Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc

GD&TĐ - giáo dục đại học Việt Nam bị đánh giá thấp không?

Tại sao giáo dục đại học của Việt Nam lại bị đánh giá thấp?
Tại sao giáo dục đại học của Việt Nam lại bị đánh giá thấp?

Lời Tòa soạn: Quý độc giả đang theo dõi bài viết gồm 3 kỳ của Tiến sĩ Dương Xuân Thành, Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Tòa soạn trân trọng giới thiệu.

Có khá nhiều đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam trong mấy thập niên qua từ các nhà quản lý, nhà sư phạm, các tổ chức nước ngoài (Unicef,  Unesco, WB,…) và các chuyên gia thuộc các ngành nghề không liên quan trực tiếp đến giáo dục.

Ngày 27/11/2020 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Tại Hội thảo này, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra nhận xét:

“Việt Nam đã làm rất tốt trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, giáo dục phổ thông, tuy nhiên cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Tuy WB không đưa ra các đánh giá về lĩnh vực “giáo dục nghề nghiệp” song việc không liệt kê “giáo dục nghề nghiệp” trong nhóm “đã làm rất tốt” cho thấy về mặt chất lượng đào tạo  “giáo dục nghề nghiệp” cũng không khác gì “giáo dục đại học”, nói cách khác cả hai nhóm này đều phải “chú trọng nâng cao chất lượng”. 

Đánh giá của WB  có được coi là khách quan?

Để trả lời câu hỏi này, cần những nghiên cứu quy mô lớn, đội ngũ chuyên gia hùng hậu và sự tiếp cận thông tin đáng tin cậy, bảo đảm chất lượng từ các nguồn chính thống, tiếc rằng trong phạm vi một bài báo, điều này là không thể.

Bài viết này chỉ nhằm tìm hiểu một vài nguyên nhân khiến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học Việt Nam bị đánh giá thấp về chất lượng, điều này có nghĩa là khá nhiều nhân sự trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học của Việt Nam chưa đạt những tiêu chuẩn phổ quát theo thông lệ quốc tế.

Năm 2013, trong một bài viết riêng nêu vấn đề ngân sách có là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu?, người viết đã phác thảo một số nguyên nhân khiến giáo dục đại học Việt Nam kém chất lượng.

Bài viết có đoạn: “Thắng lợi của cải cách ruộng đất là người cày có ruộng, thắng lợi của ba lần cải cách giáo dục trước (1950, 1956, 1981) là các bộ, ngành, địa phương có trường, thậm chí công đoàn, phụ nữ, thanh niên cũng có trường (học viện) đấy chẳng phải là biểu hiện manh mún và tâm lý tiểu nông mà cơ chế mang lại sao?”. [1]

Vậy thực ra giáo dục đại học Việt Nam bị đánh giá thấp do những nguyên nhân nào?

Thứ nhất, Giáo dục và các nhóm lợi ích

Bài viết [1] ra đời năm 2013, khi đó mảng giáo dục nghề nghiệp chưa được chia cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bài viết  trích dẫn ý kiến của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Rất thông cảm với ngành Giáo dục và Đào tạo vì ai cũng phải lo cho nồi cơm của mình nhưng nếu chỉ lo thế mà không nghĩ lo cho nồi cơm chung thì đất nước làm sao có Thánh Gióng?”.

Có nhiều ý kiến liên quan đến ý nêu trên, dù đôi khi được nhắc đến không hoàn toàn nói về giáo dục, từ chuyện phân bổ ngân sách đến công tác cán bộ.

Ví dụ, ở tầm vĩ mô, câu chuyện chi ngân sách cho giáo dục được đề cập ở mọi cấp độ, từ Nghị quyết của Đảng đến các đạo luật do Quốc hội ban hành, từ tuyên truyền, phổ biến đến các công trình nghiên cứu… và đương nhiên không thể không liên quan đến các cơ quan quản lý và sử dụng ngân sách như Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh,… 

Vậy thì vì sao con số 20% tổng chi thường xuyên từ ngân sách dành cho giáo dục (tương đương 5% GDP) được ghi trong Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019 thực tế chỉ là  14,2% (năm 2018) và 14,03% (năm 2019)?

Chính phủ - cụ thể là Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và các Ủy ban liên quan của Quốc hội trả lời thế nào ý kiến của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh về con số chi ngân sách cho giáo dục năm 2018 và 2019 nêu trên (đăng trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam). [3]

Việc thiếu hụt gần 6% tổng chi thường xuyên từ ngân sách cho giáo dục không nằm trong luật và nghị quyết của Đảng và cũng không có trong bất kỳ kế hoạch chi tiêu nào mà Quốc hội phê duyệt. 

Điều này liệu có phản ánh tình trạng cơ quan quản lý ngân sách sẵn sàng không kiểm soát hành vi, khi các khó khăn về cân đối ngân sách cần được giải quyết thì giáo dục chính là con dê tế thần?

Liệu có tồn tại chuyện vì đòi hỏi của một (hoặc một số) “nhóm” nào đó nên phải cắt xén ngân sách chi cho giáo dục? 

Có hay không hoạt động “bẻ lái ngân sách” không chỉ bằng các thủ thuật “ngoài luồng” mà còn trực tiếp tác động vào quá trình hình thành chính sách, bằng cách lồng ghép lợi ích nhóm vào các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ba đạo luật liên quan đến giáo dục: Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Điều gì phải đến rồi sẽ đến, gần đây một số tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng đồng thanh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện những điều không ghi tường minh trong các luật.

Các kiến nghị về việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được đẩy lên cao trào thời gian gần đây nói lên điều gì?

Hai tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc “Nhóm Giáo dục nghề nghiệp” là Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cùng với Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật (Hiệp hội) vừa có kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về hoạt động giảng dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một số kiến nghị mà hai Hiệp hội này gửi tới Thủ tướng Chính phủ là:

“Người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì được học liên thông lên trình độ đại học; người học hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm”;

“Cần quy định cụ thể thẩm quyền cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo quy định của Luật giáo dục 2019".  

Vận dụng một cách méo mó các quy định trong luật, những người/pháp nhân gửi kiến nghị tới Thủ tướng đưa ra kết luận:

“Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền giảng dạy, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho người học và được quyền giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thực chất các kiến nghị trên là gì?

Là khi “cơ quan có thẩm quyền” không cho phép thì họ kêu lên Thủ tướng rằng “cơ quan có thẩm quyền” đang làm trái luật!

Và họ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo “cơ quan có thẩm quyền” (Bộ Giáo dục và Đào tạo)  ban hành “Điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông”.

Đọc thoáng qua có thể nghĩ mấy kiến nghị đã nêu rất nhân văn vì liên quan đến chủ trương tạo điều kiện để công dân học tập suốt đời, là mở ra con đường để những người tốt nghiệp trung học cơ sở theo học học nghề vẫn có thể học tập nâng cao kiến thức đến bậc đại học,…

Nếu các kiến nghị này được Thủ tướng chấp nhận, hai vấn đề cần trả lời là tính hợp pháp của kiến nghị và chất lượng giáo dục đại học sẽ ra sao? 

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chum-khe-ngot-ngan-sach-la-nguyen-nhan-chinh-lam-giao-duc-tut-hau-post128752.gd

[3] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ