Bộ GD&ĐT: Bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Chiều 9/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ để nghe báo cáo việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường (BLHĐ) gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ

Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc rất quyết liệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến BLHĐ, đã làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn để bàn các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng chống BLHĐ, triển khai công tác phòng chống BLHĐ hiệu quả hơn trong thời gian tới, rà soát các nội dung công tác Đoàn, Đội để triển khai tại các nhà trường được tốt hơn.

Bộ trưởng sẽ sớm kí ban hành chỉ thị về triển khai các giải pháp phòng chống BLHĐ. Bộ cũng sẽ phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học và phòng chống BLHĐ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VH,TT&DL, Bộ Thông tin Truyền thông và Trung ương Đoàn.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn ngành quán triệt về công tác yêu cầu giải pháp bảo đảm an ninh trường học, phòng chống BLHĐ với sự tham dự của 64 điểm cầu trong cả nước. Bộ GD&ĐT cũng sớm kí chương trình phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống BLHĐ cho thế hệ trẻ, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ BLHĐ ở một số địa phương với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Có một số vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần HS, GV, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng ngừa và xử lí nghiêm BLHĐ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ cùng nhiều văn bản khác liên quan.

Có thể thấy, hệ thống các văn bản từ luật đến các văn bản hướng dẫn luật, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về công tác phòng chống BLHĐ là tương đối đầy đủ, song bạo lực nói chung và BLHĐ nói riêng vẫn diễn ra khá phức tạp.

Điều này do một số nguyên nhân cơ bản như đặc điểm tâm lí lứa tuổi HS đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lí, hiếu động, muốn khẳng định mình; một số HS chưa được trang bị các kĩ năng sống cơ bản; những hành vi bạo lực ngày càng nhiều trong đời sống xã hội có tác động đến HS. Gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục HS, còn có tâm lí khoán trắng cho nhà trường.

Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác phối hợp trong việc quản lí HS, bảo đảm môi trường an toàn cho HS học tập, rèn luyện chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều đơn vị trường học còn lơ là công tác quản lí, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí GD, người học và gia đình còn hạn chế.

Đẩy mạnh tư vấn tâm lí

Trước đó, tại trụ sở Bộ GD&ĐT diễn ra cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về các giải pháp phòng, chống BLHĐ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, hai bên thống nhất tiếp tục triển khai một số nội dung phối hợp như đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lí, công tác xã hội trong trường học, tăng cường giáo dục pháp luật cho GV và HS, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tập huấn cho đội ngũ GV làm tổng phụ trách đội, bí thư đoàn về kĩ năng xử lí BLHĐ hay các vụ việc xảy ra ngoài trường học.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề xuất với Trung ương Đoàn tham gia tổ công tác liên ngành phòng chống BLHĐ với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Chỉ đạo hệ thống các cơ quan báo chí của 2 ngành để truyền thông các tấm gương người tốt việc tốt và công tác chỉ đạo, xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng ngừa, xử lí nghiêm BLHĐ.

Chỉ đạo các tổ chức Đoàn, Đội, GV nắm bắt tình hình, tiếp thu, chuyển tiếp kịp thời các tâm tư nguyện vọng của HS, SV đến lãnh đạo các nhà trường và các cấp để giải quyết. Phối hợp tổ chức biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống xâm hại và phòng ngừa xử lí nghiêm BLHĐ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ