Giáo dục tài chính trong trường học: Kỹ năng sinh tồn thế kỷ 21

GD&TĐ - Giáo viên Estonia lồng ghép kiến thức về tài chính trong các môn học phổ thông từ Toán học đến Lịch sử.

Quản lý chi tiêu là một kỹ năng quan trọng đối với thanh, thiếu niên hiện nay.
Quản lý chi tiêu là một kỹ năng quan trọng đối với thanh, thiếu niên hiện nay.

Học sinh Phần Lan có môn Kinh tế gia đình, còn học sinh Singapore học quản lý chi tiêu trong môn Giáo dục nhân cách và Giáo dục công dân.

Chủ đề phổ biến

Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông đang là chủ đề phổ biến trên thế giới. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia để giáo dục tài chính.

OECD nhấn mạnh, hiểu biết về tài chính là “kỹ năng sinh tồn” của con người khi sống trong xã hội hiện đại. Hầu hết trẻ em đến tuổi trưởng thành đều phải tự lo liệu về mặt tài chính cá nhân. Khi sống độc lập, họ cần biết cách lập ngân sách, đưa ra những lựa chọn tài chính khôn ngoan hoặc quản lý rủi ro tài chính.

Các quyết định tài chính kém có thể tác động lâu dài đến cá nhân, gia đình các em và xã hội. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra thiếu hiểu biết về tài chính có liên quan đến mức sống thấp, giảm sức khỏe tâm lý và thể chất, phụ thuộc nhiều hơn vào hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, TS K.C.Chakrabarty, Phó Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ, nhận định, giáo dục tài chính có thể tạo ra sự khác biệt. Nó trao quyền và trang bị cho người trẻ kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để đảm đương cuộc sống và xây dựng tương lai an toàn hơn cho bản thân và gia đình.

Do đó, giáo dục tài chính được chính phủ, tư nhân nhiều quốc gia xem như một khoản đầu tư dài hạn quan trọng vào nguồn nhân lực.

Từ năm 2012, OECD đưa giáo dục tài chính thành một nội dung tùy chọn để đánh giá học sinh quốc tế. Trong đó, Estonia, quốc gia với khoảng 1,3 triệu dân, đã hai lần đứng đầu kết quả đánh giá hiểu biết tài chính của OECD.

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 do OECD công bố, học sinh Estonia đứng đầu về hiểu biết tài chính với 547 điểm. Kết quả này khiến không ít quốc gia ngạc nhiên bởi Estonia đã vượt qua quốc gia có chất lượng hàng đầu thế giới như Phần Lan để vươn lên vị trí số một.

Trong cải cách giáo dục quốc gia được triển khai từ những năm 2010, Chính phủ Estonia đã nhấn mạnh tầm quan trọng và dài hạn của việc giảng dạy kiến thức về tài chính.

Giáo dục tài chính không phải một môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông tại Estonia nhưng giáo viên nước này lồng ghép các kiến thức kinh tế, tài chính trong các môn học như Toán, Khoa học, Văn học, thậm chí là Lịch sử.

Đơn cử, ở môn Toán, từ bậc tiểu học, học sinh được tìm hiểu về các đơn vị tiền tệ, mệnh giá tiền Estonia... Trong môn Lịch sử, các em được giới thiệu về nguồn gốc và sự ra đời của tiền tệ trên thế giới và trong nước.

Ở các cấp cao hơn, học sinh tìm hiểu phương pháp quản lý chi tiêu, lập ngân sách cá nhân, tính tiền lương, thậm chí là cách thức khởi nghiệp.

Ngoài ra, thành công của Estonia phải kể đến sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ về tài chính. Hàng tháng, phụ huynh Estonia cho con cái một khoản tiền tiêu vặt nhất định. Họ cũng sẽ thảo luận với con cách chi tiêu hiệu quả, phù hợp với khả năng của bản thân.

Phía sau nhà trường là sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ. Họ đã và đang hỗ trợ giảng dạy về hiểu biết tài chính, tổ chức các buổi tọa đàm, thuyết trình trong đó khách mời là cố vấn tài chính của các doanh nghiệp. Điều này cho phép thanh, thiếu niên tìm hiểu về tài chính doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lồng ghép trong chương trình học

Ông Bret Metsküla, điều phối viên về Trí tuệ tài chính, Bộ Tài chính 
Estonia, cho biết: Nếu thanh, thiếu niên tiếp xúc sớm với các chủ đề về tiền bạc, tài chính, họ càng có ý thức về giá trị của đồng tiền và sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Trong giáo dục, chúng tôi dạy về tài chính từ các ví dụ hàng ngày để học sinh nhanh chóng nắm bắt.

Theo sau Estonia là Phần Lan. Kết quả PISA cho thấy, khoảng 20% thanh, thiếu niên 15 tuổi ở Phần Lan có mức độ am hiểu về các lĩnh vực tài chính thành thạo vào năm 2018.

Hơn 70% học sinh được hỏi cho biết được dạy về tài chính từ giáo viên trong trường học. Họ cũng được phân công thực hiện một số công việc tài chính ở trường.

Học sinh tiểu học tại Phần Lan được hướng dẫn tìm hiểu về tài chính thông qua ứng dụng học tập Mini Zaldo. Trong đó, trẻ học các kỹ năng tài chính nhờ làm bài tập, trả lời câu hỏi về thói quen sử dụng tiền và tiêu dùng trong xã hội.

Học sinh đạt điểm cao nhất lớp sẽ được thưởng tiền. Cách các em sử dụng khoản tiền này cũng là một bài học về tài chính.

Tuy không có môn Giáo dục tài chính, giáo dục cơ bản tại Phần Lan có lớp học bắt buộc về kinh tế gia đình. Trong đó, quản lý chi tiêu trong gia đình là một phần nội dung quan trọng. Đây là môn tự chọn phổ biến nhất tại các trường trung học Phần Lan.

Giáo dục tài chính được Chính phủ Singapore lồng ghép giảng dạy trong môn học Giáo dục nhân cách và Giáo dục công dân. Ở các trường tiểu học, giáo dục hiểu biết tài chính gắn liền với giảng dạy các giá trị đạo đức cốt lõi.

Học sinh được dạy các khái niệm và giá trị cơ bản như phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn, chi tiêu trong phạm vi, tiết kiệm và đầu tư.

Ở trường trung học, học sinh được hướng dẫn lập kế hoạch tài chính đơn giản, sử dụng tín dụng có trách nhiệm, trang bị kiến thức về quyền của người tiêu dùng; từ đó, trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm và thông minh. Ở bậc dự bị đại học, kiến thức tài chính nằm trong môn Kinh tế cao cấp.

Trong đó, học sinh học cách cân nhắc giữa chi phí và lợi ích, quan điểm đầu tư thông minh... Nếu theo học trường bách khoa, sư phạm kỹ thuật, tất cả sinh viên năm nhất phải đăng ký học phần Giáo dục tài chính bắt buộc nhằm trang bị kiến thức tài chính cơ bản và trau dồi thói quen tài chính tốt.

Sinh viên tìm hiểu các khái niệm tài chính như lập ngân sách, lãi suất kép hoặc tìm hiểu chương trình tài chính quốc gia như Quỹ Bảo trợ Trung ương, Quỹ chăm sóc sức khỏe và hưu trí... Tương tự, tại các trường đại học tư thục, giáo dục tài chính lồng ghép trong các môn Tài chính và đầu tư cũng như trong các buổi hội thảo, hoạt động ngoại khóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.