Trong kỳ thi viên chức ngành Giáo dục huyện Trà Bồng năm 2018, ông Điệp nhận được tin nhắn của ông Dụng “gửi gắm” một thí sinh. Ông Điệp đã từ chối. Sau vụ “gửi gắm” không thành, Sở Nội vụ chỉ đạo thanh tra hội đồng thi huyện Trà Bồng và bản thân ông Dụng có công văn yêu cầu xử lý kỷ luật từ hình thức giáng chức đến cách chức, không bố trí công tác khác liên quan đến lĩnh vực giáo dục đối với ông Điệp. Ngày 20/12/2018, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Điệp, thuyên chuyển qua làm phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Bồng. Được biết ông Điệp là cán bộ công tác lâu năm và có kinh nghiệm trong ngành giáo dục.
Câu chuyện cho thấy công tác quản lý nhân sự giáo dục cấp huyện hoàn toàn không do ngành giáo dục quyết định. Vai trò của ngành nội vụ và địa phương trong trường hợp này là rất lớn. Cũng vì ngành giáo dục không có thẩm quyền quyết định nhân sự nên đã xảy ra nhiều trường hợp dở cười dở khóc. Một trưởng phòng GD&ĐT huyện đang làm tốt công việc, được đồng nghiệp, giáo viên tín nhiệm thì đùng một cái nhận được quyết định về làm bí thư xã. Còn bí thư xã thì về làm trưởng phòng giáo dục huyện. Hệ quả là ngành Giáo dục sẽ như thế nào có lẽ ai cũng biết!
Qua câu chuyện bố trí cán bộ giáo dục cũng cho thấy nhiều địa phương còn coi nhẹ công tác giáo dục hoặc không hiểu biết về tính đặc thù của công tác giáo dục. Đã có địa phương không ngần ngại điều các giáo viên nữ bỏ tiết dạy để đi tiếp khách của huyện trong một buổi liên hoan. Đã có không ít địa phương sau khi bố trí cán bộ còn thừa bèn phân về làm giáo dục. Với những vị cán bộ lãnh đạo giáo dục thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không đảm bảo về đạo đức đã “nổ” ra những câu chuyện không hay, không đẹp, thậm chí làm hoen ố và xúc phạm những người làm giáo dục chân chính.
Nhưng đáng lo ngại hơn, chính những cán bộ “tay ngang” về làm giáo dục đã đưa ra những chủ trương đi ngược lại với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục. Nó làm cho những thành tựu xây dựng trong nhiều năm có thể phá sản trong phút chốc. Nó làm cho nhà trường quay như chong chóng vì những chủ trương thay đổi xoành xoạch. Chẳng hạn, trong khi ngành Giáo dục ban hành nhiều chỉ thị cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì có địa phương ra văn bản cho dạy thêm, học thêm “tự nguyện” để lách luật; trong khi Chính phủ đã thống nhất miễn phí tới bậc THCS thì có thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu mở rộng “nâng cao mức tự chủ tài chính” trong các trường công lập...
Theo nhà giáo dục John Dewey (1859 - 1952, Mỹ), thoạt nhìn người ta thấy giáo dục là một công việc chung của nhiều người. Nhưng cũng cần nhớ rằng giáo dục chính là bệ phóng để phát triển đất nước. Để chỉ ra con đường sớm đưa những học sinh hôm nay trở thành người thiết kế của xã hội tương lai thì đây là công việc hoàn toàn thuộc về chuyên môn của các chuyên gia giáo dục.
Các nhà giáo nhấn mạnh GD&ĐT là lĩnh vực hoạt động mang tính đặc thù. Vì vậy, việc quản lý các hoạt động cũng cần chú ý đến yếu tố đặc thù, từ nhân sự, tài chính đến các nội dung khác. Có vậy ngành Giáo dục mới có thể phát huy được trách nhiệm, quyền tự chủ để thực hiện thành công Nghị quyết 29/NQ-TW và các nghị quyết khác của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của GD&ĐT.
Tại các buổi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều cán bộ quản lý giáo dục đề xuất đã đến lúc cần sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành theo hướng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục. Ngành Giáo dục là đầu mối chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác nhân sự, tài chính gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Các bộ, ngành khác theo chức năng chịu trách nhiệm giám sát để hoạt động giáo dục diễn ra một cách minh bạch, công khai, dân chủ.