Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học phổ thông như: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tìm tòi nghiên cứu, dạy học dự án, phương pháp “bàn tay nặn bột”, Mô hình Trường học mới (Mô hình VNEN), Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục (TV 1-CNGD)...
Những đổi mới trong chỉ đạo thời gian vừa qua không phải là thực hiện chương trình mới mà là “thực thi” những phương pháp, kỹ thuật dạy học nhằm tăng cường sự tích cực, hứng thú của học sinh trong học tập. Việc áp dụng các mô hình này đã được Bộ GD&ĐT đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Thông qua việc tổng kết, đánh giá cho thấy việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học đã đạt nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn có những hạn chế do điều kiện về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sĩ số lớp học đông. Một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn nặng thói quen bao cấp, áp đặt, cản trở sự đổi mới. Tâm lý làm theo thói quen, ngại đổi mới của nhiều giáo viên còn tồn tại; kỹ năng thực hiện trong thực tế về dạy học tích cực của một số giáo viên chưa thuần thục, dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh chưa kịp thời, đầy đủ nên chưa tranh thủ được sự ủng hộ, tham gia của chính quyền, cộng đồng và cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đánh giá khảo sát, để điều chỉnh những bất cập và phát huy những điểm tích cực, giúp cho việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học thực sự thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt hơn công tác truyền thông để chủ động tuyên truyền tới toàn xã hội hiểu đúng về chủ trương đổi mới, tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và xã hội. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý theo hướng đổi mới cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp để một mặt áp dụng hiệu quả hơn các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, mặt khác, coi đây chính là giải pháp truyền thông tốt nhất để đông đảo cha mẹ học sinh và xã hội hiểu đúng về những đổi mới mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo.