Giáo dục vùng cao phát huy nội lực trong phòng, chống rét

GD&TĐ - Những ngày này, nhiệt độ nhiều địa phương miền núi xuống thấp gây ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của học sinh (HS).

HS bán trú được hỗ trợ để có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất. Ảnh: NTCC
HS bán trú được hỗ trợ để có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất. Ảnh: NTCC

Để đảm bảo sức khỏe, duy trì sĩ số, chất lượng giáo dục… các trường vùng cao đã chủ động nhiều phương án chống rét.

Tăng cường chăn áo ấm, nước nóng

Nhiệt độ tại xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) ở mức 10-12 độ, HS sau nghỉ phòng chống dịch đã trở lại trường học trực tiếp nên công tác phòng chống rét đi liền với phòng chống dịch.

Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn trao đổi: Bước vào mùa rét, trường yêu cầu giáo viên (GV) kiểm tra, che chắn toàn bộ phòng, lớp học, khu nhà bán trú để đảm bảo kín gió. Tăng cường hệ thống chiếu sáng lớp để đóng kín cửa nhưng vẫn đủ ánh sáng.

Để đảm bảo sức khỏe HS, trường vận động phụ huynh mua đầy đủ quần áo ấm, khẩu trang. Cùng đó kêu gọi GV quyên góp quần áo cũ còn dùng được từ gia đình, bạn bè, người thân… để hỗ trợ HS nghèo.

Công tác phòng chống rét cho 406 HS bán trú được Trường THCS Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) chuẩn bị sớm với việc huy động 150 đệm, 100 chiếc chăn bổ sung và thay toàn bộ số đệm chăn chất lượng kém, mỗi giường HS phát tối thiểu 2 chăn đắp.

Theo thầy Từ Viết Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường cũng tăng cường thêm nồi đun nước nóng tự động bằng củi. Mùa đông năm nay toàn trường có 2 bình năng lượng Mặt trời, mỗi bình 300 lít, 4 bình nóng lạnh đun điện, 3 nồi đun nước tự động bằng củi (mỗi nồi 200 - 300 lít). Vì vậy, nước nóng cho HS tắm giặt, sinh hoạt 24/24h được đảm bảo. Việc thay đổi thời gian học tập trong ngày theo lịch mùa đông cũng được áp dụng. HS sẽ vào học 7 giờ 45 phút đến 12 giờ; chiều 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút...

Thầy Lù Văn Nam, GV tại điểm trường Chính Chải B xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè, Lai Châu) cho biết: Nhiệt độ xuống sâu khoảng 10 độ, sương mù có thể len qua khe cửa vào tận lớp học. Điểm trường có 16 HS/2 lớp (lớp 1, 2) nhưng quần áo ấm HS còn thiếu… Để chống rét, GV đóng kín cửa chính, cửa sổ khi dạy học, dùng ni lông, tấm xốp… bịt kín khe kẽ hở. Mặt khác, nếu thời tiết xuống dưới 10 độ hoạt động học tập chỉ diễn ra trong lớp, không tổ chức ngoài trời; cho HS ôn lại bài cũ chưa dạy bài mới; đốt củi để HS sưởi ấm trong lớp…

Trường học vùng cao tăng cường hệ thống đun nước để HS được sử dụng nước nóng 24/24h. Ảnh: NTCC
Trường học vùng cao tăng cường hệ thống đun nước để HS được sử dụng nước nóng 24/24h. Ảnh: NTCC

Đồng loạt giải pháp

Có thể thấy trong bối cảnh khó khăn chung thì các giải pháp phòng chống rét đều được phát huy tối đa từ việc tăng cường cơ sở vật chất để HS có điều kiện học tập sinh hoạt đảm bảo đến bổ sung dinh dưỡng khẩu phần, bữa ăn bán trú nhằm tăng sức đề kháng cho HS.

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà chia sẻ: Huyện có 58 trường học từ mầm non đến THCS, với hơn 19.600 HS, trong đó gần 6.700 HS bán trú. Vào mùa đông, phòng căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Từ đầu năm học, phòng tiến hành rà soát, trang bị, bổ sung đệm, chăn, gối… cho một số trường với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Ngành Giáo dục cũng kiểm tra, sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú hư hỏng và yêu cầu các trường hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời… Với cách phòng chống rét hiệu quả, dù thời tiết xuống dưới 10 độ thì tỷ lệ chuyên cần của HS toàn huyện vẫn đảm bảo gần 100%.

Theo thầy Bùi Quang Hòa, trong điều kiện khó khăn chung và ảnh hưởng từ dịch bệnh, sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân cho trường học vùng cao giảm… thì công tác phòng chống rét phải khắc phục khó khăn, phát huy nội lực. Theo đó, GV huy động quần áo ấm còn sử dụng để hỗ trợ HS. Quan tâm, nhắc nhở HS mặc ấm, và thực hiện 5K phòng dịch. Không tổ chức hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ thấp. Huy động chất đốt có sẵn (củi, mùn cưa…) để tăng cường đun nước nóng cho HS bán trú tắm giặt, sinh hoạt trong ngày; Ghép giường cho HS ngủ chung để tăng nhiệt độ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.