Trong quá trình cải tạo giếng tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang), người dân phát hiện một kiến trúc gỗ xếp hình xoáy trôn ốc vô cùng độc đáo.
Thông tin ban đầu cho biết, trong tháng 4/2025, khi tiến hành cải tạo giếng cổ trong quần thể di tích đình, chùa Hạc Lâm, người dân đã phát hiện một cấu trúc gỗ được xếp hình trôn ốc kéo dài từ miệng giếng xuống lòng giếng. Đo đạc ban đầu cho thấy phần miệng giếng có hình vuông, kích thước 1,2x1,2m.
Tính đến độ sâu 3m, các lớp gỗ vẫn tiếp tục hiện rõ và xếp đều đặn theo chiều xoắn ốc. Giếng gỗ nằm cách mặt giếng to phía trên khoảng 5m, tổng độ sâu toàn bộ giếng ước khoảng 8m (bao gồm phần đất và phần gỗ). Giếng đã tồn tại từ lâu đời và từng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của cả làng. Tuy nhiên, không ai biết bên dưới đáy giếng lại tồn tại một hệ thống gỗ xếp độc đáo như vậy.
Đánh giá sơ bộ qua hình ảnh hiện trường, TS Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử - Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định bước đầu, đây là một phát hiện hiếm gặp và có giá trị, cung cấp thêm các tư liệu lịch sử bởi đây không phải là kiểu giếng truyền thống của người Việt ở khu vực Bắc Bộ.
“Loại giếng sử dụng gỗ để kè như vậy vốn chỉ được ghi nhận ở khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận - nơi có sự ảnh hưởng văn hóa Chăm. Đây là kỹ thuật rất văn minh, vì gỗ được dùng không chỉ để gia cố, mà còn giúp lọc nguồn nước ngang từ mạch ngầm”, TS Phạm Văn Triệu cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng, giếng gỗ Hạc Lâm có thể có niên đại từ thế kỷ 14 - 17. Tuy nhiên, để xác định chính xác niên đại, cần phải tiến hành các xét nghiệm carbon phóng xạ (C14) và các nghiên cứu bổ sung, như lịch sử hình thành, xuất hiện của giếng cũng như lối sống, cách đào giếng của người dân bản địa.
Theo Cổng thông tin điện tử xã Hương Lâm, địa phương là một trong số ít xã có nhiều di tích nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Đình - chùa Hạc Lâm có lịch sử từ thời Lê, trước sân chùa còn cây hương đá thời Lê (niên hiệu Vĩnh Khánh). Đình Hạc Lâm cùng khuôn viên với chùa tạo nên bố cục “tiền thần hậu phật”.
Tường đình xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Đình còn lưu giữ được hệ thống sắc phong, ngọc phả, văn tế và 4 tấm bia đá. Tấm bia có niên đại sớm nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766).
Dự kiến đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và cơ quan chức năng sẽ khảo sát, nghiên cứu, đánh giá trực tiếp để có kết luận chính thức về giếng cổ mới phát lộ tại xã Hương Lâm.