Xây dựng chuẩn đầu ra là đúng đắn
Có ý kiến cho rằng, hiện nay, hầu như SV cứ vào ĐH là có thể nhận bằng tốt nghiệp. GD ĐH “siết” đầu vào, nhưng vẫn “thả” đầu ra. Từ thực tế quản lý cơ sở GD ĐH, bà thấy điều này có đúng không?
Siết chặt đầu vào ĐH, HS phải miệt mài học tập mới mong thi đỗ vào trường ĐH. Như vậy, những em đỗ ĐH phần lớn phải có lực học từ khá trở lên. Nhưng đỗ rồi, không ít em lại cho phép mình thả lỏng, nghỉ ngơi, chểnh mảng học hành, có tâm lý “trước sau chẳng tốt nghiệp” nên xả hơi và buông xuôi.
Thực tế để đảm bảo chất lượng GD, các trường ĐH hiện nay đều đã xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo. Sau mỗi học kỳ, các trường ĐH thường đưa ra cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học những SV có kết quả học tập kém. Theo tôi, việc đẩy mạnh công tác sàng lọc trong quá trình đào tạo là cách làm phù hợp. Nó giúp SV hiểu rằng việc học ĐH không đơn giản như ở phổ thông, phải chủ động hơn trong quá trình học tập của mình.
Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường khắt khe hơn khi xây dựng chuẩn đầu ra đang tạo nên những thay đổi trong nhận thức của người học ra sao?
Tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường khắt khe hơn khi xây dựng chuẩn đầu ra là chỉ đạo đúng đắn. Bản chất của ĐH là tự học, tự sắp xếp thời gian cho mình. Người học cần thay đổi nhận thức của mình, chủ động trong việc quyết định và tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, không ai gò ép.
Môi trường học ĐH tự do, không có cảnh thầy cô theo dõi, kèm cặp nhắc nhở các em học bài như trước, cũng không có việc điểm danh, kiểm tra bài cũ như thời phổ thông.
Kiến thức có được là sự lắng nghe, chắt lọc từ những bài giảng, là cả một quá trình tự học của bản thân… Ý thức của bản thân sẽ là yếu tố quyết định nhất với năng lực học tập của từng em.
Thế nên, không ít HS thoát khỏi sự kìm cặp của ba mẹ nên tự do thoải mái thích học thì học, thích chơi thì chơi rồi trượt dài không thể dừng lại được.
Kiên quyết trong sàng lọc
Có ý kiến nhận định việc sàng lọc trong quá trình đào tạo với những trường top đầu khá tốt, nhưng ở những trường top dưới và trường ngoài công lập lại có vấn đề. Bà có nhận xét gì về điều này?
Theo tôi, ở bậc ĐH, quan trọng nhất là quá trình học chứ không phải chất lượng đầu vào. Thực tế tuyển sinh cho thấy, đa số SV vào Trường ĐH Thành Đô có chất lượng đầu vào không cao so với nhiều trường khác. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải tuân theo quy luật đào thải, áp dụng với những SV có kết quả học tập yếu kém. Nhà trường kiên quyết trong việc sàng lọc và đào thải những SV không đủ năng lực, ý thức học.
Việc này nên được nhìn nhận ở góc độ tích cực, bởi sẽ nguy hiểm nếu để SV cứ vào được là ra được, ảnh hưởng chất lượng đào tạo và trình độ của người tốt nghiệp. Tôi cho rằng việc mạnh tay buộc thôi học SV yếu kém, nhìn từ góc độ nào đó lại có lợi cho chính người học.
TS Phan Thị Thanh Thảo
Bà nghĩ sao về quan điểm cho rằng: GD ĐH Việt Nam phải hướng đến tương lai đầu vào có thể rộng, nhưng đầu ra phải hết sức chặt chẽ. Muốn thế kiểm định GD phải được coi là một trong những biện pháp hàng đầu để bảo đảm chất lượng GD?
Siết chặt đầu ra ĐH sẽ buộc người học muốn ra trường phải lăn vào học hỏi, tìm tòi, tích lũy kiến thức, chuyên môn. Bù lại, chúng ta sẽ nâng chất lượng đào tạo, SV ra trường vừa có kiến thức, vừa vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước tỷ lệ số lượng trung tâm kiểm định chất lượng GD so với các trường rất thấp. Việc kiểm tra chất lượng đang rơi vào tình trạng quá tải đáng báo động. Hầu như việc đánh giá chất lượng của các trường hiện nay còn khá thô sơ, lực lượng kiểm định quá mỏng, gây ra nhiều bất cập, lúng túng. Đặc biệt các quy định còn rườm rà, dẫn tới kết quả không chính xác nhanh chóng.
Xin cảm ơn bà!