Khởi sắc Sư phạm

GD&TĐ - Nếu như những năm trước, ngành sư phạm “đỏ mắt” tìm sinh viên giỏi, thì năm nay, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm đã tăng lên đáng kể, tương đương với nhiều trường ĐH khối khoa học, kỹ thuật, kinh tế khác. Đây là một tín hiệu đáng mừng của ngành Sư phạm.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Thông tin thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế đăng ký tuyển thẳng vào học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Sau gần 20 năm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới có thí sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế đăng ký tuyển thẳng. Không những thế, trường còn tuyển thẳng hơn 100 thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Niềm vui này không chỉ của riêng Trường ĐHSP Hà Nội mà là niềm vui chung của ngành GD. Như GS Phạm Minh Hạc đã từng nói: “Riêng ngành Sư phạm cần có đầu vào cao, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo”.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn tuyển cho các trường sư phạm, năm 2018, Bộ GD&ĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Trong đó quy định, thí sinh xét tuyển vào trường sư phạm phải có học lực giỏi. Với các nhà sư phạm, mong muốn có được những thế hệ sinh viên vừa có tâm, vừa có đức, vừa có tài để phục vụ sự nghiệp giáo dục sau này là lý do chính đáng.

Các trường sư phạm được coi là “máy cái”, đào tạo giáo viên phổ thông cho mỗi địa phương. Đầu ra của các trường sư phạm là đầu vào của ngành giáo dục. Nếu chất lượng đầu vào tốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, việc thu hút những thí sinh có học lực giỏi vào ngành sư phạm rất quan trọng.

Thực tế, những năm gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm do 3 yếu tố: Việc làm, thu nhập và tôn vinh, cơ hội thăng tiến. Khó khăn lớn nhất hiện nay của đào tạo sư phạm là đầu ra cho sinh viên. Chính vì thế, năm 2016, Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát, đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 732/QĐ-TTg về đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Quyết định này chỉ rõ, trong giai đoạn từ 2016 - 2020 cần đào tạo thêm 190.000 giáo viên, tương đương mỗi năm khoảng 47.500 người. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay không năm nào tuyển được 47.500 sinh viên.

Năm 2019, nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh tăng hơn 63.000. Chỉ tiêu các ngành sư phạm chỉ chiếm khoảng 70% nhu cầu các tỉnh. 30% còn lại để các địa phương thu hút các sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm đúng ngành. Trong khi đó, thống kê cho thấy nguyện vọng đăng ký vào các trường sư phạm năm nay giảm so với năm trước.

Mặc dù vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định không hạ “điểm sàn” để lấy đủ số lượng. Điều đó khẳng định, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai là hết sức cần thiết. Nếu có đầu vào tốt thì đầu ra tốt. Nếu đầu vào là sinh viên kém năng lực, không yêu nghề thì sẽ khó có cách gì để đầu ra có được giáo viên giỏi.

Vai trò của thầy cô vẫn là những người lái đò đưa học sinh đến bến bờ tri thức. Học sinh giỏi chọn nghề giáo là tín hiệu tốt cho giáo dục. Trong suy nghĩ của đa số người dân Việt Nam, nghề giáo được nhiều người tôn trọng. Có thể người thầy chưa hẳn cho chúng ta kiến thức cao siêu, nhưng cũng để lại cho chúng ta những hình ảnh về nhân cách, sự tận tụy, trách nhiệm trước những học sinh. Vì vậy, tuyển sinh sư phạm phải có sự chọn lọc ngay từ ban đầu. Tinh giản những giáo viên chây ỳ trong giảng dạy phổ thông và có chế độ ưu đãi đối với cử nhân sư phạm. Đến lúc ấy, ngành Sư phạm sẽ thu hút được nhiều thí sinh có khả năng học tập tốt, ngành Sư phạm không sợ chất lượng thấp.

Chúng ta đang trong quá trình đổi mới CTGDPT. Chất lượng đào tạo sư phạm sẽ quyết định thành bại của quá trình đổi mới. Khi các trường sư phạm đã làm tốt và nghiêm túc đầu vào thì địa phương và các ngành liên quan cũng cần có những chính sách riêng đối với sinh viên sư phạm, đặc biệt là sinh viên giỏi để các em yên tâm khi chọn ngành Sư phạm. Chúng ta hi vọng về một thế hệ giáo viên tương lai đủ tâm, đức, tài - nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ