Giáo dục sau 3 năm ảnh hưởng bởi Covid-19: Nối dài bài học quý

GD&TĐ - Từ thách thức 3 năm đại dịch Covid-19, nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý được rút ra.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bà Ka H’Hoa - đại biểu Quốc hội khóa XIV, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông): Giải pháp tổng thể cho chuyển đổi số

Tôi là giáo viên nên hiểu những khó khăn khi dạy học trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Triển khai dạy học trực tuyến với quy mô, tính chất ở thời điểm đó chưa có tiền lệ. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên chúng ta có nhiều bài học trong dạy - học trực tuyến; trên hết có sức mạnh, niềm tin, sự hy sinh, tận tụy, nhiệt thành, sáng tạo và tận tâm của đội ngũ giáo viên.

Bà Ka H’Hoa.

Bà Ka H’Hoa.

Tuy nhiên, với tư cách giáo viên, tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung chế độ chính sách và quan tâm đến tính đặc thù vùng miền, để sát hơn với thực tiễn. Hạ tầng ngành Giáo dục cần được tăng cường. Kỹ năng của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh, đặc biệt là năng lực tự học cần được quan tâm nhiều hơn…

Về lâu dài, chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược của ngành; vì thế cần những giải pháp tổng thể để hình thành nền tảng đồng bộ đủ lớn, bền vững mang tính quốc gia. Cần pháp chế hóa một số văn bản và tiếp tục củng cố, xây dựng kho học liệu đủ lớn để việc dạy - học trực tuyến đảm bảo; đặc biệt cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực con người cho chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội): Hướng đến mô hình trường học trực tuyến

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng học”, ngành GD-ĐT quận Ba Đình đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý, đặc biệt là chuyển đổi số. Theo đó, các trường học trên địa bàn không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, mà còn sáng tạo vào giảng dạy.

Ông Lê Đức Thuận. Ảnh: ITN

Ông Lê Đức Thuận. Ảnh: ITN

Ngành Giáo dục quận Ba Đình cũng thường xuyên mời chuyên gia, đơn vị về công nghệ thông tin hàng đầu của TP Hà Nội để tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ trực tiếp công tác chuyên môn trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận.

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, cơ sở giáo dục và thầy - trò đã thuần thục với dạy học trực tuyến. Hiện, 100% trường học quận Ba Đình kết nối Internet, trang bị hệ thống camera giám sát nhằm đảm bảo sẵn sàng việc liên thông hệ thống quản lý điều hành. Các cơ sở giáo dục trực thuộc phòng GD&ĐT đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thư viện, đồ dùng thiết bị nhà trường.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục bao gồm: Kho học liệu số, bài giảng E-learning, hệ thống học tập trực tuyến… Bên cạnh đó, lớp học được trang bị màn hình lớn, giúp bài giảng của giáo viên sinh động, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Tuy nhiên, việc triển khai dạy – học trực tuyến thời gian qua mới ở giai đoạn đầu. Chúng ta cần từng bước hướng tới xây dựng trường học trực tuyến, ở đó có thể tổ chức, quản lý giao bài tập kiểm tra, đánh giá trên hệ thống. Qua đó, mới đúng nghĩa xây dựng trường, lớp học trực tuyến.

Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Trường THCS Nguyễn Trãi tiên phong xây dựng “Trường học trực tuyến” trong dạy và học. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để triển khai dạy và học trực tuyến. Đối với cơ sở giáo dục chưa triển khai được phần mềm trực tuyến, phòng GD&ĐT có hướng xây dựng và đồng hành. Phòng GD&ĐT Ba Đình đã nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình trường học trực tuyến” tại Trường THCS Nguyễn Trãi.

Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, quận Ba Đình đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như: Màn LED sân trường, hệ thống hạ tầng mạng Internet với cáp quang, wifi cùng hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, hỗ trợ công tác quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá…

Ngành Giáo dục quận Ba Đình luôn xác định chuyển đổi số là quá trình lâu dài, bền bỉ, giai đoạn sau tiến bộ hơn trước, để làm cho hiệu quả công việc được nâng lên. Qua đó góp phần nâng cao giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cho quận và thành phố.

TS Đỗ Viết Tuân - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý Giáo dục): Phát huy các tiềm năng

TS Đỗ Viết Tuân. Ảnh: TG

TS Đỗ Viết Tuân. Ảnh: TG

Sau đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục có bước tiến “đột phá” về dạy học trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Qua thực tiễn cho thấy, ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mùa dịch, mà còn là phương thức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính.

Từ thực tiễn, tôi nhận thấy, cả giáo viên và học sinh đã có năng lực và kỹ năng nhất định để thích ứng với công nghệ thông tin trong dạy học. Đây là cơ hội để chúng ta quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số giáo dục, đào tạo. Song tôi cho rằng, những năng lực, kỹ năng trên cần rèn luyện, bồi dưỡng thường xuyên. Muốn vậy, phải tiếp tục triển khai dạy học, hoạt động quản lý trực tuyến như một “liệu pháp” cộng hưởng với hình thức trực tiếp. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh tiếp cận với kiến thức, kỹ năng hiện đại, mà còn có thể rút ngắn thời gian học trên lớp và quan trọng là chất lượng vẫn đảm bảo.

Hiện, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT công nhận phương pháp giáo dục, đào tạo trực tuyến. Vì thế, ở chừng mực nào đó, năm học này, các cơ sở giáo dục vẫn duy trì hình thức dạy học trực tuyến hoặc hội nghị, hội thảo kết hợp trực tuyến với trực tiếp.

Đây cũng là giải pháp nhằm thích ứng linh hoạt khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi phải chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến (nếu cần).

“Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chúng tôi đã bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho 100% cán bộ, giáo viên nhà trường, tập trung vào các chuyên đề: Tạo câu hỏi, bài kiểm tra, bài học online; xây dựng ma trận đề kiểm tra và bảng đặc tả; sử dụng Google biểu mẫu trong kiểm tra đánh giá; sử dụng phần mềm để phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ dạy…”, ông Lê Đức Thuận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ