Hướng tới nền giáo dục đảm bảo năng lực học tập, sáng tạo, tìm việc làm

GD&TĐ - Năm APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam mang chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Trong gần 250 hoạt động, hội thảo, hội nghị, nổi bật là vấn đề phát triển nguồn nhân lực và hợp tác giáo dục.

Hướng tới nền giáo dục đảm bảo năng lực học tập, sáng tạo, tìm việc làm

Thích ứng với Cách mạng 4.0

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ấn tượng với sự phát triển kì diệu của Việt Nam và đánh giá cao nền giáo dục Việt Nam, tổng thống Mỹ Donald Trump ghi nhận: Ngày nay, với một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30 lần và sinh viên Việt Nam là những sinh viên thuộc top giỏi nhất trên thế giới.

Cũng như các nước thành viên khác trong APEC, Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới.

Từ lý luận đến thực tế, GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực được các nền kinh tế APEC đánh giá là có tác động mạnh đến hoạt động kinh tế, an sinh xã hội, đổi mới và tăng trưởng ở từng nền kinh tế.

GD-ĐT cung cấp các kỹ năng và kiến thức mà nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có để tăng năng suất lao động và cạnh tranh trong thị trường việc làm khu vực cũng như toàn cầu. GD-ĐT cũng là một động lực quan trọng trong việc xây dựng xã hội lành mạnh và ổn định của các công dân có trách nhiệm và cam kết tăng cường sự phồn vinh và thịnh vượng.

Tăng kết quả giáo dục, đặc biệt là đối với các nhóm thiệt thòi, đã được xác nhận là có đóng góp rất lớn cho sự ổn định xã hội và đặc biệt, tăng độ học vấn của phụ nữ và trẻ em gái, những tiến bộ về bình đẳng giới đã góp phần vào tăng trưởng GDP cho toàn bộ nền kinh tế một cách bền vững hơn.

Việt Nam đạt thành tựu lớn trong giáo dục

Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển.

Tại Diễn đàn hợp tác về GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: Hiện nay, Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu cho GD-ĐT, mức đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Hiện nay, cả nước có 21 triệu học sinh, sinh viên, cùng với hơn 1,2 triệu giảng viên, giáo viên trong toàn hệ thống giáo dục. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn được các tổ chức đánh giá giáo dục xếp thứ hạng cao, trong đó có Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) và Chương trình phân tích hệ thống giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp (PASEC).

Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Từ năm 1994 tới năm 2016, Chính phủ đã chi trên 4 triệu USD trong ngân sách cho hơn 30 chương trình và dự án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nước.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đại học giai đoạn 1996 - 2000. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những đổi mới trong chính sách này đã góp phần chuyển biến sâu sắc nhận thức của các lãnh đạo, cán bộ trong hệ thống giáo dục đại học.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, quyền tự chủ được coi là thuộc tính của giáo dục đại học. Lối tư duy bao cấp đang dần được xóa bỏ, thay vào đó, ý thức về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao. Những kết quả đạt được trong đổi mới giáo dục đại học có thể khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng.

Mục tiêu của giáo dục đại học đã có sự thay đổi hết sức cơ bản, từ chỗ chỉ đặt nặng việc cung cấp kiến thức chuyển sang chú trọng khơi dậy, phát triển năng lực và tính sáng tạo của từng sinh viên. Hiện tại Việt Nam có những trường đại học uy tín cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Nhiều trường đã xây dựng được các chương trình đào tạo tốt, được kiểm định bởi các tổ chức đánh giá giáo dục quốc tế và khu vực như Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ (ABET), Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI)... Điều đó đã góp phần làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư dành cho lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam.

Chiến lược giáo dục APEC

Tại các hội nghị trong khuôn khổ APEC, Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các thành viên APEC trong công cuộc đổi mới giáo dục. Như các thành viên khác của APEC, Việt Nam hướng tới tư duy đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tìm ra biện pháp tối ưu nhằm đổi mới giáo dục một cách tích cực và đảm bảo sự phát triển cho mọi cá nhân.

Thành công của năm APEC đánh dấu bằng việc các đại biểu đến từ các nước thành viên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thành mục tiêu xây dựng một Chiến lược giáo dục APEC đảm bảo các yếu tố: Năng lực học tập, Năng lực sáng tạo, Năng lực tìm việc làm.

“Chiến lược giáo dục APEC” là đề cương phát triển giáo dục khớp với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển con người” của APEC năm 2016, chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc và “Khung hành động về giáo dục đến năm 2030” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc.

Theo đó, đến năm 2030, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ hoàn thành xây dựng Cộng đồng Giáo dục với đặc sắc bao dung và chất lượng, cung cấp sự nâng đỡ cho tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như mang lại phúc lợi xã hội và việc làm cho các thành viên APEC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ