Dạy học trực tuyến: Bước qua thách thức

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến (DHTT) không còn xa lạ với đa số giáo viên (GV) do được tập dượt trong năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.

Đội ngũ GV đã ứng dụng CNTT vào dạy học hiệu quả sau những trải nghiệm dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Đội ngũ GV đã ứng dụng CNTT vào dạy học hiệu quả sau những trải nghiệm dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC

Bỏ qua những bỡ ngỡ, thách thức ban đầu, GV đã và đang biến áp lực thành cơ hội để hội nhập và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chủ động nhập cuộc

Là GV năng động, thường xuyên tương tác với học trò trong thực tế cũng như trên thế giới mạng nhưng cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cũng có những lo lắng ít nhiều ở thời gian đầu chuyển sang giảng dạy trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

“Đây thực sự là thay đổi cũng như thách thức lớn với toàn ngành Giáo dục, đặc biệt là GV. Chúng tôi đa số không được đào tạo DHTT nhưng đã phải tạm thời rời bỏ bảng đen, phấn trắng để làm quen và giảng bài trước bàn phím và màn hình vi tính là điều không dễ dàng”, cô Hải bày tỏ

Những giờ học livestream đầu tiên với nhiều thầy cô là kỉ niệm và kinh nghiệm không quên. Dù đã vận hành thử trước 1 - 2 lần nhưng khi vào DHTT vẫn xảy ra tình trạng mất tiếng, mất hình hoặc mất cả hình lẫn tiếng. Thậm chí, GV ấn nhầm nút ngừng phát nhưng không biết vẫn giảng dạy hăng say. Tiết học trực tuyến không dài mà cả GV, HS phải “tìm” nhau mấy lần bởi mạng bị “đứt”…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với nhiều thầy cô không phải là làm quen với DHTT mà là việc sắp xếp lại nội dung DHTT sao cho ngắn gọn, trọng tâm, bổ sung tài liệu, bài tập giúp HS hiểu bài. Ngoài ra, các thầy cô cũng phải tự tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau những hình thức kiểm tra, đánh giá hiệu quả dạy học, tiếp thu của HS sao cho phù hợp và chính xác với DHTT...” – cô Nguyễn Hồng Hải nhớ lại.

Đến nay, dạy học trực tiếp trở lại bình thường với thầy cô và học trò song không thể không khẳng định DHTT trong những tình thế, thời điểm cần thiết đã phát huy được thế mạnh, sứ mệnh của mình. Phương thức giảng dạy này đã mở ra cho GV nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ, làm mới chính mình để đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục.

Lớp học trực tuyến của cô Nguyễn Thanh Ngọc – Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) đã phát huy hiệu quả giáo dục.
Lớp học trực tuyến của cô Nguyễn Thanh Ngọc – Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) đã phát huy hiệu quả giáo dục. 

Cơ hội lớn cho người thầy

Cô Nguyễn Thanh Ngọc – GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) khẳng định: DHTT là bước đệm cần thiết để GV được tiếp cận với những kiến thức mới trong thời đại 4.0. GV có thể tự đổi mới bản thân, nâng cao kiến thức, tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mới trong nước và nước ngoài.

Đây là thử thách, trải nghiệm không thể thiếu trong bối cảnh giáo dục đổi mới từng ngày, CNTT chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nó đã giúp GV nhanh chóng thích nghi, ứng phó với mọi tình huống trong giáo dục.

Cô Nguyễn Thanh Ngọc minh chứng: Năm học trước vì dịch Covid bất ngờ bùng phát, HS phải nghỉ học thời gian dài và GV phải làm quen với việc DHTT. Nhưng với năm học này khi học sinh nghỉ học, nhà trường, tổ chuyên môn và GV hoàn toàn chủ động, nhanh chóng thống nhất nội dung giảng dạy…

“Nếu bước vào DHTT chuyên nghiệp, tôi tin đội ngũ GV của trường sẽ không bị động bởi chúng tôi thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn cũng như sử dụng CNTT trong giảng dạy. Chúng tôi cũng được tiếp cận với những phần mềm, công nghệ hiện đại, giúp cho việc DHTT không hề khó khăn. Thậm chí, nhiều thầy cô còn cảm thấy thú vị …” – cô Ngọc bày tỏ.

Cô Phạm Thị Thu Hương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) chia sẻ: DHTT ban đầu có không ít khó khăn. Về phía gia đình, nhiều phụ huynh không có điện thoại thông minh, mạng Internet kém. Về phía GV bỡ ngỡ, phải nhanh chóng học đồng nghiệp, tự nghiên cứu để bắt kịp yêu cầu DHTT…

Tuy nhiên tới nay, GV đã sẵn sàng chủ động trang bị cho mình những phương thức xây dựng bài giảng trực tuyến mới hơn, sinh động hơn. Nhiều thầy cô còn tham khảo phương cách xây dựng bài giảng từ nước ngoài, học hỏi và tiếp thu nhằm cải thiện tối ưu phương thức DHTT.

Đặc biệt, sau DHTT các thầy cô đã trang bị cho bản thân và tổ chuyên môn kho học liệu với hệ thống bài giảng, câu hỏi và bài tập, đề kiểm tra trực tuyến phong phú, đa dạng phục vụ cho phương án dạy học trực tuyến.

Thầy Nguyễn Đức Nguyện – Hiệu Trưởng Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (Văn Bàn – Lào Cai) bày tỏ: Thời gian DHTT không chỉ mang lại cho nhà trường, GV những thách thức mà còn tạo ra cơ hội.

Thầy cô được tiếp cận với hình thức dạy học mới mẻ, cơ hội để thay đổi chính mình, nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếp cận với hiện đại của khoa học công nghệ. Để tiết học trực tuyến thật sự lôi cuốn, bản thân GV phải chủ động và nỗ lực cấu trúc bài giảng và tiết học sao cho phù hợp, giúp HS không nhàm chán, mất tập trung…

Về phía nhà trường, triển khai DHTT buộc ban giám hiệu bằng nhiều cách nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu DHTT; Chủ động bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV về ứng dụng CNTT chuyên nghiệp, bài bản hơn...

Với sự chuẩn bị kĩ càng về cơ sở vật chất cũng như khả năng thích ứng trong DHTT của đội ngũ GV, chúng tôi tin rằng DHTT không còn là nỗi lo, sự ngần ngại. Các thầy cô đã sẵn sàng với DHTT, cùng HS vượt qua khó khăn khi việc học trực tiếp tạm thời bị gián đoạn... - Thầy Nguyễn Đức Nguyện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.