Thông báo nêu rõ, từ ngày 11 - 13/3/2019, Ủy ban TVQH họp phiên thứ 32 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về 6 nội dung và thông qua 4 Nghị quyết.
Theo đó, một trong những nội dung được TVQH cho ý kiến là dự án Luật GD (sửa đổi). Về nội dung này, Thông báo Kết luận nêu rõ: Ủy ban TVQH cho rằng, dự thảo Luật GD (sửa đổi) trình tại phiên họp này đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, Ủy ban TVQH đề nghị cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, trong đó lưu ý thêm các vấn đề sau:
Thứ nhất về hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng mở, liên thông: Quy định liên thông theo Khung trình độ quốc gia việt Nam và phù hợp với các Luật liên quan.
Ủy ban TVQH giao cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan: Tiếp tục hoàn thiện các nội dung trên; rà soát kỹ thuật lập pháp nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Luật Giáo dục đại học và Luật GD nghề nghiệp; báo cáo xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đồng thời hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy trình để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Thứ hai về chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông: Chương trình GD phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành được thực hiện thống nhất trong cả nước; sách giáo khoa là tư liệu giảng dạy, được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập. Quy định cụ thể Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GD và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phê duyệt, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa. Việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa phải bảo đảm phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện nội dung này theo tinh thần Nghị quyết số: 88/2014/QH13 và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ ba đối với quản lý Nhà nước về giáo dục: Cần rà soát vấn đề phân cấp và trách nhiệm quản lý Nhà nước. Đối với việc phân công nhiệm vụ của các Bộ, ngành ở một số nội dung, đề nghị giao Chính phủ quy định.
Thứ tư về quyền và nghĩa vụ của giáo viên, nhất là vấn đề đạo đức của giáo viên, dư luận đang rất quan tâm, đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy tắc ứng xử của giáo viên, giao rõ thẩm quyền cho Bộ GD&ĐT quy định. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chuẩn bị ý kiến về nội dung này để giải trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 4/2019).
Thứ năm về chính sách đối với người học là người dân tộc thiểu số: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung quy định chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là người dân tộc thiểu số ở địa bàn đã được công nhận thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu về một số nội dung khác như quy định ngày khai giảng, bế giảng; quyền và nhiệm vụ của nhà giáo; trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.