Cần quan tâm hơn đến các loại hình tín dụng khi sửa Luật Giáo dục

Cần chính sách tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa
Cần chính sách tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa

Đó là những góp ý thẳng thắn của các đại biểu tại buổi góp ý cho Dự án Luật giáo dục (sửa đổi) sáng nay tại TPHCM do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức.

Minh bạch hơn các loại hình tín dụng cho giáo dục

Tại hội nghĩ lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật, Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng: Tín dụng giáo dục rất quan trọng bởi ngay cả những quốc gia phát triển họ vẫn còn nhắc đến rất nhiều và chi tiết về các loại hình tín dụng cho giáo dục trong luật. Nhưng với Việt Nam, một đất nước đáng phát triển, đang sửa đổi và hoàn thiện Luật giáo dục, việc tín dụng giáo dục được nhắc đến trong luật chỉ có vỏn vẹn 2 dòng là quá ít.

“Cá nhân tôi thấy, chúng ta cần có một chương chi tiết về việc này, tôi tha thiết mong mỏi điều đó. Vì để phát triển giáo dục Việt Nam đúng hướng thì tín dụng giáo dục cần được quan tâm nhiều hơn trong luật giáo dục này.

Bởi nó không chỉ tạo điều kiện để người học có thể vay tiền, được hỗ trợ trong việc học, mà còn giúp hệ thống giáo dục từ bậc THPT đến ĐH có nền tảng hơn. Nếu chúng ta có biện pháp và cách thức thực hiện tín dụng giáo dục một cách tốt nhất, giáo dục Việt Nam sẽ phát triển tốt”- Luật sư Trương Thị Hòa góp ý.

Đồng tình với góc nhìn của Luật sư Trương Thị Hòa, bà Phạm Phương Thảo- nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM cho rằng; Ngoài việc minh bạch hơn, chi tiết hơn về các loại hình tín dụng trong giáo dục qua văn bản Luật thì các chính sách tốt hơn, cao hơn cho đội ngũ nhà giáo, cần có sự ưu tiên đặc thù để đảm bảo không chỉ cuộc sống của họ mà cho cả gia đình họ.

Theo bà, thực tế với mức lương hiện tại, để kêu giáo viên đảm bảo cuộc sống là rất khó nếu họ không tìm cách để có thu nhập thêm. Vì vậy bà Thảo đề nghị Luật điều chỉnh lần này cần xem xét nâng mức lương giáo viên lên làm sao ngang bằng với hệ số của lực lượng vũ trang. Lúc ấy mới giài quyết được những phức tạp nảy sinh trong nghề giáo vì mức sống quá thấp.

Bà cũng cho rằng phải giă tăng thêm nữa ngân sách đầu tư cho giáo dục, thay vì đóng khung ở mức 20% như hiện nay. Bởi trong thực tế, nhiều địa phương đã gia tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục lên mức 25-28%

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý cho dự thảo luật giáo dục sửa đổi
Luật sư Trương Thị Hòa góp ý cho dự thảo luật giáo dục sửa đổi 

Triết lý giáo dục là điều cần thiết nhưng cần rõ ràng hơn

Bàn về triết lý giáo dục, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, đó là điều cần nhưng triết lý ấy phải đảm bảo làm sao giáo dục phát huy được hết những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Ông Trần Quốc Tú- Sở Tư Pháp TPHCM cũng tin rằng trong mọi vấn đề, đạo đức của nhà giáo, truyền thống của dân tộc vẫn là cái gốc, là cơ sở để xây dựng nên mọi hoạt động trong nhà trường. Vì vậy, Luật lần này bên cạnh việc yêu cầu về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhà giáo, thì cũng cần mở rộng hơn việc bồi dưỡng về tác phong, đạo đức, chuẩn mực của người thầy nhằm tránh những điều đã và đang xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội.

“Triết lý giáo dục hay nói đơn giản là mục tiêu giáo dục của chúng ta là đào tạo ra những con người Việt Nam toàn diện, có phẩm chất, năng lực và đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần xem trọng việc bồi dưỡng đạo đức, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ. Bởi suy cho cùng đạo đức là gốc của con người.

Chúng ta phải làm sao đào tạo ra những con người đảm bảo các kỹ năng tối thiểu, sức khỏe, thể chất. Xây dựng một con người toàn diện theo hướng có tri thức, tư duy độc lập để xây dựng được tinh thần khởi nghiệp, hội nhập quốc tế cũng như bảo vệ tổ quốc “- ông Tú góp ý.

Góp ý cho Luật dưới góc nhìn xã hội, bà  Phạm Phương Thảo cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, công nghệ và việc làm thế giới đang biến đổi hàng ngày, chương trình giáo dục chúng ta phải làm sao đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, khi tình hình xã hội ngày càng hội nhập, phát triển, nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo lắng như: bạo lực xã hội từ trường học, cơ quan, sự xa sút của đạo đức số ít nhà giáo….thì vai trò không chỉ của ngành giáo dục mà nó còn là của gia đình và xã hội.

Chính vì thế, Luật lần này đòi hỏi phải có sự chi tiết các chính sách pháp luật về giáo dục, đặc biệt là luật cần phải có sự đổi mới, đáp ứng những dự báo trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ