Giải bài toán thiếu giáo viên: Trường sư phạm vào cuộc

GD&TĐ - Triển khai Chương trình GDPT 2018, chỉ tính số lượng, hiện giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu so với quy định. Địa phương, trường sư phạm đang nỗ lực vào cuộc để đáp ứng yêu cầu đổi mới…

Địa phương, trường sư phạm đang vào cuộc để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Địa phương, trường sư phạm đang vào cuộc để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới

Trong bối cảnh mỗi năm hàng nghìn giáo viên về hưu, chương trình mới yêu cầu tối đa 45 học sinh/lớp. Tăng cường giáo viên các môn học Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học cho bậc tiểu học, dân số tiếp tục tăng nhanh… có khả năng dẫn đến nguy cơ thiếu trầm trọng giáo viên trong vài năm tới.

Tình trạng thiếu giáo viên đáng chú ý nhất là cấp tiểu học, mầm non. Theo số liệu công bố tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, toàn quốc thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non theo định mức. Đây là số lượng còn thiếu sau khi đã được bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên trong năm học 2019 - 2020.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng Tổ chức - Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Long An cho biết: Trong các năm tới nhu cầu GV mầm non, tiểu học vẫn căng thẳng. Tại Long An, năm nay nhu cầu tuyển giáo viên mầm non là 332 chỉ tiêu, tiểu học là 377 chỉ tiêu, THCS là 343 chỉ tiêu; nhu cầu tuyển giáo viên, nhân viên trường  THPT là 213 chỉ tiêu.

Theo cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo, TP Tân An (Long An), trường vẫn chưa có giáo viên được đào tạo dạy liên môn. Trước mắt, nhà trường bố trí cho cho thầy cô tập huấn bồi dưỡng trực tuyến theo Chương trình SGK mới của Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như khả năng của giáo viên sẽ phân dạy các môn học theo chương trình mới. Chẳng hạn, trong môn Khoa học tự nhiên, phân môn Hóa, nhà trường phân giáo viên Hóa dạy…

Tình trạng trên xảy ra tương tự tại Trường THCS Phường 5, TP Tân An (Long An). Thầy Trần Minh Phước, Hiệu trưởng cho hay: Trường chưa có giáo viên được đào tạo dạy đa môn nên trước mắt các giáo viên trẻ được động viên đi học bổ sung thêm môn còn lại.

Tại một số địa phương vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cà Mau, nhiều điểm trường lẻ ở xa trung tâm chưa được bố trí đủ chỉ tiêu, biên chế. Đặc biệt là các môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, nên rất khó khăn trong triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ giáo viên theo quy định (1,5 giáo viên/lớp) chưa đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả. Cơ cấu loại hình giáo viên chưa hợp lí, còn thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ… Theo báo cáo của các huyện và TP Cà Mau, lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới đến năm 2024 - 2025 cần 5.719 giáo viên, tức còn thiếu 364 giáo viên. 

Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ báo cáo Seminar cấp Khoa về lĩnh vực Khoa học giáo dục.
Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ báo cáo Seminar cấp Khoa về lĩnh vực Khoa học giáo dục.

“Tăng tốc” đào tạo nhân lực

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện chương trình mới, các trường sư phạm và địa phương đã và đang tăng tốc rà soát đội ngũ để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng.

Trường ĐH Đồng Tháp nhiều năm qua đã ký kết hợp tác đào tạo với Sở GD&ĐT Đồng Tháp, các phòng GD&ĐT trên địa bàn và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm kết nối chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng, tăng cường thực hành nghề nghiệp. Song song đó, trường cũng xây dựng cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo từng năm.

Đặc biệt, trường sẽ hoàn trả học phí cho sinh viên sư phạm chuyên ngành Toán học, Hóa học, Tiểu học được tuyển sinh bắt đầu từ năm 2019 nếu ra trường thất nghiệp. Theo PGS.TS Trần Quang Thái, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Đồng Tháp), với 3 ngành học đang hướng đến đào tạo chất lượng cao nói trên, nhà trường khẳng định sẽ hoàn trả học phí 4 năm cho sinh viên nếu không có việc làm, không có chỗ dạy sau khi ra trường. Cam kết hoàn trả học phí là một giải pháp để tạo động lực, tự tạo áp lực để người dạy và người học phải cùng nỗ lực…

Để đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy các môn tích hợp, hiện nhiều trường sư phạm cũng khởi động mở các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành này. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết: Ngoài 18 chương trình đào tạo giáo viên hiện có, trường đã tuyển sinh và đào tạo thêm hai chương trình mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch Sử - Địa lý. Năm 2020, hai ngành này được nhiều thí sinh quan tâm đăng kí xét tuyển. Dự kiến trong năm 2021, trường tiếp tục tuyển sinh hai ngành này.

Theo Thạc sĩ Lê Phan Quốc, trường cũng hoàn tất đề án và đang trình Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt mở thêm hai ngành mới là Sư phạm Công nghệ và Giáo dục công dân. Nếu được phê duyệt sớm, trường tiến hành tuyển sinh ngay trong năm 2021 để kịp thời cung cấp giáo viên dạy các môn mới ở trường phổ thông.

Hệ thống các trường sư phạm cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Như Trường ÐH Cần Thơ, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tăng thêm 1.150 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo sư phạm, nâng tổng chỉ tiêu tuyển của khối ngành này lên 1.500 sinh viên. Việc tăng chỉ tiêu cho các trường ĐH trọng điểm cả nước nói chung, Trường ÐH Cần Thơ nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên phục vụ Chương trình GDPT mới của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Theo các trường, ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng hơn năm ngoái do nhu cầu xã hội, đặc biệt là đào tạo đội ngũ để đáp ứng lộ trình áp dụng Chương trình GDPT mới, nhất là ở một số môn học mới như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, Giáo dục trải nghiệm...

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, hiện Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo thông tư về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học. 
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm, những người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp với các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học; Những người được tuyển dụng làm giáo viên nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp theo quy định của Bộ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ