Bộ GD&ĐT cầu thị, tiếp thu góp ý để SGK Tiếng Việt lớp 1 ngày càng hoàn thiện

GD&TĐ - Chiều 12/10, Bộ GD&ĐT báo cáo với Thường trực Chính phủ về các vấn đề của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mà báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1, nội dung chương trình nặng..., Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát lại toàn bộ nội dung sách và những vấn đề báo chí nêu. Tinh thần là nội dung nào chưa hoàn thiện thì phải chỉnh sửa để sách hoàn thiện hơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, và yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình và tiếp thu. Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.

“Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ có sách tốt mà cần chú trọng hơn nữa đến công tác tập huấn giáo viên, và có những giải pháp phù hợp để phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên triển khai tốt việc dạy và học theo chương trình mới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc biên soạn các bài giảng điện tử với sự tham gia của tất cả các giáo viên, từ đó lựa chọn ra những bài giảng hay nhất, tốt nhất, trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, tiến đến SGK chỉ còn là một trong những nguồn học liệu tham khảo để dạy học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, tuy không nghiên cứu về sách giáo khoa lớp 1, nhưng qua nghiên cứu về tâm lý của giáo viên, học sinh, phụ huynh có con học lớp 1 cho thấy, không phải tất cả giáo viên đều khó khăn khi dạy học theo chương trình mới.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, các thầy, cô giáo được tập huấn kỹ, nắm được các yêu cầu và phương pháp giáo dục, họ rất hoan nghênh chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, một số giáo viên chưa được tập huấn kỹ nên thấy lúng túng. Về phía phụ huynh, họ chưa được hướng dẫn nên cảm thấy chương trình nặng…

Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét, về quy trình, Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của cử tri, của nhân dân rất tâm huyết, đáng trân trọng.

"Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của cử tri và có những hướng dẫn để các thầy các cô thực hiện tốt nhiệm vụ dạy – học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới” - ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong công tác chỉ đạo biên soạn SGK mới, cũng như tinh thần cầu thị của lãnh đạo Bộ khi xem xét tiếp thu các ý kiến góp ý, nhưng cần thông tin đầy đủ, kịp thời hơn đến nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với truyền thống hiếu học của dân tộc, các vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân. Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý về một cuốn SGK mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu.

Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét, tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.

Phó Thủ tướng gợi mở, bằng công nghệ thông tin, nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người “nhặt" thì chắc chắn "sạn” sẽ bớt đi.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn các bài giảng điện tử theo chương trình, SGK mới, từ đó, các thầy cô giáo lựa chọn, tham khảo được những bài giảng tốt nhất, hay nhất và các tài liệu, kiến thức của mình để có các bài giảng phù hợp, bảo đảm yêu cầu của chương trình. Bởi trong cùng một thời gian giảng dạy, nếu thầy cô tạo được hứng thú thì học sinh sẽ không cảm thấy chương trình nặng, không cảm thấy quá tải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ