Mặt khác, khi HS thêm hiểu và yêu văn hóa dân tộc sẽ phát huy tốt vào quá trình phát triển bản thân, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bảo tồn văn hóa dân tộc từ lớp học
Tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh - Hà Giang) có 100% HS dân tộc (Mông, Tày, Nùng…), các em học tập và sinh hoạt gần như cả tuần tại trường. Do đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống được nhà trường xác định quan trọng và triển khai bằng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, gìn giữ văn hóa nói riêng.
Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường nghiên cứu và đưa các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc vào tiết học và thời gian ngoài giờ lên lớp. Ví như, tổ chức cuộc thi tìm hiểu trang phục, phong tục tập quán từng dân tộc; tổ chức cho HS trải nghiệm làm món ăn truyền thống; mời nghệ nhân văn hóa dạy múa hát, trò chơi dân tộc… Những hoạt động này giúp HS được thể hiện, hòa nhập với bạn bè, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, lối sống từng dân tộc.
Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) có trên 80% HS dân tộc Mông, gần 20% HS dân tộc Nùng, số ít dân tộc Kinh cùng học tập, sinh hoạt. Do đó, việc giữ gìn bản sắc được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Cô Hoàng Thị Thủy, GV Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng chia sẻ: Trường kết hợp giáo dục văn hóa truyền thống lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; Tổ chức cho HS tìm hiểu văn hóa các dân tộc bằng thi viết, trắc nghiệm; Thi trang phục dân tộc cấp trường; Tổ chức cho cán bộ, GV, HS mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2, 6 hàng tuần.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ như múa khèn ô, múa gậy Sênh tiền, nấu xôi bảy màu của người Nùng; làm bánh trôi người Mông; gói bánh chưng người Nùng... cũng được tổ chức trong hầu hết các hoạt động của trường.
Đặc biệt, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng còn thành lập câu lạc bộ hoạt động theo tuần với nội dung học tập, sinh hoạt như: Khâu thêu váy áo Mông, làm và múa khèn Mông, múa Sênh tiền. Ban giám hiệu (BGH) cùng bàn bạc với cộng đồng người dân để mời nghệ nhân, thống nhất nội dung dạy cho HS từ cơ bản đến kĩ thuật nâng cao...
Mặt khác, để HS cảm nhận văn hóa dân tộc ngay khi học tập trên lớp, GV và phụ huynh chủ động trang trí trường lớp bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và Mông. Lựa chọn những câu khẩu hiệu dễ đọc, dễ hiểu và thể hiện bằng hai ngôn ngữ mà HS được học để trang trí trường lớp…
Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) cũng có 100% HS dân tộc. Các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc được nhà trường đẩy mạnh: Thành lập câu lạc bộ múa Sênh tiền và mời nghệ nhân truyền dạy trực tiếp cho GV, HS; Trong tất cả hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, khách tới tham quan trường… HS đều mặc trang phục dân tộc truyền thống, biểu diễn múa Sênh tiền…
Việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn được thể hiện rõ nét ngay trong từng lớp học. Cuối mỗi lớp đều đặt và trang trí góc bản sắc văn hóa dân tộc. GV, HS cùng sưu tầm và trưng bày các loại trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, tài liệu, mô hình về con người, văn hóa đồng bào dân tộc… Góc bản sắc văn hóa trở thành mô hình dạy học trực quan, sinh động cho GV trong quá trình giảng dạy có mảng nội dung liên quan…
Tăng tình đoàn kết, gắn bó
Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (huyện Si Ma Cai – Lào Cai) khẳng định: Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường có HS dân tộc đã đưa cộng đồng vùng cao lại gần nhà trường, xây dựng phong trào giáo dục cho người dân tộc thiểu số vùng cao. Mặt khác, chính quyền địa phương, người dân sẽ thấy rõ và nâng cao trách nhiệm đối với giáo dục...
Tuy nhiên tích cực hơn cả là HS có cơ hội tìm hiểu, giáo dục tri thức văn hóa địa phương một cách sâu sắc. Từ đó, HS biết gìn giữ bản sắc văn hóa, tự hào truyền thống dân tộc, mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) lại ghi nhận tín hiệu tích cực từ việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường PTDTNT, BT ở góc độ khác: HS rất vui, hứng thú khi đến trường, lớp học tập. Dù khác lớp, khác dân tộc nhưng các em đoàn kết trong học tập, vui chơi, sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng kỳ thị giữa HS khác dân tộc đã được giải quyết hoàn toàn… Chất lượng giáo dục nói chung được nâng lên đáng kể, tình trạng HS bỏ học giữa chừng chấm dứt.
Cô Nguyễn Ánh Phương – GV Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà – Lào Cai) tâm sự: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường không chỉ hữu ích với HS, mà bản thân GV cũng có cơ hội được tích lũy kiến thức, tìm kiếm, sưu tầm bổ sung các tư liệu văn hóa vào các bài giảng của mình cho phong phú hơn, sát hợp với HS.