Kiểm định quốc tế: Đầu tư có trọng điểm về nhân lực và vật lực

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đinh Thành Việt –Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng thì việc tham gia kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) khẳng định được uy tín, học hiệu, chất lượng đào tạo.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tham gia kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực từ khá sớm, xin ông cho biết, ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực để đáp ứng những yêu cầu của công tác kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế?

Để có thể tham gia kiểm định quốc tế và khu vực, ĐH Đà Nẵng đã phải có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một khoảng thời gian khá dài trước khi được kiểm định.

Về mặt tổ chức, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng nên mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) từ cấp ĐH Đà Nẵng cho đến các cơ sở giáo dục ĐH thành viên. Để có nguồn nhân lực có khả năng triển khai các hoạt động ĐBCLGD, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ giảng viên… Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã có khoảng 97 cán bộ đã có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên KĐCL GDĐH & TCCN, trong đó có 23 cán bộ có thẻ kiểm định viên do Cục Quản lý chất lượng cấp.

ĐH Đà Nẵng cũng đã cử 18 cán bộ tham gia các khóa tập huấn đào tạo kiểm định viên, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) theo tiêu chuẩn AUN-QA. Tổ chức USAID cũng đã hỗ trợ cho ĐH Đà Nẵng phát triển CTĐT, phương pháp học tập theo công việc (work based learning) trong dự án USAID COMET. Liên minh châu Âu hỗ trợ ĐH Đà Nẵng kết nối nhà trường với doanh nghiệp qua dự án Hub4growth…

Bằng phương pháp lan tỏa, các cán bộ ĐBCLGD và các giảng viên nòng cốt đã tập huấn lại cho hầu hết các giảng viên của ĐH Đà Nẵng về cách xây dựng CTĐT, đề cương chi tiết, phương pháp giảng dạy tích cực, tương tác với người học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, dạy – học theo dự án (project based learning)… xây dựng các bài kiểm tra đánh giá phù hợp để đáp ứng chuẩn đầu ra; nâng cấp các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy – học theo công nghệ mới.

ĐH Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như HCERES, AUN-QA, CTI... Khi nhận thấy hội đủ các điều kiện về chất lượng đối với cơ sở giáo dục và một số CTĐT trọng điểm, ĐH Đà Nẵng mới mời các tổ chức kiểm định đánh giá.

Điểm quan trọng nhất trong công tác kiểm định chương trình giáo dục, đó là sự đánh giá của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu SV... Điều này có khó khăn gì không trong quá trình ĐH Đà Nẵng tiếp cận với các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như HCERES, ABET, AUN…, thưa ông?

Đúng là ở khía cạnh văn hóa ĐBCL, nhiều cơ sở giáo dục ĐH hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc lấy ý kiến phản hồi, thông tin từ các bên liên quan, đặc biệt là từ phía ngoài trường như doanh nghiệp (DN), nhà tuyển dụng, cựu SV.

Tuy nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào từng ngành đào tạo, tùy vào mối quan hệ của trường, của khoa. Trong thời gian sắp tới, ĐH Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp cận những DN, tập đoàn lớn trong nước hoặc nước ngoài mang tính toàn cầu để cùng thiết kế, đánh giá, góp ý hiệu chỉnh CTĐT, tiến đến có thể đào tạo nên những công dân toàn cầu.

PGS.TS Đinh Thành Việt
  • PGS.TS Đinh Thành Việt

Xin ông cho biết, một số kinh nghiệm có thể áp dụng nhằm giúp hệ thống KĐCL của Việt Nam có khả năng tiếp cận gần hơn với xu hướng phát triển của ĐBCL và KĐCL ở các hệ thống tiên tiến trên thế giới?

Trong thời gian qua ĐH Đà Nẵng đã có 6 CTĐT được kiểm định thành công theo tiêu chuẩn của mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN-QA). Trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 11/10/2018 có 4 CTĐT vừa được AUN-QA đánh giá, đang chờ kết quả; đồng thời trong năm 2019 ĐH Đà Nẵng sẽ có 7 CTĐT tiếp tục được AUN-QA đánh giá. Trước đó, 3 CTĐT Kỹ sư chất lượng cao PFIEV được Tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá tái công nhận đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2016 - 2021.

Về phía đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục thì Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cũng đã đạt chuẩn kiểm định trường ĐH của Tổ chức kiểm định Châu Âu HCERÈS vào năm 2017. Đây được xem là những bước đầu tiên để ĐH Đà Nẵng làm quen, cọ xát với tiêu chuẩn kiểm định của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có một thực tế là để tiến hành kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế thì các cơ sở giáo dục phải bỏ ra một chi phí tương đối lớn. Với tổ chức kiểm định rất uy tín như ABET, ngoài chi phí kiểm định khá cao đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay, cơ sở giáo dục nào sau khi có CTĐT đã được kiểm định thành công thì hàng năm còn phải trả thêm chi phí cập nhật các thông tin trong quá trình cải tiến các điều kiện ĐBCL cho ABET.

Chính vì vậy, về lâu dài, chúng ta phải xây dựng được mạng lưới các chuyên gia KĐCL của Việt Nam có năng lực tốt để có thể thật sự tự đánh giá tốt được các CTĐT nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, có thể nhân rộng những ưu điểm từ mô hình của các CTĐT đã được kiểm định. Một khi mỗi cơ sở giáo dục đều có các chuyên gia đủ mạnh để ĐBCL từ bên trong thì các CTĐT sẽ tự tốt dần lên.

Có một thực tế là hiện nay, số lượng các kiểm định viên có thể tham gia đánh giá CTĐT còn rất khiêm tốn trong khi khối lượng công việc đánh giá chất lượng CTĐT là rất lớn. Vì thế, các cơ sở giáo dục ĐH phải chú trọng không chỉ tăng cường đội ngũ kiểm định viên mà còn cần phải tổ chức bồi dưỡng các chuyên gia để hướng dẫn, tập huấn cách xây dựng CTĐT đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định cũng như có thể đánh giá được các CTĐT.

Kinh nghiệm các trường ĐH ở Hoa Kỳ cho thấy, họ quan tâm ít hơn đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mà tập trung nhiều hơn vào đánh giá, KĐCL CTĐT; họ có thể mời giáo sư, chuyên gia giỏi của trường khác về đánh giá (review) CTĐT của trường mình. Đây là một cách làm vừa hiệu quả vừa giảm chi phí khi thực hiện các đợt đánh giá ngoài khá cồng kềnh mà chúng ta có thể phải suy nghĩ.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT quy định về đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học và Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT về đánh giá chất lượng CTĐT dựa trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của AUN-QA. Đây là bước đi hợp lý của Bộ GD&ĐT nhằm giúp cho công tác ĐBCL của Việt Nam hòa nhập với khối ASEAN.

Ngoài việc xây dựng hệ thống ĐBCL bên trong theo chu trình PDCA, việc ban hành các quy định bắt buộc từ phía Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH về việc đánh giá chuẩn đầu ra của CTĐT (như cách làm của ABET) sẽ giúp cho các CTĐT ngày càng đi vào thực chất, giúp cho người học có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để có thể nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống khảo sát việc làm của người học sau khi tốt nghiệp ĐH một cách tập trung ở tầm quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với hoạch định, điều tiết chiến lược, chính sách phát triển các ngành nghề đào tạo khác nhau.

Chính phủ cũng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước tiên tiến và các nước trong khu vực, ví dụ như chính sách thuế ưu đãi đối với các DN có các tài trợ, đóng góp cho các cơ sở giáo dục ĐH để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa nhà trường với DN, góp phần đưa giáo dục ĐH ngày càng gắn chặt hơn nữa với DN, với thực tiễn. Bên cạnh hoạt động KĐCL, việc nghiên cứu tổ chức xếp hạng hợp lý đối với các trường ĐH của Việt Nam cũng sẽ góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng cho cả nền giáo dục ĐH Việt Nam một cách toàn diện trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng.

Xin cảm ơn PGS.TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ