Đây là hội nghị thường niên, tạo ra một diễn đàn lớn để các nhà giáo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục, tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua thách thức của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra.
Vì một tương lai bền vững
Hội nghị ACT+1 lần thứ 33 có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn Giáo dục, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc.
Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Xét về lĩnh vực văn hóa, toàn cầu hóa tạo cơ hội cho các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau, mở rộng sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quá trình giao thoa, tiếp biến để làm giàu thêm nền văn hóa của mỗi nước, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều thách thức đã đặt ra: Xu hướng đồng hóa các nền văn hóa đang diễn ra.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì, làm như thế nào để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu? Giáo dục có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa? Bằng kinh nghiệm của mỗi nước, các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ những cách làm giáo dục giá trị hiệu quả trên phương diện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đặt ra những câu hỏi và cùng nhau tìm lời giải đáp cho những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Xác định giáo dục văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết
Ở Việt Nam, xác định giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa, tuy nhiên không phải chỉ đơn thuần mang tính chất “về nguồn” hay “tìm về cội nguồn” mà phải tiến đến việc: Giáo dục cho học sinh thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn những mặt tích cực của vốn văn hóa truyền thống.
Hệ thống vốn cổ trong văn hóa truyền thống của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Nhiều vốn cổ truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, với các khuyến cáo cần được bảo tồn, lưu giữ. Trong đó phải kể đến các loại hình diễn xướng dân gian, tạo hình, kiến trúc dân gian, ẩm thực, các quy tắc ứng xử, hệ thống tri thức dân gian trải dài từ Bắc vào Nam. Ứng với mỗi khu vực đều có các “miền di sản” thấm đẫm linh hồn, cốt cách của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Giáo dục qua di sản là một nội dung dạy học đã thực hiện thành công và được coi là điểm nhấn về giáo dục văn hóa truyền thống trong giáo dục phổ thông của Việt Nam thời gian qua.
Cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản này đòi hỏi xây dựng các chương trình giáo dục thông qua trải nghiệm di sản một cách chủ động, tích cực, sáng tạo gắn với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức và kỹ năng của cấp học, khối lớp và phù hợp yêu cầu của từng môn học thông qua một khung chương trình do giáo viên thiết kế theo ba bước: Trước, trong và sau tham quan.
Cụ thể: Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh tự chuẩn bị tài liệu về di sản, di tích ngay trước chuyến tham quan trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Các em được hướng dẫn cùng cha mẹ tìm hình ảnh, các mẩu chuyện xung quanh một chủ đề văn hóa truyền thống cụ thể, sau đó chia sẻ thông tin với các bạn trong lớp. Qua đó mọi người cùng nâng cao nhận thức và thích thú với chuyến đi sắp tới. Trong tham quan là hoạt động tại di tích: Cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo từng chủ đề.
Qua một thời gian thực hiện chương trình, nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục cho rằng: Rất cần đưa phương pháp giáo dục mới này vào áp dụng rộng rãi trong các nhà trường.
Việc tiếp biến và bảo tồn các giá trị truyền thống đã được giáo dục tại các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc đã thực hiện từ lâu. Những điểm thành công và chưa thật sự thành công đều là những kinh nghiệm quý báu.
Ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, tất cả đều xoay quanh mục tiêu: Giữ gìn bản sắc độc đáo của văn hóa truyền thống, giữ gìn cốt cách, tinh túy các thế hệ chắt lọc và trao truyền, để quá trình hòa nhập, toàn cầu hóa, mỗi nền văn hóa sẽ có đóng góp chung cho nền văn minh nhân loại và cơ hội để mỗi đất nước, mỗi dân tộc tự làm giàu có thêm cho nền văn hóa của mình không bao giờ bị bỏ lỡ. Tất cả đều có sự đóng góp vô cùng quan trọng của giáo dục.