Giáo dục văn hóa truyền thống tạo dựng giá trị, tầm vóc quốc gia, dân tộc

GD&TĐ - Xác định GD có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, trong thời gian qua, các nước ASEAN đã thực hiện nhiều chính sách GD nhằm kế thừa và phát huy mặt tích cực của các giá trị văn hóa - GD truyền thống cho HS. 

Giáo dục văn hóa truyền thống tạo dựng giá trị, tầm vóc quốc gia, dân tộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, cần làm gì, làm thế nào để mỗi quốc gia, dân tộc gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu? Để giải quyết những vấn đề này, tại Hội nghị ACT + 1 lần thứ 33 vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, đại diện Công đoàn GD Việt Nam, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN đã có những chia sẻ kinh nghiệm hết sức ý nghĩa.

Việt Nam thành công với chương trình GD di sản

Theo TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam, trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc tạo nên giá trị độc lập của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. GD có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình toàn cầu hóa và vì thế điều đó đem lại rất nhiều thách thức mới cho GD. Thay vì chỉ chú trọng đến phát triển kiến thức và kỹ năng, các khía cạnh khác của GD tổng thể phải giúp cho HS nhận thức sâu sắc và có thái độ ứng xử phù hợp về các giá trị xã hội, văn hóa, đạo đức, tinh thần của dân tộc mình. Những vấn đề trên, tuy mức độ ở mỗi nước có khác nhau, nhưng trở thành vấn đề đặt ra cần có sự giải quyết của đội ngũ nhà giáo và tổ chức Công đoàn GD các nước.

Nói về những kinh nghiệm GD văn hóa truyền thống cho HS ở Việt Nam, TS Vũ Minh Đức chia sẻ: Ở Việt Nam, xác định GD văn hóa truyền thống cho HS là việc làm cần thiết và có ý nghĩa, tuy nhiên, không chỉ đơn thuần mang tính chất “về nguồn” hay “tìm về cội nguồn” mà phải tiến đến việc GD cho HS thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn những mặt tích cực của vốn văn hóa truyền thống. Định hướng cho HS những mặt hạn chế, không phù hợp. GD phương pháp lựa chọn, định hướng giá trị của văn hóa truyền thống trong bối cảnh, trong điều kiện xã hội mới.

Chương trình GD phổ thông của Việt Nam từ trước đến nay đều đặt “tuyến” GD truyền thống song song với “tuyến” cung cấp tri thức hiện đại, thông qua hệ thống các môn học, các hoạt động dạy học trong và ngoài nhà trường. Bằng các giải pháp tổ chức dạy học tập trung hoặc cho HS tiếp cận, tiếp xúc thực tế để cảm nhận, hiểu biết rõ hơn các giá trị truyền thống hiện hữu trên các sản phẩm, các công trình mang dấu ấn văn hóa truyền thống tiêu biểu; tạo cơ hội cho HS tái hiện lại, gợi cảm xúc từ những di sản độc đáo.

Ngoài việc được học một số môn học mang nhiệm vụ chuyển tải giá trị văn hóa truyền thống trong chương trình GD phổ thông Việt Nam, HS còn được trải nghiệm qua các hình thức trực tiếp cũng như gián tiếp để thông qua mỗi bài học, các em được trở lại với những không gian, thời gian đã trôi qua trong lịch sử, để cảm nhận được những giá trị tinh hoa, văn hóa đọng lại trên mỗi sản phẩm, mỗi công trình từ nhiều đời để lại. Trong đó, GD di sản là một nội dung dạy học đã thực hiện thành công và được coi là điểm nhấn của GD văn hóa truyền thống trong GD phổ thông của Việt Nam trong thời gian qua.

GD tính cách - tạo dựng giá trị con người

Theo Hiệp hội Nhà giáo nước Cộng hòa Indonesia, do những giá trị tính cách Indonesia có xuất xứ từ cội nguồn là tôn giáo và giá trị văn hóa bản địa nên cần phải xây dựng một hệ thống GD tính cách bao trùm tổng thể để phù hợp với bối cảnh hiện đại. Indonesia là quốc gia coi Cuộc cách mạng tinh thần là một trong những ưu tiên, đồng thời chú trọng đến việc triển khai chương trình GD.

Việc triển khai chương trình GD tính cách được xem là nền tảng chính để xây dựng tính cách Indonesia, được coi là phương tiện truyền tải giá trị Pancasila một cách liên tục. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Hiệu trưởng, nhà giáo và các bậc cha mẹ cùng với tất cả người học trong việc tương tác GD cùng nhau với các nhân tố xã hội.

Còn Hiệp hội Giáo viên Malay của Brunei cho biết: Hiện nay, hệ thống GD của Brunei đã tiến hành một số thay đổi nhỏ để thích ứng với những biến động trong khu vực cũng như trên thế giới. HS sau này trưởng thành sẽ sống trong một xã hội đa chức năng, nhiều lĩnh vực, sử dụng công nghệ, đa dạng, phát triển nhanh nên các em phải được trang bị kỹ năng để phù hợp với xã hội tương lai. Hệ thống GD SPN21 (hệ thống GD quốc gia cho thế kỷ 21) được Brunei xây dựng để phát triển một chương trình GD định hướng địa phương chú trọng đến văn hóa và di sản Brunei, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị của Vương quốc Hồi giáo Malay Brunei được trân trọng gìn giữ. Các giá trị này sẽ giúp HS hướng tới GD và tinh thần dân tộc.

Chia sẻ phương pháp GD văn hóa truyền thống ở Singapore, đại diện Công đoàn Giáo viên Singapore cho hay: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các thách thức phía trước, thành công của một quốc gia phụ thuộc vào chính người dân của quốc gia đó, vào sự cống hiến của họ cho đất nước và xã hội, vào sự cam kết của họ sẽ nỗ lực và khả năng tư duy, thành công và tỏa sáng của họ. Sau hết là tương lai của một dân tộc gắn liền với việc bồi dưỡng và phát triển của các lãnh đạo và của người dân đất nước đó. Sứ mệnh của Bộ GD Singapore là định hình tương lai cho dân tộc bằng việc đầu tiên là xây dựng con người. Bộ GD Singapore đặt mục tiêu cung cấp cho HS một nền GD toàn diện hoàn chỉnh để các em khắc sâu ghi nhớ giá trị và tính cách tốt để từ đó giúp các em trở thành người tốt và sau hết là những công dân tốt.

“Cách tiếp cận của chúng tôi là thông qua GD tính cách và GD công dân - một nền tảng cơ bản của hệ thống GD Singapore. Qua đây, HS chịu trách nhiệm trong gia đình và trong cộng đồng. Các em nhận thức được vai trò của mình trong việc quyết định tương lai của đất nước và trong đóng góp cho thành công của khu vực. GD tính cách và GD công dân là một khung chương trình nền tảng cho Năng lực thế kỷ 21 và chuẩn đầu ra của HS” - đại diện Công đoàn Giáo viên Singapore chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ