Hội thảo nhằm cập nhật thông tin về quá trình xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và bộ môn; chia sẻ về việc lồng ghép giới trong các Dự thảo Chương trình và giới thiệu chương trình thí điểm cụ thể hóa việc lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong các môn học phù hợp như Toán, Giáo dục công dân, trải nghiệm.
SGK mới cần loại bỏ hình ảnh về định kiến giới
Tại buổi hội thảo, rất nhiều ý kiến đã đưa ra để bàn về việc lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong các môn học như Toán, Ngữ văn, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, các môn học trải nghiệm,…
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho rằng: ‘Không chỉ ở Việt Nam mà còn cả một số nước khác, nhu cầu tích hợp môn học là xu thế cần thiết, những người biên soạn sách cũng đặt ra yêu cầu lớn. Môn Ngữ văn nội dung môn học là giới và bình đẳng giới, những tác phẩm hay trong văn học cũng đều liên quan đến giới.
Những vấn đề đặt ra trong cuộc sống cũng liên quan đến giới và bình đẳng giới nên cần khai thác như nào cho hiệu quả nhất. Đồng thời, cũng cần đưa những tác giả nữ có mặt trong chương trình mới. Như vậy, chủ thể những nhà văn, nhà thơ nữ cũng cần được đưa vào. Việc tích hợp cũng cần hợp lý bởi không chỉ nội dung mà phương pháp giáo dục giới cũng rất quan trọng. Những chú ý trong việc minh họa, trình bày cũng cần được tính toán và cân đối’.
TS Bùi Phương Nga –Chủ biên chương trình môn Tự nhiên xã hội và môn khoa học mới – cho rằng: "Nội dung chương trình SGK mới cần loại bỏ những hình ảnh về định kiến giới. Mục tiêu của lồng ghép giới trong chương trình môn Tự nhiên và xã hội nhằm góp phần xóa bỏ những định kiến giới, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục giới tính, giúp học sinh biết cách phòng chống xâm hại.
Đối với lồng ghép giới trong chương trình môn Khoa học được thực hiện ở chủ đề Con người và sức khỏe lớp 5. Mục tiêu của lồng ghép giới trong chương trình môn Khoa học nhằm bước đầu giúp học sinh phân biệt giới, giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và giúp học sinh biết cách phòng chống bị xâm hại tình dục".
Bình đẳng giới là tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội
Hội thảo lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình giáo dục phổ thông là một trong những hoạt động trọng tâm của Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam năm 2018 để thực hiện giám sát và phản biện xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp, chính sách.
Bình đẳng giới cũng là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội, do vậy, là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam và các nước trên thế giới mong muốn đạt được.
GS.TS Đỗ Đức Thái – Chủ biên môn Toán cho rằng : "Trong môn Toán, bất bình đẳng giới là rõ nét nhất. Số lượng GS Toán là nam giới rất nhiều nhưng số nữ lại rất ít. Nhưng hiện nay, ở khoa Toán của trường Sư phạm thì sinh viên nữ khá đông. Lĩnh vực giáo dục Toán học cần phát triển năng lực cho học sinh ở nhưng vấn đề cốt lõi là phải hiểu được: tiền và giá trị đạo đức liên quan đến tiền, lập kế hoạch tài chính cá nhân, hiểu về sử dụng công cụ tài chính, hiểu về quản lý tiền tệ và đầu tư rủi ro trong tài chính".
GS.TS Đỗ Đức Thái cũng nhận định: "Ngay từ những bài tập lớp 2 thì học sinh đã được học về tiền và giá trị đạo đức của tiền và tích hợp các môn học như Giáo dục công dân, Đạo đức. Hoạt động thực hành và trải nghiệm trong môn Toán, tổ chức hoạt động tung đồng xu, trò chơi liên quan đến trao đổi hàng hóa,... lớp 4 đã được học thực hành chuyển đổi tiền Việt Nam, lớp 5 được học về tỉ số phần trăm nên học sinh sẽ được học về lỗ, lãi. Vận dụng kiến thức toán học giải quyết những vấn đề về rủi ro, đầu tư,vay nợ,...cũng là một trong những kiến thức quan trọng cho học sinh".
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến của các thầy cô – những người đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết vào việc biên soạn các chương trình môn học – về những nội dung có liên quan đến giới, bình đẳng giới trong chương trình môn học cũng như những nội dung còn băn khoăn trăn trở trong quá trình xây dựng dự thảo và việc đưa chương trình vào thực tế trong thời gian tới; trao đổi, chia sẻ về sự cần thiết của giáo dục tài chính sớm có lồng ghép giới vào chương trình giáo dục phổ thông như môn Toán, giáo dục công dân hay trải nghiệm".