Giáo dục sau 3 năm ảnh hưởng bởi Covid-19: Tổn thất không thể đong đếm

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội và giáo dục cũng không phải ngoại lệ.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp, TPHCM) giúp trẻ rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học, tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp, TPHCM) giúp trẻ rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học, tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Dù được đẩy lùi, song tổn thất do Covid-19 để lại vẫn hiện hữu trong mỗi nhà trường, thầy cô, học sinh và công tác dạy học.

Khối trường tư thục chật vật

Năm 2019, ông Lê Cường (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) xin giấy phép thành lập Nhóm trẻ Mầm non Lê Minh. Hoạt động chưa đầy một năm, nhóm trẻ phải ngừng vì dịch. Suốt hai năm liên tiếp, thời gian nhóm trẻ hoạt động ít hơn đóng cửa do đại dịch. Cơ sở mầm non của ông Cường chật vật để giữ mặt bằng với tiền thuê hơn 10 triệu đồng/tháng (sau khi được giảm 50%).

Giáo viên, nhân viên cũng không bám trụ nổi, phải làm đủ việc trong thời gian giãn cách xã hội để mưu sinh. Đến khi được mở cửa trở lại từ năm 2022, số lượng trẻ mầm non ở cơ sở giảm mạnh, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

“Sau đợt dịch năm 2020, chúng tôi cố gắng chịu lỗ để hoạt động trở lại, nhưng khi dịch bệnh ập đến từ đầu năm 2021 và bùng phát sau đó thì không gượng dậy nổi”, ông Cường chia sẻ. Sau nhiều ngày trăn trở, chủ đầu tư quyết định giải thể cơ sở mầm non.

Giống như Nhóm trẻ Mầm non Lê Minh, hàng trăm cơ sở mầm non tư thục lao đao vì trường đóng cửa dài ngày và xin giải thể bởi không đủ sức bám trụ. Nhiều chủ trường phá sản, bán đất, nhà để trả nợ. Thống kê của Bộ GD&ĐT từ tháng 5/2021 - 12/2021 cho thấy, trên cả nước, hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.

Trường tư thục đóng cửa, học sinh quay trở lại sẽ không đủ lớp học. Điều này tăng áp lực lên trường công, ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục và để lại nhiều hệ lụy lâu dài. Bởi ở TPHCM, hệ thống các trường ngoài công lập, nhóm trẻ đóng góp 60% chỗ học.

Không chỉ trường mầm non, khối giáo dục tư thục bao gồm các trung tâm ngoại ngữ, tin học, công ty dịch vụ giáo dục… cũng rơi vào tình trạng “sức cùng lực kiệt” với đại dịch. Nhiều đơn vị phải giải thể; nơi vượt qua được “cơn bão” đại dịch, hiện cũng chật vật để tồn tại.

Đơn cử, sự việc hàng nghìn phụ huynh đòi lại học phí hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders - vụ lùm xùm kéo dài hàng năm nay chưa có hồi kết, có một phần nguyên nhân là ảnh hưởng Covid-19. Trong đại dịch Covid-19, xu hướng dạy và học trên thế giới thay đổi mạnh mẽ nhưng các trung tâm Anh ngữ không theo kịp làn sóng này.

Học phí đã thu, song các buổi học không được tổ chức ổn thỏa. Phụ huynh đòi lại học phí, các trung tâm không đủ nguồn vốn hoàn trả vì phải bù lỗ thời gian dịch bệnh. Hồi tháng 2/2022, Sở GD&ĐT TPHCM thống kê, có khoảng 80% trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn phải đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc giải thể. Đến nay, hàng chục trung tâm đóng cửa vĩnh viễn.

Mới đây, tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo với lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, bà Đào Thị Tin - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Phúc - đơn vị đầu tư 4 trường tư thục ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức đã nêu vấn đề này. Theo bà Tin, nhiều thời điểm sau dịch Covid-19, số lượng giáo viên ở các trường còn đông hơn số trẻ đi học. “Chúng tôi phải cầm cự hoạt động, cố gắng đảm bảo thu nhập, chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên”, nữ giám đốc cho biết.

Một chủ đầu tư trường tư thục khác ở huyện Bình Chánh cũng than thở, đến nay, nhiều cán bộ và giáo viên không trụ nổi nên xin nghỉ việc. Trường học phải sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp để có thể duy trì hoạt động nhưng chỉ ở mức cầm chừng.

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện Nhà Bè (TPHCM) trong giờ học thực hành, tháng 2/2022. Ảnh: Mạnh Tùng

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện Nhà Bè (TPHCM) trong giờ học thực hành, tháng 2/2022. Ảnh: Mạnh Tùng

Tổn thương không thể bù đắp

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại dịch Covid-19 đã làm hơn 4 nghìn trẻ em Việt Nam rơi vào cảnh mồ côi; trong đó có 193 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngoài ra, khoảng 8 - 20% trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, tâm lý, tâm thần của trẻ em.

“Đây chính là tổn thất lớn nhất mà đại dịch Covid-19 để lại với những tổn thương dai dẳng đến tận hôm nay và không thể bù đắp”, ThS Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) chia sẻ đồng thời viện dẫn: Tổn thất về sinh mạng con người và sức khỏe tinh thần càng rõ nét trong lĩnh vực giáo dục, dù dịch bệnh được đẩy lùi. Sức khỏe của không ít thầy cô, học sinh suy giảm do bệnh dịch. Nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, sang chấn tâm lý nặng nề, rối loạn tâm thần, mệt mỏi giai đoạn hậu Covid-19.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Chương trình tài năng, Trường Đại học Gia Định bổ sung thêm, đại dịch Covid-19 còn để lại tổn thất lớn về kinh tế, từ đó tác động trực tiếp đến học sinh, sinh viên, nhà trường. Kinh tế sụt giảm do đại dịch khiến lựa chọn vào đại học của nhiều gia đình khó khăn hơn. Nhiều học sinh giỏi phải tạm gác giấc mơ vào các trường đại học ở đô thị lớn, chọn trường gần nhà để tiết giảm chi phí học hành.

Cũng liên quan đến khía cạnh kinh tế, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, việc học phí không thể tăng nhiều năm qua nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân cũng khiến các trường phải “thắt lưng buộc bụng”. Chi phí cho công tác đào tạo hạn hẹp nên việc tăng chất lượng và tiến độ tự chủ đại học ở nhiều trường bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, TS Mai Đức Toàn còn nêu một hệ quả khác về tác động của đại dịch Covid-19 với việc dạy và học hiện nay. Đó là, học sinh, sinh viên phải ở nhà kéo dài, không có giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của các em. Quá trình học tập online kéo dài trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát khiến nhiều học sinh, sinh viên trở nên lười học, học thụ động hoặc mang tính chất đối phó. Những “thói quen” xấu này cần nhiều thời gian để uốn nắn.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hồi tháng 1/2022 công bố báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 với giáo dục. Theo đó, UNICEF cho rằng, trên bình diện toàn cầu, lỗ hổng giáo dục phổ thông do đại dịch gây ra gần như không thể khắc phục. Trẻ em bị thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản. Bên cạnh đó, việc đóng cửa trường học cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng cần thiết và tăng nguy cơ bị xâm hại. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 làm gia tăng tỷ lệ lo âu và trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ