ, bắt nạt bạn bè; có HS bất mãn với thầy cô, chán học, bỏ học.

Khi được tiếp cận với tài liệu “Đổi mới phương pháp quản lí lớp học bằng biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực”, Sở GD&ĐT nhận thấy áp dụng “Kỉ luật tích cực”  sẽ góp phần quan trọng đạt được mục tiêu giáo dục mà các quốc gia đã cam kết trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Đó là: Phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về tinh thần và thể chất của trẻ em; tôn trọng  bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị của bản thân trẻ em; chuẩn bị cho trẻ em sống một cuộc sống có trách nhiệm trong xã hội tự do, theo tinh thần hiểu biết, hòa bình, khoan dung và bình đẳng... Đây cũng chính là mục tiêu mà “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” hướng tới.

Hình thức phù hợp, phương pháp linh hoạt

c
Kỷ luật tích cực giúp học sinh học tập tốt hơn

Để thực hiện giải pháp này, trước hết, Lào Cai vận dụng các phương pháp, hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình. Do đặc thù của Lào Cai có nhiều HS dân tộc thiểu số, tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ của các em, trong khi các thầy cô giáo lại cơ bản là người Kinh, chưa am hiểu nhiều về văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc các em nên khoảng cách giữa thầy và trò khá lớn. Từ đó, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra, như trường hợp một thầy giáo trẻ mới ra trường, lên vùng cao công tác. Khi đến nhà vận động HS đi học, thầy dọa HS nếu không đi học thầy thu ti vi. Em HS nghe vậy tưởng thật nên lao đến cắn tay thầy và bỏ chạy vào rừng...

Trước thực trạng này, ngành GD Lào Cai đã tìm cách thay đổi nhận thức đến việc làm của đội ngũ CBQL và giáo viên. Đặc biệt, giáo viên phải đặt mình vào vị trí của HS, lắng nghe, gần gũi với HS; luôn tìm cách động viên, khuyến khích các em; giúp các em vượt qua rào cản ngôn ngữ; mang lại sự tự tin cho trong học tập; làm các em yêu lớp, yêu trường, yêu bạn bè, thầy cô và thích đi học.

Năm học 2009 - 2010, Lào Cai đã lựa chọn Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) và Trường Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà) để thực hiện mô hình điểm do Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo.

Sau một năm thực hiện, HS tại 2 trường tiểu học này đã biết tự giác chấm công cho chính mình tại bảng chấm công ở mỗi cửa lớp. Giáo viên cùng học sinh xây dựng nội quy lớp học đề ra các việc nên làm và không nên làm, quy định rõ khi có ai vi phạm, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và được các bạn khác trợ giúp. Tại 2 trường này, vai trò của thủ lĩnh lớp học trong việc tổ chức các hoạt động học tập cũng được đề cao, tạo cơ hội để nhiều em trong lớp được thể hiện vai trò của mình.

Bên cạnh đó, GV luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của HS, sẵn sàng đón nhận cả những ý tưởng ngây ngô của các em. Tại Trường TH Thị trấn Bát Xát, HS còn được tham gia vào công tác lập kế hoạch của nhà trường, các phiên họp Hội đồng GD và các phiên họp bàn về việc tổ chức sự kiện trường học...

Nhà trường cũng rất chú ý, quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của từng HS thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Bạn và Tôi (trong đó thầy cô đôi khi là tôi, khi lại là bạn.. ), hoặc qua hộp thư “Điều em muốn nói” của lớp cũng như của trường. HS cũng được rèn kĩ năng diễn đạt và làm giàu vốn tiếng Việt qua hình thức cây sáng tạo, hay được tham gia xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trường học. Từ đó, các em biết chia sẻ với các bạn trong lớp bằng nhiều việc làm, biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp.

Mô hình kỷ luật tích cực ở Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát và Bản Phố, với những hiệu quả to lớn, đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được 100% các trường tiểu học trong toàn tỉnh học tập và làm theo. Tùy điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, mỗi trường lại lựa chọn các cách làm và hoạt động phù hợp để phát huy thế mạnh của HS.

Các trường đã thành lập và tổ chức nhiều câu lạc bộ (CLB) hoạt động sôi nổi: CLB nhà nông nghiệp nhỏ tuổi ở Trường Tiểu học Sán Chải, Sín Chéng (huyện Si Ma Cai); CLB nhiếp ảnh gia nhỏ tuổi ở Trường Tiểu học Tả Phìn, Sa Pả (huyện Sa Pa); CLB khâu thêu ở Trường Tiểu học Pha Long, Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương); CLB múa khèn ở Trường Tiểu học Lao Chải, Hầu Thào (huyện Sa Pa) và Trường Tiểu học Pha Long, Nấm Lư (huyện Mường Khương); CLB  nghệ thuật dân gian ở Trường Tiểu học Bản Phố, Na Hối, Lùng Phình (huyện Bắc Hà); các CLB khiêu vũ, võ thuật, CLB các doanh nhân tý hon, CLB an toàn giao thông, CLB tiếng Anh ở huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, TP Lào Cai...

Từ những CLB này, HS đã rèn được nhiều kĩ năng hữu ích như kĩ năng bày tỏ quan điểm, ý kiến; kĩ năng tự chủ và nâng cao ý thức trách nhiệm; kĩ năng tự phục vụ và sản xuất; kĩ năng tập làm lãnh đạo, tập làm doanh nhân...

Đáng chú ý, những hoạt động này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc cha mẹ HS. Phụ huynh đã cùng vào cuộc với nhà trường, thầy cô để rèn kĩ năng cho con em mình; hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động; ủng hộ về vật chất cho phong trào...

Mặt khác, Sở GD&ĐT Lào Cai đã kết hợp tổ chức nhiều hoạt động, tạo ra những sân chơi lớn cho HS có điều kiện thể hiện khả năng của mình, qua đó nói lên tâm tư, nguyện vọng của các em. Đó là hoạt động giao lưu  tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số; Festival khám phá khoa học và kĩ năng sống cho HS tiểu học; thi HS giỏi dân tộc thiểu số; thi trường tiểu học có cảnh quan trường, lớp đẹp, môi trường giáo dục an toàn, hấp dẫn...

Với việc thực hiện biện pháp GD kỷ luật tích cực, bộ mặt của GD Lào Cai đã có nhiều thay đổi tích cực. Các trường, lớp tiểu học ngày càng đẹp, gọn gàng, sạch sẽ và thân thiện hơn. HS thực sự trở thành trung tâm của nhà trường, làm chủ các hoạt động. Các em HS dân tộc thiểu số đã nhanh nhẹn và tự tin hơn. Mối quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo thực sự trở lên thân thiện. Cộng đồng cũng hiểu và giúp đỡ nhà trường tích cực, hiệu quả hơn. Quan trọng nhất là, ở các trường tiểu học của Lào Cai không còn tình trạng GV trừng phạt, xúc phạm HS, không còn HS bỏ học. Như vậy, mầm thân thiện đã được gieo thành công, hiệu quả trên mảnh đất này.

Những kinh nghiệm trong việc triển khai biện pháp GD kỷ luật tích cực

- Thống nhất trong chỉ đạo và hành động từ cấp Sở đến Phòng, trường làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ. CBQL phải làm gương, GV là người tiên phong thực hiện hoạt động.

- Phát huy trí tuệ của tập thể, tạo điều kiện cho các cơ sở GD có cơ hội sáng tạo vận dụng có hiệu quả  biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

- Vận động cộng đồng, nhân dân vào cuộc để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân.

- Triển khai đồng bộ cùng với các giải pháp, hoạt động khác để phát huy những điểm mạnh của từng nội dung, tạo ra sức mạnh tổng hợp.

- Lựa chọn điểm để chỉ đạo điển hình thành công, tổng kết và tiến hành nhân rộng. Khen thưởng kịp thời những điển hình tiến tiến.

Kim Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.