An toàn sử dụng điện khi học online: Khuyến cáo của thầy cô, chuyên gia

GD&TĐ - Sau vụ việc em nhỏ 9 tuổi ở Hà Nội bị điện giật tử vong khi học trực tuyến, nhiều giáo viên, chuyên gia khẳng định cần đẩy mạnh hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn khi sử dụng điện.

Phụ huynh cùng con học trực tuyến. Ảnh minh hoạ.
Phụ huynh cùng con học trực tuyến. Ảnh minh hoạ.

Giáo dục an toàn trong nhà trường

Thầy giáo Lý Chí Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm, tỉnh Hưng Yên, cho biết: Trong thời gian học trực tuyến, bên cạnh hiệu quả của phương pháp giảng dạy, nhà trường đặc biệt quan tâm đến an toàn của học sinh khi sử dụng thiết bị điện, thiết bị công nghệ. Một bộ phận học sinh còn tâm lý mải chơi nên sử dụng hết pin điện thoại trước giờ học trực tuyến. Vì vậy, vào giờ học, các em vừa cắm sạc vừa nghe giảng gây mất an toàn, có thể dẫn đến cháy nổ.

Do đó, trước khi tổ chức học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhà trường liên tục nhắc nhở học sinh, phụ huynh học sinh lưu ý về vấn đề an toàn điện. Phụ huynh cần giám sát, nhắc nhở học sinh luôn sạc đầy điện thoại trước khi học trực tuyến; không để xảy ra tình trạng vừa học vừa sạc pin. Đồng thời, ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên quan tâm tới chất lượng học của học sinh.

Chia sẻ về trường hợp một học sinh 9 tuổi ở Hà Nội tử vong vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phú Diễn, Hà Nội, bày tỏ: Tôi đã trao đổi với phụ huynh, đề nghị phụ huynh thường xuyên quan tâm, rà soát thiết bị điện tử, nguồn điện trong nhà để phục vụ việc học tập của con. Ngoài ra, phụ huynh nên quan tâm đến sức khoẻ của con khi học trực tuyến.

“Thứ 2 tới, tôi sẽ dành tiết học đầu tiên để nhắc nhở, hướng dẫn học sinh kĩ năng phòng tránh tai nạn. Bên cạnh bài học về Covid-19, giáo viên nên đẩy mạnh bài học về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại nhà và trường học trong khi dạy trực tuyến”, cô Thảo chia sẻ.

Trẻ cần được hướng dẫn sử dụng thiết bị điện khi bố mẹ vắng nhà. Ảnh minh họa.
Trẻ cần được hướng dẫn sử dụng thiết bị điện khi bố mẹ vắng nhà. Ảnh minh họa.

Cẩn trọng với thiết bị điện

Ông Xuân Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Bách Khoa, Hà Nội, chia sẻ trước khi sử dụng thiết bị điện tử để học trực tuyến, phụ huynh cần kiểm tra ổ điện nơi cắm sạc. Nếu có hiện tượng dây cắm lỏng, sạc chập chờn cần thay ổ mới.

“Phụ huynh cần kiểm tra pin của thiết bị điện tử như điện thoại, laptop. Nếu có hiện tượng sạc nhanh đầy, dùng nhanh hết, phải kiểm tra đề phòng pin bị phồng và thay thế pin để tránh xảy ra nguy hiểm khi sử dụng liên tục trong thời gian dài”, ông Vĩnh cho biết.

Do không thể liên tục ở bên khi con học trực tuyến, bố mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng thiết bị điện tử an toàn. Ông Xuân Vĩnh lưu ý, bài học đầu tiên là hướng dẫn con khi cắm sạc vào ổ điện, tay phải khô, chân phải đi dép và tuyệt đối không chạm tay vào phần có kim loại.

Lúc cắm điện, các em không được cầm trên tay các vật dụng bằng kim loại như kéo, compa hay các vật dụng có kim loại. Trước đó, bố mẹ nên dạy con cách phân biệt kim loại, không cầm vật có kim loại khi sử dụng máy tính hay khi di chuyển máy tính.

Sàn nhà nơi trẻ ngồi học nên lát gỗ công nghiệp hoặc trải miếng nhựa để cách điện giữa cơ thể với nền nhà. Nhiều trường hợp nền nhà bằng gạch men có thể dẫn điện, đặc biệt trong trường hợp nền nhà ướt sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng thiết bị điện.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không ăn uống xung quanh nơi học tập để tránh đổ nước vào thiết bị học, gây chập điện.

Theo Viện Khoa học An toàn Việt Nam, kỹ năng về an toàn khi sử dụng điện là bài học đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ. Phụ huynh cần giải thích cho con về cách thức hoạt động của điện như các đường dây điện trong môi trường xung quanh, các phích cắm, ổ cắm. Từ đó, khuyến cáo các em không nhét bất cứ thứ gì vào ổ cắm điện.

Đáng lưu ý, phụ huynh cần nhắc lại liên tục những kiến thức về an toàn điện và cho trẻ rèn luyện thường xuyên. Từ đó, trẻ sẽ xây dựng được kỹ năng về an toàn điện.

"Nên rút sạc thiết bị di động khi đang sử dụng, trừ trường hợp học hết pin mới cần cắm sạc. Nhưng với máy tính xách tay, trong trường hợp pin tốt, phụ huynh nên cắm sạc liên tục, không nên rút ra cắm vào. Khoảng 2 ngày/lần, hãy xả pin bằng cách không cắm sạc và dùng hết pin rồi sạc trở lại để pin không bị chai.
Trong trường hợp pin kém, nên cắm cố định sạc vào ổ điện trên tường và chỉ rút ra ở đầu giắc máy tính. Khi phụ huynh không có nhà, cần nhắc nhở trẻ không tự ý rút sạc", ông Xuân Vĩnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ