Nguyên nhân phổ biến là phụ huynh chọn giáo dục con cái tại nhà nhưng mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Thay đổi thói quen
Ở thành phố Anchorage (bang Alaska, Mỹ), các gia đình giàu có rục rịch làm đơn xin nghỉ học để cùng con đi trượt tuyết hoặc các kỳ nghỉ dài. Họ tin rằng con cái có thể theo kịp bài vở qua hình thức trực tuyến.
Còn tại bang Michigan, quản lý các trường học đã áp dụng mọi cách, kể cả cho phép học sinh mặc đồ ngủ, để khuyến khích học sinh đến trường. Chưa kể trên khắp nước Mỹ, nhiều học sinh bị căng thẳng quá mức đang chọn ở nhà thay vì đến lớp.
Theo Viện Nghiên cứu Giáo dục tại nhà quốc gia Mỹ, một trong những lợi ích của việc học tại nhà là học sinh có thể tiến bộ theo năng lực và thời gian biểu cá nhân. Cụ thể, học sinh học tại nhà thường đạt điểm cao hơn từ 15 - 25% trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn so với học sinh trường công. Ngoài ra, học sinh học tại nhà thường đạt điểm trên trung bình về mặt phát triển xã hội, cảm xúc và tâm lý.
Trong 4 năm từ khi đại dịch diễn ra khiến trường học đóng cửa, hệ thống giáo dục Mỹ phải vật lộn để phục hồi nhiều khía cạnh từ học sinh mất động lực học tập, hành vi chưa đúng mực đến ứng dụng công nghệ, tuyển sinh... Nhưng không vấn đề nào dai dẳng và lan rộng bằng tình trạng học sinh nghỉ học.
Tình trạng trên diễn ra ở mọi nhóm nhân khẩu học và tiếp tục kéo dài sau khi trường học mở cửa lại sau dịch. Trên toàn quốc, ước tính 26% học sinh trường công thường xuyên vắng mặt trong năm học 2022 - 2023, tăng 15% so với trước đại dịch. Mức độ vắng mặt thường xuyên được định nghĩa là vắng mặt ít nhất 10% ngày học trong năm học, tương đương 18 ngày, vì bất kỳ lý do nào.
Sự gia tăng xuất hiện ở mọi khu vực, thu nhập và chủng tộc. Một khảo sát của tờ New York Times cho thấy ở các học khu giàu có, tỷ lệ vắng mặt thường xuyên tăng gần gấp đôi từ 10% trước đại dịch lên 19% trong năm học 2022 - 2023.
Ở các khu vực nghèo, vốn có tỷ lệ học sinh vắng mặt cao, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng còn lớn hơn. Khoảng 32% học sinh ở các quận nghèo nhất nước Mỹ thường xuyên vắng mặt trong năm học 2022 - 2023, tăng từ 19% trước đại dịch.
Xu hướng trên cho thấy, thói quen đi học tại Mỹ, vốn gắn liền với sự trưởng thành của trẻ em, đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Theo phân tích của chuyên gia tâm lý học Katie Rosanbalm - Trung tâm Chính sách Gia đình và Trẻ em (Đại học Duke), thói quen đi học hàng ngày đã bị cắt đứt bởi dịch Covid-19 từ học kỳ mùa Xuân 2020.
Trẻ em không có thói quen thức dậy sớm, đến trường hay lên lớp. Thay vào đó, các em học từ xa, học trực tuyến với yêu cầu điểm danh, làm bài tập, kiểm tra... thoải mái hơn. Do đó, sau khi trường học mở cửa lại, mọi thứ khó có thể trở về bình thường.
“Mối quan hệ của trẻ em, thanh, thiếu niên với trường học trở thành một tùy chọn, không còn là bắt buộc”, bà Katie nhận xét.
Trẻ em học tại nhà có nguy cơ vĩnh viễn không trở lại trường học. |
Niềm tin lung lay
Các trường học ở Mỹ đang nỗ lực cải thiện tỷ lệ học sinh đi học nhưng mối liên hệ với gia đình học sinh rất phức tạp. Tại Trường Trung học South Anchorage, thành phố Anchorage, một số gia đình có thu nhập trung bình trở lên có thể đi trượt tuyết hoặc du lịch ở Hawaii.
Những học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp hoặc vừa phải sẽ nghỉ học vì muôn vàn lý do như chăm sóc em nhỏ, lỡ xe bus, bố mẹ bận đi làm, không có xe đưa đón đi học...
Vì giáo viên vẫn cập nhật nội dung bài học, bài tập lên Internet như hồi dịch Covid-19 nên nhiều gia đình nghĩ rằng học sinh nghỉ học vẫn theo kịp bài giảng trên lớp. Đó là lý do khiến họ thoải mái cho con nghỉ học đi du lịch.
Bên cạnh đó, việc học sinh nghỉ học còn đến từ tác động sức khỏe tâm thần. Nhiều em ở nhà quá lâu trong giai đoạn dịch Covid-19 nên mất kết nối và không muốn xây dựng mối quan hệ xã hội. Việc phải lên lớp khiến các em bối rối, căng thẳng.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh Mỹ đã mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Chị Ashley Cooper, sống tại bang Texas, cho rằng việc học trực tuyến trong dịch Covid-19 là không hiệu quả.
Con gái Ashley đã không nhận được những hỗ trợ cần thiết từ giáo viên, nhất là ở môn học em kém như Toán, nên khi điểm số sa sút, cô bé bắt đầu mắc chứng rối loạn lo âu. “Đã có những ngày con gái tôi vừa khóc vừa nói rằng cháu không muốn đi học. Là một người mẹ, tôi không muốn con phải chịu căng thẳng như vậy”, chị Ashley cho hay.
Theo các chuyên gia, nhiều học sinh nghỉ học cũng gặp tình trạng tương tự con gái chị Ashley. Những học sinh có học lực trung bình, kém không muốn đến trường nhưng việc nghỉ học càng khiến kết quả của các em tụt dốc. Số khác đã mất kết nối và không muốn xây dựng mối quan hệ xã hội. Việc phải lên lớp khiến các em bối rối, căng thẳng. Như vậy, nó tạo thành vòng tròn bế tắc, không có kết thúc.
Phụ huynh không cần trình độ sư phạm vẫn có thể dạy con tại nhà. |
Nguy cơ bạo lực gia đình
Giáo dục tại nhà (homeschooling) là hợp pháp tại tất cả bang tại Mỹ và quy định tại từng khu vực là khác nhau. Ở hầu hết các bang, phụ huynh không cần bằng cấp vẫn có thể dạy con học tại nhà nhưng họ cần có tư duy đúng đắn.
Các gia đình chọn giáo dục tại nhà vì nhiều lý do như: Không hài lòng với những gì hiện có; tăng tính linh hoạt về thời gian, chương trình giảng dạy; bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt và bạo lực học đường; gắn kết cha mẹ và con cái; mất niềm tin vào hiệu quả của trường học truyền thống; cải thiện vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần...
Tuy nhiên, với tình trạng học sinh nghỉ học gia tăng như hiện nay, mô hình giáo dục tại nhà khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Trước hết, tình trạng nghỉ học là yếu tố hàng đầu cản trở sự phục hồi của quốc gia sau những tác động của đại dịch Covid-19. Nó có thể ảnh hưởng đến trình độ học tập của tất cả học sinh trong lớp vì khi lớp có học sinh nghỉ học và đi học lại, giáo viên phải dạy chậm lại và điều chỉnh bài giảng.
Về phía giáo dục tại nhà, chương trình học không được phê duyệt nên không ai biết chính xác chất lượng sẽ ra sao. Nhiều phụ huynh chọn giáo dục tại nhà vì họ nghĩ con cái không được giáo dục cá nhân hóa tại trường công. Nhưng việc trở thành giáo viên không dễ dàng và không phải phụ huynh nào cũng có thể trở thành giáo viên.
Bên cạnh đó, khi học sinh đến trường, các em được chăm lo dinh dưỡng và được giám sát qua một hệ thống quản lý giáo dục nhưng ở nhà thì không. Vì vậy, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình hoặc không được tiếp cận những nguồn hỗ trợ cần thiết từ chính quyền trong trường hợp gia đình khó khăn.
Một trong những nhược điểm lớn nhất của giáo dục tại nhà là tính xã hội hóa. Theo các chuyên gia, trẻ em cần lớn lên bên những đứa trẻ khác để phát triển các kỹ năng xã hội. Trường học không chỉ là nơi trao kiến thức, mà là nơi trẻ gắn kết, học cách tương tác với bạn bè và người xung quanh.
Nhiều học sinh Mỹ nghỉ học sau dịch Covid-19. |
Nhìn chung, bất chấp số lượng học sinh học tại nhà tăng cao, các quốc gia đang nỗ lực đưa trẻ em trở lại trường và tái hình thành thói quen đi học đã bị mai một vì dịch Covid-19.
Ở bang Connecticut, ủy viên giáo dục Charlene M. Russell-Tucker cho biết, chính quyền đã phát động chương trình thăm nhà. Giáo viên, nhân viên giáo dục sẽ đến hỏi thăm và cùng phụ huynh giải quyết những vấn đề khiến trẻ nghỉ học.
Ngoài ra, các trường đang cố gắng trở nên hấp dẫn hơn. Họ mở rộng đối tượng học sinh được ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá; tổ chức ngày hội hóa trang theo chủ đề; tặng quần áo ấm, nhu yếu phẩm cho học sinh khó khăn...
Mặc dù vậy, số lượng học sinh nghỉ học tại Mỹ ngày càng tăng cao và giáo dục tại nhà là một trong những biện pháp được phụ huynh lựa chọn hiện nay. Hệ thống giáo dục công có thể phải mất nhiều thời gian để lấy lại lòng tin của phụ huynh nhưng nhiều khả năng, dịch Covid-19 sẽ vĩnh viễn thay đổi thói quen đi học của trẻ em Mỹ.
Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất cho mọi trẻ em, các quốc gia có thể xem xét lại những quy định về giáo dục tại nhà. Các trường học, chính quyền các địa phương cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn với phụ huynh để hỗ trợ những gia đình giáo dục tại nhà.
Theo Viện Nghiên cứu Giáo dục tại nhà quốc gia Mỹ, khoảng 6% trẻ em trong độ tuổi đi học đã học tại nhà trong năm 2021 - 2022, tương đương với khoảng 3,1 triệu học sinh phổ thông. Số người Mỹ chọn học tại nhà tăng hơn gấp đôi ở một số bang kể từ đại dịch Covid-19. Ước tính, hiện có khoảng 1,9 - 2,7 triệu trẻ em Mỹ học tại nhà, phổ biến là ở bang New York, Nam Dakota, Rhode Island, Tennessee.